Đường dẫn truy cập

Sợ đại dịch, đa số người Việt Nam ủng hộ đóng cửa các chợ bán động vật hoang dã


Đại dịch COVID-19 làm cho công chúng ở nhiều nước ủng hộ đóng cửa các chợ buôn bán động vật hoang dã.
Đại dịch COVID-19 làm cho công chúng ở nhiều nước ủng hộ đóng cửa các chợ buôn bán động vật hoang dã.

Có đến 84% người Việt ủng hộ chính quyền đóng cửa các chợ bán động vật hoang dã và cấm phá rừng để ngăn ngừa đại dịch trong tương lai, theo một báo cáo vừa được tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và GlobalScan thực hiện và công bố hôm 24/5.

Đây là con số khá bất ngờ đối với người dân ở quốc gia Đông Nam Á vốn ưa chuộng thực phẩm và dược liệu được chế biến từ động vật hoang dã.

Báo cáo “Covid-19 - Một năm nhìn lại: Nhận thức của công chúng về đại dịch và mối liên hệ với thiên nhiên” được thực hiện tại 5 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Hoa Kỳ cho thấy gần 30% số người được khảo sát cho biết họ đã tiêu thụ ít hơn hoặc ngừng tiêu thụ hoàn toàn động vật hoang dã vì đại dịch COVID-19.

Cụ thể, 28% người được khảo sát ở Trung Quốc nói họ đã bớt tiêu thụ động vật hoang dã hoặc ngừng hẳn vì COVID-19. Trong khi đó, con số này tại Việt Nam là 41% năm 2020 và 39% năm 2021. Ngược lại, tại Thái Lan, số lượng lại tăng gần gấp đôi, với 21% vào năm 2020 lên 41% vào năm 2021.

“Đại dịch COVID-19 đã có những tác động trên hoạt động của con người đối với thiên nhiên ngay cạnh ngôi nhà và gia đình của chúng ta, và mọi người ngày càng quan tâm và thúc giục phải hành động: Giải quyết các tác nhân chính của sự bùng phát dịch bệnh truyền từ động vật”, Tổng giám đốc WWF, Marco Lambertini, nói trong thông cáo giới thiệu về báo cáo mới, đồng thời cho rằng cách duy nhất để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai là giảm bớt các hoạt động phá hoại của con người gây tổn thất cho thiên nhiên, chẳng hạn như nạn phá rừng, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã

Theo đại diện của WWF, “Việc ngăn chặn đại dịch ước tính sẽ ít tốn kém hơn 100 lần so với việc ứng phó với đại dịch khi nó bùng phát” và “việc đầu tư vào sức khỏe và thiên nhiên là cách duy nhất để tránh phải trả một cái giá khủng khiếp về kinh tế và xã hội” một lần nữa trong tương lai.

Đề cập đến kết luận điều tra gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong đó nói rằng động vật hoang dã là nguồn có khả năng gây ra đại dịch, WWF cho biết khảo sát năm nay cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng ở cả 5 quốc gia đối với nỗ lực của các chính phủ trong việc đóng cửa các chợ bán động vật hoang dã (với tỷ lệ ủng hộ 85%) và chấm dứt nạn phá rừng (88%) do những lo ngại về nguyên nhân gốc rễ gây bùng phát dịch bệnh truyền từ động vật sang người.

Riêng tại Việt Nam, số người đồng ý đóng cửa các chợ này là 84%.

Ngoài việc ủng hộ giải quyết nguyên nhân gốc rễ gây ra đại dịch COVID-19, 79% số người được khảo sát ở 5 quốc gia nói rằng họ rất lo lắng về khả năng xảy ra một đại dịch tương tự trong tương lai.

Báo cáo cho biết người Việt Nam có tỷ lệ quan tâm tới đại dịch cao nhất trong số 5 quốc gia tham gia khảo sát, với 87% người cho biết họ cực kỳ lo lắng hoặc rất lo lắng về đại dịch bùng phát, 93% người Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với cách tiếp cận “Một sức khoẻ” để ngăn ngừa đại dịch trong tương lai.

“Một sức khoẻ” là cách tiếp cận được Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa là các chương trình hành động, chính sách và pháp luật của nhiều lĩnh vực khác nhau cùng hợp tác để hướng tới mục tiêu sức khoẻ tốt hơn cho con người, động thực vật và môi trường.

VOA Express

XS
SM
MD
LG