Đường dẫn truy cập

Thăm dò mùa bầu cử


Một nhân viên làm công việc tham dò đang giải thích cách vận hành của hệ thống bỏ phiếu, South Carolina, 2020.
Một nhân viên làm công việc tham dò đang giải thích cách vận hành của hệ thống bỏ phiếu, South Carolina, 2020.

Đinh Yên Thảo


Không riêng cho các cuộc bầu cử tổng thống, việc thăm dò thái độ hay ý kiến đại chúng trong các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế … tại các quốc gia phương Tây mà chúng ta vẫn biết đến như các “poll” hay “survey” đã trở thành quen thuộc với mọi người. Chúng là những thăm dò dựa trên nền tảng khoa học và phi chính trị nhằm đưa ra các số liệu phục vụ cho các mục đích xã hội nói chung.

Tìm hiểu về các nguyên tắc, cách thức thăm dò cũng là điều thú vị khi đây là một phương pháp kết hợp giữa khoa học và xã hội học khá phổ biến trong xã hội tiến bộ và dân chủ ngày nay.

Ngày nay, qua báo chí, người ta vẫn đọc được các số liệu thăm dò trong nhiều vấn đề khác nhau. Trong mùa bầu cử là tỉ lệ chấp nhận cách điều hành tổng thống, mức độ ủng hộ các ứng viên ra sao cùng việc cử tri đang quan tâm điều gì nhất…

Các số liệu này có ý nghĩa gì, chúng được thực hiện ra sao và mức độ tin cậy của chúng như thế nào là những câu hỏi thường gặp vì mức độ tin tưởng vào các thăm dò này không phải đến dễ dàng với mọi người. Không ít người nghi ngờ và thắc mắc rằng, tại sao ý kiến của một đôi ngàn người được thăm dò lại có thể đại diện cho thái độ hay ý kiến toàn xã hội. Hoặc tại sao kết quả công bố lại khác xa với suy nghĩ cá nhân của chính họ? Và hơn hết, liệu chúng có chính xác khi trên thực tế, những thăm dò mùa bầu cử 2016 đã cho kết quả hoàn toàn đảo lộn, tạo sự nghi ngờ về các số liệu thăm dò.

Chính vì những lý do này mà đã có các cuộc thăm dò các cuộc thăm dò (poll), để tìm hiểu mọi người nghĩ như thế nào về chúng. Phần lớn các người được thăm dò đều cho biết rằng họ tin tưởng vào kết quả các thăm dò, như mức độ chính xác về các thăm dò tiên liệu trong các cuộc bầu cử, các vấn đề và xu hướng xã hội… Nhưng họ không tin tưởng các phương pháp toán học được áp dụng, vì vẫn cho rằng khó mà chấp nhận hay tin được việc chỉ với ý kiến vài ba ngàn người lại có thể đại diện cho toàn xã hội.

Tìm hiểu về vấn đề này để thấy những số liệu có được là từ một phương pháp toán học với độ chính xác cao và đã được chứng minh, được thực hiện cẩn trọng theo các nguyên tắc nghiêm ngặt, chính xác, có lẽ người ta sẽ hiểu hơn các số liệu được thực hiện như thế nào.

Phương pháp xác suất chọn mẫu (probability sampling) là nguyên tắc căn bản của tất cả các cuộc thăm dò thực hiện. Theo nguyên tắc này, sự chọn lựa ngẫu nhiên mẫu vật (ở đây là người) nếu thực hiện theo phương pháp đúng đắn và khoa học, thì một tỉ lệ nhỏ số người được thăm dò có thể đại diện cho ý kiến, thái độ, hành xử của tất cả mọi người. Mục tiêu chính của các poll này là làm sao những ý kiến có được từ các poll sẽ chính xác nếu như thực hiện với tất cả những người trưởng thành trong xã hội. Ðể có được điều này thì sự chọn lựa được thực hiện theo một xác suất đồng đều (equal probability of selection), tức ai cũng có cơ hội ngang nhau để được chọn hỏi ý kiến trong các poll.

Những cuộc thăm dò được thực hiện trước đây bằng cách giáp mặt trực tiếp người được thăm dò, khi những người thực hiện phải chia ra làm nhiều nhóm nhỏ để gõ cửa từng nhà các người tham dự trên khắp nước Mỹ. Suốt gần 50 năm, từ 1935 đến giữa thập niên 80, đây là phương pháp chuẩn mực để thực hiện các poll và đã cho kết quả khá tin cậy. Các poll cho các cuộc bầu cử tổng thống từ năm 1936 đến 1986 đã tiên đoán khá chính xác, với sai số chỉ dưới 3%.

Ðến năm 1986, khi phần lớn gia đình tại Mỹ đã có điện thoại, các cuộc thăm dò được chuyển sang dùng điện thoại thay vì gõ cửa từng nhà như trước đó. Hiện nay, hầu hết các gia đình đều có điện thoại nên tất cả các cuộc phỏng vấn đều thực hiện qua điện thoại.

Các nhà toán học thực hiện các poll thường đối diện câu hỏi rằng: hỏi bao nhiêu người thì đủ cho một poll có đủ độ tin cậy. Câu trả lời chung là, không cần nhiều. Theo lý thuyết chọn mẫu, chỉ cần 1,000 đến 1,500 người được chọn lựa ngẫu nhiên để thăm dò là đủ đại diện cho số đông, nếu tất cả người trưởng thành đều có xác suất được chọn như nhau. Theo lý thuyết xác suất, nếu thăm dò một triệu người không mang tính chọn lựa ngẫu nhiên vẫn không thể cho kết quả chính xác như thực hiện với một ngàn người chọn lựa ngẫu nhiên mà sai số chỉ ở mức độ dưới 3%. Nếu có tăng thêm số người được tham gia vào các thăm dò, thì chi phí tăng gấp đôi nhưng mức độ chính xác lại không thay đổi bao nhiêu, nên hiện nay các poll đều được thực hiện với khoảng dưới 2,000 người như nói trên.

Dù vậy, sự chọn lựa ngẫu nhiên số người được thăm dò kia là một quá trình khá phức tạp và được điện toán hoá, cũng như phải theo những nguyên tắc khá nghiêm ngặt. Khía cạnh kỹ thuật của các dữ liệu thu thập được qua các câu hỏi đặt ra cũng là điều rất quan trọng trong các poll. Việc đặt các câu hỏi rõ ràng, không tạo thiên kiến cũng là điều thực hiện cẩn trọng và nghiêm ngặt để không tạo ra sai lệch về các số liệu thu thập được.

Những nhân viên phỏng vấn được huấn luyện chuyên môn và thực hiện các cuộc phỏng vấn với sự trợ giúp của những máy điện toán có nhu liệu được cài đặt sẵn. Các máy điện toán trung tâm sẽ phân loại, tính toán liên tục và tự động, đồng thời các nhà toán học sẽ xem xét và phân tích dữ liệu đó. Các số liệu được thống kê theo như kết quả và các phân tích để cho các số liệu theo các yếu tố riêng biệt, ví dụ độ tuổi, giới tính, học vấn, thu nhập, sắc dân… của những người tham gia, bên cạnh các kết quả chính.

Sự sai sót trong các thăm dò năm 2016 được giải thích qua một số lý do là các thuật toán và mô thức áp dụng đã sai sót về số người không đi bỏ phiếu và các cử tri không tiết lộ sẽ bỏ phiếu cho ai, cũng như nhóm cử tri nông thôn xa không được tính toán chính xác. Các tỉ lệ dự đoán không sai số quá nhiều nhưng thể thức cử tri đoàn thắng trọn tiểu bang đã thay đổi cục diện với chỉ vài ngàn phiếu cách biệt. Mùa bầu cử năm nay, các nhà toán học và khoa học dữ liệu đã chuẩn bị kỹ càng hơn với các thuật toán và mô hình loại trừ sai sót đến mức có thể, nhằm cung cấp các dữ liệu chính xác và tín cẩn hơn.

Nhìn chung, các cuộc thăm dò được thực hiện một cách khoa học, chính xác và không bị ràng buộc, không chỉ là thước đo cho một ý kiến công luận, những xu hướng xã hội hay một tâm lý tiêu dùng nào đó, mà còn cho người dân những cơ hội tích cực để bày tỏ thái độ, suy nghĩ, nhận định trước các vấn đề thời cuộc và cách điều hành của chính phủ.

Chúng là điều cần thiết để chính phủ, các tổ chức xã hội hay các tập đoàn thương mại có thể điều chỉnh các chính sách hay hoạt động của mình dựa theo nguyện vọng toàn dân qua các cuộc thăm dò. Ðó cũng là điều đáng kể trong một xã hội phát triển, tiến bộ và dân chủ như tại Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác mà không phải xã hội nào cũng được tự do thực hiện.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG