Đường dẫn truy cập

Reuters: Nhà ngoại giao đào tẩu nói Triều Tiên muốn mở lại đàm phán hạt nhân nếu Trump thắng


Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, 28/2/2019, ở Hà Nội. (ảnh tư liệu, AP Photo/Evan Vucci)
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, 28/2/2019, ở Hà Nội. (ảnh tư liệu, AP Photo/Evan Vucci)

Một nhà ngoại giao cấp cao của Triều Tiên vừa đào tẩu sang Hàn Quốc nói với Reuters rằng Triều Tiên muốn mở lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ nếu ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống và Bình Nhưỡng hiện đang nỗ lực xây dựng chiến lược đàm phán mới.

Ông Ri Il Gyu, một viên tham tán chính trị của Triều Tiên, đã đào tẩu từ Cuba và gây chú ý trên toàn cầu hồi tháng trước. Ông là nhà ngoại giao cấp cao nhất của Triều Tiên bỏ chạy sang Hàn Quốc kể từ năm 2016.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên với truyền thông quốc tế, ông Ri nói rằng Triều Tiên đã xác định Nga, Mỹ và Nhật Bản là những ưu tiên hàng đầu về chính sách đối ngoại trong năm nay và sau này.

Theo ông Ri, trong khi tăng cường quan hệ với Nga, Bình Nhưỡng cũng mong muốn mở lại các cuộc đàm phán hạt nhân nếu ông Trump tái đắc cử vào tháng 11. Ông Trump đã có cả động thái bên bờ vực chiến tranh lẫn thực hiện hoạt động ngoại giao chưa từng có với Triều Tiên trong nhiệm kỳ trước đây.

Ông Ri nói rằng các nhà ngoại giao của Bình Nhưỡng đang vạch ra một chiến lược cho kịch bản đó, với mục tiêu là dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các chương trình vũ khí của nước này, xóa tên nước này khỏi danh sách các nhà nước tài trợ cho khủng bố và vận động viện trợ kinh tế.

Những thông tin ông đưa ra báo hiệu Triều Tiên có thể thay đổi lập trường 180 độ so với hiện nay, sau những tuyên bố gần đây là họ loại bỏ khả năng đối thoại với Mỹ và cảnh báo sẽ có đối đầu vũ trang.

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và ông Trump ở Việt Nam hồi năm 2019 đã thất bại vì vấn đề các lệnh trừng phạt, trong đó, ông Ri quy một phần trách nhiệm cho ông Kim vì ông ấy quyết định phó thác cho các viên chỉ huy quân sự "thiếu kinh nghiệm, không biết gì" về ngoại giao hạt nhân.

“Ông Kim Jong Un không biết nhiều về quan hệ quốc tế và ngoại giao cũng như cần phán đoán chiến lược ra sao”, ông Ri nói.

"Lần này, bộ ngoại giao chắc chắn sẽ giành được thẩm quyền và nắm trách nhiệm, và ông Trump sẽ không dễ mà trói tay chân Triều Tiên lại trong 4 năm mà không nhượng bộ điều gì".

Bằng cách thắt chặt quan hệ với Nga, Triều Tiên đã nhận được sự giúp đỡ về công nghệ tên lửa và kinh tế. Nhưng lợi ích lớn hơn có lẽ là ngăn chặn được các lệnh trừng phạt bổ sung và phần nào vô hiệu hóa các lệnh trừng phạt hiện có, ông Ri nói và bình luận thêm rằng điều đó sẽ tăng thêm thế lực của Bình Nhưỡng khi thương lượng với Washington.

Ông nói: “Phía Nga đã nhúng chàm khi tham gia vào các giao dịch bất hợp pháp và nhờ đó, Triều Tiên không còn cần phải trông cậy vào Mỹ để được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, điều đó về cơ bản đồng nghĩa là họ đã tước khỏi tay Mỹ một quân bài quan trọng để mà thương lượng”.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG