Đường dẫn truy cập

Quân đội Mỹ lo lắng về cách Triều Tiên sẽ đối xử với Binh nhì Travis King


Ảnh của Travis King trong quân phục (trái) và trong y phục dân sự.
Ảnh của Travis King trong quân phục (trái) và trong y phục dân sự.

Quân đội Hoa Kỳ ngày 20/7 nói họ hết sức quan ngại về cách Triều Tiên có thể đối xử với binh nhì Travis King và cho biết Washington đã huy động đầy đủ trong nỗ lực tiếp cận với Bình Nhưỡng, bao gồm cả việc sử dụng các kênh liên lạc của Liên hiệp quốc.

Bộ trưởng Lục quân Christine Wormuth, trong những bình luận công khai đầu tiên về vụ việc, cho biết vẫn chưa rõ lý do tại sao ông King chạy qua biên giới sang Triều Tiên nhưng thừa nhận rằng ông này có thể lo ngại về việc phải đối mặt với các hình thức kỷ luật tiếp theo từ Quân đội khi trở về nhà ở Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Wormuth nói bà không biết bất kỳ thông tin nào chứng minh rằng quân nhân 23 tuổi này là một người có cảm tình với Triều Tiên.

“Thành thật mà nói, tôi lo lắng cho ông ta,” bà Wormuth nói với Diễn đàn An ninh Aspen ở Colorado, trích dẫn trường hợp của Otto Warmbier, một sinh viên đại học Hoa Kỳ bị cầm tù ở Triều Tiên trong 17 tháng trước khi chết vào năm 2017 ngay sau khi anh ta trở về Hoa Kỳ trong tình trạng hôn mê.

“Tôi lo lắng về cách họ có thể đối xử với ông ấy. Vì vậy, (chúng tôi) muốn đưa ông ấy trở về.”

Triều Tiên vẫn giữ im lặng về vụ ông King và các quan chức Mỹ cho biết Bình Nhưỡng đã không hồi đáp khi quân đội Mỹ liên lạc để hỏi thông tin về người lính này. Truyền thông nhà nước Triều Tiên, trước đây đã đưa tin về việc giam giữ các công dân Hoa Kỳ, cho đến nay vẫn chưa bình luận về vụ ông King.

Phát biểu tại Nhật Bản, đặc phái viên của Hoa Kỳ về vấn đề Triều Tiên, Sung Kim, nói Hoa Kỳ đang “làm việc cật lực” để xác định tình trạng và sức khỏe của ông King và đang tích cực giao tiếp để đảm bảo ông được an toàn và được trả về Mỹ. Ông Kim không cung cấp bất kỳ chi tiết nào.

Ông King đang đi tour tham quan làng đình chiến Bàn Môn Điếm hôm 18/7 thì băng qua Đường Phân giới Quân sự, vốn chia cắt hai miền Triều Tiên kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng hiệp định đình chiến năm 1953.

Ông King trước đó từng bị phạt về tội hành hung khi đóng quân ở Hàn Quốc và từng bị giam giữ hơn một tháng trước khi được quân đội Hoa Kỳ hộ tống ra Sân bay Quốc tế Incheon để đáp chuyến bay thương mại về Dallas, Texas, theo các quan chức Hoa Kỳ.

Sau khi qua kiểm tra an ninh, ông ta nói với nhân viên hàng không tại cổng khởi hành rằng ông ta bị mất hộ chiếu và quay trở lại nhà ga, quan chức sân bay nói với Reuters với điều kiện giấu tên.

Bộ trưởng Wormuth cho rằng ông King “thẳng thắn mà nói, có thể đã không suy nghĩ chín chắn.”

“Ông ta đã tấn công một cá nhân ở Hàn Quốc và đã bị chính phủ Hàn Quốc giam giữ và sẽ quay trở lại Hoa Kỳ và đối mặt với hậu quả trong Quân đội,” bà cho biết. “Tôi chắc chắn rằng ông ấy bị giằng xé nội tâm về điều đó.”

Triều Tiên và Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức sau nhiều năm Bình Nhưỡng bị quốc tế trừng phạt vì các chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn vốn thường xuyên bị Liên hiệp quốc lên án.

Khi được hỏi liệu ông King có cảm tình với Triều Tiên hay không, bà Wormuth nói: “Tôi không nghĩ chúng tôi có bất kỳ thông tin nào chỉ ra điều đó một cách rõ ràng.”

Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên đã tiến hành các vụ thử phi đạn đạn đạo mới nhất, trùng với thời điểm một tàu ngầm phi đạn đạn đạo trang bị hạt nhân của Mỹ cập cảng Hàn Quốc lần đầu tiên kể từ những năm 1980.

Tuần trước, Triều Tiên đã phóng phi đạn đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn mới nhất mà nước này khoe rằng có thời gian bay lâu nhất từ trước đến nay.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG