Đường dẫn truy cập

Quốc hội Mỹ chia rẽ về thỏa thuận hạt nhân với Iran


Tổng thống Barack Obama có bài phát biểu tại Tòa Bạch Ốc hôm 14/7/2015 sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran.
Tổng thống Barack Obama có bài phát biểu tại Tòa Bạch Ốc hôm 14/7/2015 sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran.

Quốc hội Hoa Kỳ chia rẽ về thỏa thuận hạt nhân quốc tế mang tính bước ngoặt với Iran do Tổng thống Barack Obama và chính quyền của ông đã nỗ lực thúc đẩy để đạt được. Đa số các nhà lập pháp bên đảng Cộng hòa đều mạnh mẽ phản đối vì cho đó là một thỏa thuận nguy hiểm. Nhưng phần lớn các đảng viên Dân chủ nói họ chưa đưa ra nhận định cho tới khi có cơ hội điều nghiên các chi tiết.

Khi tin tức từ Vienna về thỏa thuận với Iran được chính quyền Tổng thống Obama ủng hộ lan truyền khắp Quốc hội Mỹ hôm qua, giới lãnh đạo đảng Cộng hòa đã ngay lập tức bác bỏ thỏa thuận này. Lãnh đạo khối đa số ở Thượng viện, thượng nghị sĩ Mitch McConnell:

"Người Iran xem ra đã thắng thế trong thỏa thuận này, giữ lại hàng ngàn máy ly tâm, làm giàu khả năng hạt nhân thay vì chấm dứt, gặt hái một cơ may trị giá nhiều tỷ đô la để tự do chi tiêu cho chủ nghĩa khủng bố".

Tại một buổi điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ về những tác động của thỏa thuận với Iran, Chủ tịch Ủy ban, dân biểu Ed Royce tỏ ra hoài nghi:

"Ván đánh cuộc mà chính quyền Obama là trong 10 hay 15 năm nữa, chúng ta sẽ có một Iran tử tế, hiền lành hơn".

Các điểm chính của thỏa thuận hạt nhân Iran

Các điểm chính của thỏa thuận hạt nhân Iran

  • Iran sẽ giảm 98 phần trăm kho dự trữ uranium tinh chế ở mức thấp xuống còn 300 kg trong vòng 15 năm.
  • Iran sẽ giảm 2 phần ba số máy ly tâm hoạt động để tinh chế uranium tại trung tâm chế biến chính.
  • Iran bị ngăn không được thiết kế các đầu đạn hạt nhân hay tiến hành thử nghiệm kỹ thuật có liên quan đến vũ khí hạt nhân.
  • Cấm vận vũ khí Iran sẽ được nới lỏng, chừng nào IAEA xét thấy chương trình hạt nhân của Iran có tính hòa bình.
  • Các biện pháp chế tài quốc tế đối với Iran sẽ được gỡ bỏ, giúp Iran xuất khẩu dầu.
  • Nếu nhận thấy Iran không tôn trọng thỏa thuận, một hội đồng quốc tế có thể biểu quyết phục hồi chế tài.

Sau buổi điều trần, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Nicholas Burns, nói với đài VOA rằng ông ủng hộ thỏa thuận vừa kể:

"Tôi cũng cho rằng chúng ta tốt hơn hết là thử giải quyết vấn đề này một cách ngoại giao, ôn hòa thay vì dùng võ lực".

Trong khi đó, Tổng thống Obama khuyến cáo Quốc hội chớ có tìm cách triệt tiêu thỏa thuận vừa đạt được:

"Tôi sẽ phủ quyết bất kỳ dự luật nào ngăn cản việc thực thi thành công thỏa thuận này".

Điều này gây bất bình cho các đảng viên Cộng hòa, trong đó có dân biểu Chris Smith:

"Hôm nay mới chỉ là ngày đầu. Tổng thống đã nói tới chuyện phủ quyết rồi. Nếu thỏa thuận này tốt đẹp, sao ông không thuyết phục Quốc hội".

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đi đầu trong phản ứng của phe Dân chủ.

"Thỏa thuận này đóng lại chương trình hạt nhân của Iran, nhưng chúng ta còn rất nhiều quan ngại về hành vi không tốt của Iran".

Một khi hiệp ước hạt nhân chính thức được đệ trình ra Quốc hội, Thượng và Hạ viện Hoa Kỳ có 60 ngày để chấp thuận hay bác bỏ, hoặc không có hành động gì. Nếu bị Quốc hội bác, Tổng thống Obama có thể sẽ phủ quyết nghị quyết không tán đồng của Quốc hội. Khi đó sẽ tiến hành công tác khó khăn là đạt được 2/3 đa số phiếu ở cả lưỡng viện để gạt bỏ sự phủ quyết của Tổng thống.

VOA Express

XS
SM
MD
LG