Đường dẫn truy cập

Anh hùng Cuộc chiến Việt Nam được huy chương của TT Trump


Rick Rescorla. (Hình: Trích xuất từ video American Veterans Center)
Rick Rescorla. (Hình: Trích xuất từ video American Veterans Center)

Công dân Mỹ gốc xứ Wales tại Vương Quốc Anh mà quý vị có dịp gặp trong blog trước không chỉ là anh hùng trong trận Ia Drang mà còn là người hùng trong ngày đen tối nhất trong lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ.

Trong buổi lễ truy tặng Huân chương của Tổng thống cho Đại tá hồi hưu Rick Rescorla tháng 11 một năm về trước, Tổng thống Donald Trump kể lại:

“Hôm thứ Ba ngày 11/9/2001, Rick dậy sớm, mặc bộ véc kẻ sọc và ngay trước khi rời nhà ở Morristown, New Jersey, ông hôn Susan [vợ ông] và nói với bà ‘Anh chưa bao giờ thấy cuộc đời tươi đẹp như hiện nay. Anh yêu em’.

“Rick tới văn phòng [hãng Morgan Stanley ở toà phía nam của Toà Tháp Đôi tại New York] lúc 7:30.

Hình ảnh tại lễ vinh danh Rick Rescorla. (Hình: Trích xuất từ video American Veterans Center)
Hình ảnh tại lễ vinh danh Rick Rescorla. (Hình: Trích xuất từ video American Veterans Center)

“Hơn một giờ sau, ông nghe thấy tiếng nổ và thấy Toà tháp phía bắc chìm trong lửa. Với chiếc loa trong tay, Rick bảo mọi người đừng nghe chỉ dẫn ở nguyên tại chỗ trên loa phóng thanh công cộng của toà nhà. Ông yêu cầu mọi người đi theo nhóm hai người một rời khỏi toà nhà bằng cầu thang bộ.”

‘Đợi mọi người ra hết đã’

Sự sáng suốt của ông trong hơn 90 phút trước khi chiếc máy bay thứ hai đâm vào chính toà tháp phía nam lúc 9:03 đã cứu được 2.700 nhân viên Morgan Stanley làm việc tại hơn 20 tầng khác nhau trong toà nhà.

Tổng thống Trump kể lại diễn biến sau 9:03 sáng 11/9/2001: “Giữa lúc các nạn nhân sợ hãi trốn chạy khỏi làn khói dày đặc, Rick vẫn bình tĩnh và kiên quyết trong công việc. Khi mọi người bảo Rick hãy chạy tới chỗ an toàn, Rick nói ‘đợi mọi người ra hết đã’.”

Toà tháp phía nam đổ sập khi Rick đang chạy lên tìm vài người còn sót lại. “Tối đó 2700 người trở về nhà với người thân,” Tổng thống Trump nói hồi tháng 11/2019. “Trong 18 năm kể từ đó, họ chăm lo cho gia đình, cho con vào đại học, dự lễ thành hôn của con cái, ôm cháu nội, ngoại, phần lớn nhờ vào một người Mỹ phi thường.

“Cả cuộc đời Rick là một bức tranh đẹp về sự phụng sự quên mình và di sản của ông nằm lại trên các tượng đài và vườn hoa được dựng lên để tưởng nhớ ông. Một tàu chở khách ở Anh đã được đặt tên ông… thơ, sách và thậm chí cả vở opera đã được viết ra để ghi nhớ câu chuyện đời ông.”

Ông Trump nói thêm nước Mỹ sẽ không bao giờ quên Rick Rescorla và sự mang ơn của Hoa Kỳ với vị Đại tá là “không thể đo đếm được”. Ông Trump nắm chặt tay bà quả phụ Susan lúc đại diện quân đội đọc diễn từ trong buổi lễ.

Đáng ra không chết

Nhà báo Joe Galloway, đồng tác giả cuốn Chúng tôi từng là lính… và trai trẻ, cuốn sách lấy hình Trung uý Rick Rescorla trong trận Ia Drang làm ảnh bìa, nói đáng ra ông Rick Rescorla đã không chết trong Toà tháp đôi.

Ông Galloway nói Rick Rescorla từng là người hùng trong lần đầu khủng bố tấn công tầng hầm Toà tháp đôi hồi năm 1993 khi đảm bảo toàn bộ nhân viên Morgan Stanley sơ tán an toàn.

Ông Rescorla cầm loa thúc giục nhân viên Morgan Stanley sơ tán. Không rõ hình này là đúng ngày 11/9 hay trong các lần tập dượt sơ tán. (Hình: Trích xuất từ video American Veterans Center)
Ông Rescorla cầm loa thúc giục nhân viên Morgan Stanley sơ tán. Không rõ hình này là đúng ngày 11/9 hay trong các lần tập dượt sơ tán. (Hình: Trích xuất từ video American Veterans Center)

Sau vụ đó, theo lời ông, Galloway, Rick Rescorla đã cảnh báo Morgan Stanley rằng sẽ có vụ tấn công khủng bố nữa và công ty nên chuyển về New Jersey vì đa số nhân viên của hãng sống ở đó. Tuy nhiên công ty nói họ đã ký hợp đồng thuê dài hạn 22 tầng trong Toà Tháp đôi và không thể rời đi.

Thấy vậy ông Rescorla yêu cầu công ty bắt buộc các nhân viên phải tập sơ tán 5-6 lần mỗi năm khiến ông bị cười nhạo và gọi là ‘Ông Rick luyện cứu hoả’. Nhưng ông kiên quyết yêu cầu gần 3000 nhân viên đi bộ từ 40-60 tầng xuống mặt đất chừng đó lần mỗi năm. Chính sự kiên trì này và việc ông phớt lờ thông báo ở nguyên tại chỗ của quản lý toà nhà hôm 11/9 đã cứu mạng hàng ngàn người.

‘Sức mạnh của một người’

Nhà báo Galloway bật khóc khi kể lại diễn biến hôm 11/9/2001: “Khi toà nhà bị [máy bay] đâm và khói tràn đầy cầu thang và mọi người [các nhân viên Morgan Stanley] chỉ trực phát hoảng, Rick Rescorla hát cho họ nghe. Ông hát ‘Chúa Phù hộ nước Mỹ’.

“Ông rút điện thoại di động ra gọi cho vợ, nói với vợ ông yêu bà. Ông đưa được toàn bộ số nhân viên ra trừ năm người. Lần cuối người ta thấy ông là lúc ông đang ở tầng mười, tiếp tục lên phía trên để tìm những người còn sót lại và toà nhà sập xuống. Họ không bao giờ tìm được xác ông.”

Ông Galloway còn tiết lộ ba năm trước sự kiện 11/9, ông Rescorla được chẩn đoán bị ung thư giai đoạn cuối và bác sỹ nói ông sẽ chỉ sống được thêm sáu tháng nữa. “Chúa còn một việc nữa giao cho ông,” vị nhà báo nói.

“Tôi gọi đó là sức mạnh của một người. Sức mạnh của chỉ một.”

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG