Đường dẫn truy cập

Rủi ro tăng lên với Trung Quốc khi họ gia tăng đầu tư ở Trung Á 


Cảnh sát Kyrgyzstan bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Bishkek, Kyrgyzstan, 30/8/2016.
Cảnh sát Kyrgyzstan bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Bishkek, Kyrgyzstan, 30/8/2016.

Các nhà phân tích nói vụ đánh bom tự sát bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô của Kyrgyzstan hôm 30/8 báo hiệu rằng các lợi ích kinh tế và chính trị của Trung Quốc ở Trung Á dễ trở thành nạn nhân của khủng bố.

Các nhà phân tích nói sự dính líu chính trị và kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc ở các nước Trung Á đang đối mặt với những tiếng nói chống Bắc Kinh ở khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên này.

Dasym Satpayev, Chủ tịch Nhóm Đánh giá Rủi ro Kazakhstan, nói với đài VOA: "Cuộc tấn công vào đại sứ quán Trung Quốc là một hành động chính trị. Có những thái độ chống Trung Quốc ở Trung Á. Người ta đã thấy các thành viên của các nhóm Trung Quốc ly khai cực đoan ghé vào các nước Trung Á".

Medet Tiulegenov, giáo sư về chính trị so sánh tại Đại học Mỹ ở Trung Á, nói vụ đánh bom mang đặc trưng của các nhóm cực đoan đóng cơ sở ở Trung Đông, nhưng việc vụ nổ nhắm mục tiêu vào lợi ích của Trung Quốc lại đặt ra câu hỏi về động cơ của nó.

Tiulegenov nói: "Có thể một hành động ở Kyrgyzstan chỉ là một ví dụ về nhiều hành động chống lại công dân và các tổ chức nhà nước của Trung Quốc ở nhiều quốc gia".

Trung Quốc đã tăng cường chiến lược đa gọng kìm ở Trung Á. Họ xem khu vực này thật cần thiết cho mục tiêu kinh tế và an ninh quốc gia của mình.

Các chuyên gia về Trung Quốc nói rằng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc, nhu cầu nguyên liệu thô đã tăng vọt và Trung Á có những nguyên liệu mà Trung Quốc cần. Khu vực này đã trở thành thị trường quan trọng đối với hàng hóa Trung Quốc và là một nguồn dầu khí dồi dào cho các nhà máy điện.

Bắc Kinh đã chi hàng chục tỷ đô la trong quan hệ hợp tác đa phương với các nước trong khu vực trong nhiều lĩnh vực. Họ đã cung cấp các khoản vay dài hạn ưu đãi cho nhiều quốc gia trong khu vực.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng các cuộc tấn công khủng bố chống lại các lợi ích của Trung Quốc có thể tăng lên khi nước này tiếp tục các nỗ lực kinh tế và chính trị trong khu vực.

Không có nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công hôm 30/8, nhưng các chuyên gia tin rằng nó được nhóm Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ly khai thực hiện. Người Duy Ngô Nhĩ sống ở tỉnh Tân Cương, tây bắc Trung Quốc. Họ nói họ bị tước đi các quyền của mình ở Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG