Đường dẫn truy cập

Có nên quản lý trò chơi trực tuyến bằng biện pháp hành chính? (phần 2)


Có nên quản lý trò chơi trực tuyến bằng biện pháp hành chính? (phần 2)
Có nên quản lý trò chơi trực tuyến bằng biện pháp hành chính? (phần 2)

Phần 2

Thoát khỏi nghiện ngập như thế nào?

Nếu không có sự thay đổi trong môi trường tương tác của người nghiện, thì theo lý thuyết của Murphy và Becker sẽ không bao giờ có chuyện người nghiện thoát khỏi cảnh nghiện ngập. Điều này nghe có vẻ như là một kết luận lãng xẹt vô trách nhiệm, tuy nhiên, không phải khó hiểu. Nếu như ngày hôm nay sử dụng chất gây nghiện là lựa chọn tối ưu của tôi, và ngày mai không có gì thay đổi so với ngày hôm nay, thì do khả năng tạo thói quen của chất gây nghiện, tôi sẽ chỉ thích tiêu dùng nó nhiều hơn chứ không ít đi so với ngày hôm nay.

Thế nhưng, vì Murphy và Becker cho rằng người nghiện cũng là những người có khả năng tư duy bình thường như mọi người, hai ông cho rằng tính toán về tiêu dùng của họ sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Thí dụ việc tăng giá chất gây nghiện hay việc phạt thật nặng nếu bị phát hiện tiêu dùng một chất gây nghiện nào đó sẽ làm người ta tiêu dùng ít đi. Thậm chí việc thay đổi môi trường sống cũng có tác động tương tự. Nhiều nghiên cứu kinh tế đã tìm ra các bằng chứng thực nghiệm ủng hộ lập luận này. Nilss Olekalns và Peter Bardsley đã tìm được bằng chứng cho thấy rằng những người nghiện cà phê uống ít cà phê hơn khi giá tăng. Philip Cook and George Tauchen phát hiện bằng chứng cho thấy rằng khi thuế tiêu thụ rượu tăng lên thì người nghiện rượu ở Mỹ uống ít đi.

Pamela Mobilia chứng minh được rằng khi chi phí cá độ đua ngựa tăng thì người nghiện cá độ ít chơi trò này hơn. Lee Robins, một nhà tâm lý học người Mỹ, tìm ra bằng chứng cho thấy rằng khoảng hơn 90% binh sĩ Mỹ đã sử dụng ma túy khi tham chiến ở Việt Nam nhưng sau khi giải ngũ thì chỉ còn một số ít tiếp tục nghiện và khi quay về đến Mỹ thì hơn 90% số này đã bỏ hẳn thói quen sử dụng ma túy.

Nên cấm hay không


Luật pháp là một công cụ mạnh có ảnh hưởng to lớn đến môi trường tương tác của người nghiện. Trong trường hợp game online thực sự có tác hại lớn đối với xã hội do khả năng gây nghiện của nó thì việc sử dụng luật pháp để quản lý là việc đương nhiên phải làm.

Cấm các công ty game online cung cấp dịch vụ game vào một số giờ nhất định chắc chắn sẽ làm thay đổi hành vi của người nghiện game. Những người nghiện nặng sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp thay thế, thí dụ chơi ở các máy chủ nước ngoài. Tuy nhiên, đối với một số người nghiện nhẹ hơn thì quy định này có thể khiến họ cắt giảm giờ chơi.

Một số giải pháp hành chính khác cũng sẽ đem lại kết quả tương tự. Thí dụ đưa ra quy định về độ tuổi tối thiểu có thể chơi game online, hoặc quy định số giờ chơi tối đa cho mỗi ngày. Trung Quốc trong nhiều năm gần đây đã áp dụng nhiều giải pháp trong nhóm này, tuy nhiên, họ đã chuyển từ phương pháp mang tính cưỡng bách như quy định số giờ chơi tối đa sang hình thức khuyến cáo, theo đó người chơi từ 3 giờ trở lên sẽ được máy tính nhắc nhở với tần xuất tăng dần và điểm thưởng của trò chơi cũng ít dần nếu người chơi vẫn không chịu dừng lại.

Điểm lợi của các giải pháp hành chính là nó làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng và ít hay nhiều có thể theo ý của nhà làm chính sách mong muốn. Tuy nhiên, cái không hay của những ràng buộc pháp lý như vậy là nó hạn chế quyền tự do tiêu dùng hợp pháp của công chúng và gây ra các méo mó về lựa chọn. Thí dụ những người nghiện nặng game có thể sẽ sử dụng các công ty cung cấp game online của nước ngoài thay vì công ty trong nước, hoặc những người hiếu động thay vì chơi game - là một hình thức tương đối an toàn cho xã hội - thì nay phải tìm đến những thú chơi nguy hiểm hơn như tham gia đua xe hoặc quậy phá ngoài đường để tìm cảm giác mạnh.

Chính vì tính hai mặt như vậy mà việc lạm dụng các quy chế hành chính để quản lý thị trường là việc mà nhà nước luôn luôn phải cân nhắc cẩn thận.

Cho đến giờ, có vẻ như Việt Nam vẫn chưa có một nghiên cứu thỏa đáng nào về tác hại thực sự đối với xã hội của các trò chơi trực tuyến. Vì thế, việc đưa ra một quyết định hành chính có vẻ như vẫn còn không có cơ sở vững chắc. Thêm nữa, các trò chơi trực tuyến rõ ràng là không có cùng một khả năng gây nghiện, vì thế đưa ra một quy định chung cho toàn ngành dễ bị phê phán là vơ đũa cả nắm.

Trong bối cảnh đó, nhà nước nên thực hiện các nghiên cứu bài bản về tác động xã hội của hiện tượng nghiện game online và xem xét các giải pháp kinh tế như là tăng thuế đối với ngành công nghiệp. Việc tăng thuế sẽ có tác dụng làm người tiêu dùng điều chỉnh hành vi, và trong trường hợp này là tiêu dùng ít đi.

Tuy nhiên, nó không hạn chế quyền tiêu dùng của người dân một cách trực tiếp, ít gây méo mó hơn về phân bổ nguồn lực, và ít bị các doanh nghiệp game online nội địa lên án hơn. Nó cũng uyển chuyển hơn theo nghĩa nhà nước có thể điều chỉnh các mức thuế khác nhau sao cho tác động của chính sách này là lớn nhất theo mong muốn của nhà nước.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG