Đường dẫn truy cập

Putin tuyên bố Nga-Trung ‘bảo vệ’ trật tự thế giới dân chủ


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trái, đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Đại lễ đường Nhân dân ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, ngày 16/5/2024.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trái, đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Đại lễ đường Nhân dân ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, ngày 16/5/2024.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tận dụng chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài hai ngày tới Bắc Kinh vào tuần trước để chỉ trích Hoa Kỳ và miêu tả hành động của Moscow là một lực lượng ổn định trong các vấn đề toàn cầu.

Moscow và Bắc Kinh tái khẳng định “tình hữu nghị không giới hạn” mà hai bên đã công bố vào ngày 4 tháng 2 năm 2022 - vài tuần trước khi Nga tiến hành cuộc xâm lược quân sự toàn diện vào Ukraine.

Bất chấp sự hỗ trợ ngoại giao và vật chất của Bắc Kinh cho cuộc chiến của Moscow, Putin khẳng định hợp tác Trung-Nga không đe dọa các quốc gia khác.

Ông Putin nói quan hệ Nga-Trung không nhằm mục đích chống lại bất kỳ ai.

“Sự hợp tác của chúng tôi trong các vấn đề thế giới là một trong những yếu tố ổn định chính trên trường quốc tế. Cùng nhau, chúng tôi bảo vệ các nguyên tắc công bằng và trật tự thế giới dân chủ dựa trên thực tế đa cực và luật pháp quốc tế.”

Điều đó là sai.

Nga và Trung Quốc là hai quốc gia độc tài đang tích cực tìm cách thay thế trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà Mỹ và các đối tác phương Tây đã duy trì như “nền tảng cho hòa bình và thịnh vượng toàn cầu” kể từ khi kết thúc Thế chiến Thứ hai.

Cả Trung Quốc và Nga đều hành động để khẳng định yêu sách lãnh thổ đối với các nước láng giềng bất chấp các tổ chức quốc tế. Nga đã liên tục vi phạm luật pháp quốc tế để đạt được mục tiêu của mình.

Đáng chú ý nhất là cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022 của Nga đã vi phạm Hiến chương Liên hiệp quốc, như Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã phát biểu trước Hội đồng Bảo an vào tháng 4 năm đó.

Hiến chương là văn kiện thành lập của Liên hiệp quốc, quy định các nguyên tắc của luật pháp quốc tế ràng buộc các quốc gia thành viên.

Điều 2(4) của Hiến chương cấm “đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và kêu gọi tất cả các Thành viên tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia khác”.

Điện Kremlin đã cố gắng biện minh cho cuộc chiến mới nhất của mình bằng cách tuyên bố rằng các công dân nói tiếng Nga và người sắc tộc Nga ở miền đông Ukraine phải đối mặt với “nạn diệt chủng” dưới chính quyền Ukraine.

Tòa án Công lý Quốc tế, hay ICJ, cơ quan tư pháp hàng đầu của Liên hiệp quốc, đã nhiều lần bác bỏ những tuyên bố đó là vô căn cứ.

ICJ vào tháng 3 năm 2022 đã kêu gọi Nga “đình chỉ ngay lập tức” mọi hoạt động quân sự ở Ukraine. Chỉ có các thẩm phán Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống lại phán quyết này. Nga bác bỏ phán quyết của ICJ mặc dù phán quyết này có tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Việc Nga chiếm giữ Bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014 cùng với việc sáp nhập bất hợp pháp bốn vùng lãnh thổ của Ukraine vào tháng 9 năm 2022, cũng vi phạm luật pháp quốc tế.

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), một tòa án quốc tế xét xử các cá nhân “có tội ác nghiêm trọng nhất được cộng đồng quốc tế quan tâm”, đã ban hành lệnh bắt giữ ông Putin và ủy viên về quyền trẻ em Maria Lvova-Belova vì phạm tội ác chiến tranh bằng cách trục xuất bất hợp pháp trẻ em Ukraine sang Nga.

ICC hồi tháng 3 đã buộc tội hai quan chức quân sự hàng đầu của Nga vì tình nghi phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine.

Các nhà điều tra quốc tế xác nhận lực lượng quân sự Nga liên quan đến tội ác chiến tranh ở Ukraine.

Gần 2.000 trẻ em Ukraine đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi chiến tranh leo thang vào năm 2022, ít nhất hai trẻ em mỗi ngày, UNICEF, cơ quan phúc lợi trẻ em của Liên hiệp quốc, đưa tin hôm 13/5.

Theo một phúc trình ngày 20 tháng 5 về theo dõi xung đột toàn cầu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, ít nhất 30.000 thường dân Ukraine đã thiệt mạng hoặc bị thương do các cuộc không kích của Nga, trong khi quân đội Ukraine có khoảng 130.000 người thiệt mạng hoặc bị thương. Phúc trình cũng nói chiến tranh đã khiến khoảng 10 triệu người Ukraine phải sơ tán và gần 15 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo.

Bất chấp việc Nga vi phạm luật pháp quốc tế, Bắc Kinh trong một tuyên bố chung với Moscow tuyên bố “ủng hộ các nỗ lực của phía Nga nhằm đảm bảo an ninh và ổn định, phát triển và thịnh vượng quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời phản đối sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của Nga.”

Vào ngày 16 tháng 5, Trung Quốc cáo buộc Mỹ đạo đức giả khi chỉ trích “thương mại bình thường của Trung Quốc với Nga trong khi đổ viện trợ quân sự chưa từng có vào Ukraine”.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Ukraine được phân bổ để tài trợ cho việc phòng thủ của Kyiv chống lại quân đội xâm lược, trong khi viện trợ của Trung Quốc mang lại lợi ích cho kẻ xâm lược.

Vào tháng 3 năm 2022, các nhà phân tích tại Just Security, một diễn đàn phân tích trực tuyến, lập luận rằng “Việc Trung Quốc cung cấp hỗ trợ quân sự cho các hoạt động của Nga ở Ukraine sẽ vi phạm các nghĩa vụ cốt lõi theo Điều 41” của Hiến chương Liên hiệp quốc.

Điều 41 cấm cung cấp viện trợ hoặc hỗ trợ để tiếp tay cho nỗ lực của các quốc gia khác nhằm vi phạm các chuẩn mực pháp lý cao nhất, bao gồm cả chiến tranh xâm lược.

Như Polygraph.info và những trang khác đã đưa tin, có bằng chứng quan trọng cho thấy Trung Quốc đã cung cấp các thành phần vũ khí để hỗ trợ cuộc chiến tranh xâm lược của Nga.

Mặc dù Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với BBC vào tháng trước rằng Trung Quốc không cung cấp vũ khí thực sự “cho Nga để sử dụng ở Ukraine”, tuy nhiên ông vẫn lập luận rằng ảnh hưởng gây bất ổn của việc cung cấp các thành phần kỹ thuật là rõ ràng.

“Trung Quốc đang giúp Nga duy trì hành động gây hấn chống lại Ukraine, nhưng nước này cũng đang tạo ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với châu Âu vì sự gây hấn của Nga”, ông Blinken nói và cho biết thêm rằng điều này “giúp gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với tình trạng bất an của [châu Âu] kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.”

Trung Quốc cũng đã giúp làm giảm tác dụng của các chế tài của phương Tây nhằm tước đoạt phương tiện tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược của Nga. Bắc Kinh đã và đang cung cấp cho Moscow những linh kiện quan trọng cần thiết để chế tạo vũ khí, đồng thời tăng cường thương mại, đặc biệt là nhập khẩu dầu khí, để giúp nền kinh tế Nga tiếp tục phát triển.

Tình báo Mỹ được giải mật ước tính rằng vào năm 2023, Trung Quốc chiếm 90% lượng nhập khẩu vi điện tử của Nga cần thiết để sản xuất phi đạn, xe tăng và máy bay, cũng như 70% công cụ máy móc có thể được sử dụng để sản xuất phi đạn đạn đạo.

Bắc Kinh cũng đã cung cấp cho Điện Kremlin một phương án dự phòng ngoại giao cho cuộc chiến chống Ukraine, thường xuyên theo chân Nga trong các lá phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và sử dụng bộ máy tuyên truyền của mình để thúc đẩy các luận điểm nhằm biện minh cho cuộc chiến bất hợp pháp của Nga.

Giống như Nga, Trung Quốc cũng ngày càng hung hăng với các nước láng giềng.

Bắc Kinh đã liên tục phớt lờ phán quyết quan trọng của tòa án quốc tế và Luật Biển của Liên hiệp quốc, vốn xác định lãnh hải của các nước láng giềng với Trung Quốc.

Lực lượng tuần duyên Trung Quốc thường xuyên tham gia vào các hoạt động ác ý ở Tây Thái Bình Dương và xa hơn nữa để khẳng định các yêu sách của Trung Quốc đối với lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên.

Trung Quốc cũng ngày càng mạnh mẽ trong việc khẳng định các yêu sách lãnh thổ và có tranh chấp đất đai với nhiều nước láng giềng, đôi khi dẫn đến các cuộc xung đột nhỏ.

(Nguồn Polygraph.info)

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG