Đường dẫn truy cập

Nam Phi háo hức chờ ngày khai mạc World Cup


Nam Phi háo hức chờ ngày khai mạc World Cup
Nam Phi háo hức chờ ngày khai mạc World Cup

Cả nước Nam Phi giống như lên cơn sốt, háo hức chờ ngày khai mạc World Cup. Cơn sốt này cũng lây sang các fan bóng đá khắp thế giới đang đổ về Nam Phi.

Các fan bóng đá người Nam Phi là những người nhiệt tình nhất trong lần này. Đối với họ, World Cup năm nay là một lễ hội, dù thắng hay bại, họ cũng nhảy múa, ca hát và tạo những âm thanh ồn ào để ăn mừng.

Những nơi có bán cờ các nước tham gia World Cup đang đắt hàng như tôm tươi, vì ai cũng muốn mua một thứ gì đó biểu tượng cho trận tranh tài. Người ta thấy cờ của tất cả 32 quốc gia tranh giải tung bay khắp mọi nơi, trên xe hơi, đến các văn phòng làm việc, cho đến mọi tư gia. Dĩ nhiên là cờ của Nam Phi được thấy rõ nhất.

Biểu tượng cho World Cup 2010 có tên là Zakumi. Đây là hình ảnh một con báo mặc đồng phục bóng đá, chỉ có khác là những lọn tóc của nó lại màu xanh lá cây. Hình tượng này phút chốc nổi tiếng và được mọi người đón mừng khi nó được đưa đi khắp nước để cổ vũ World Cup.

Anh Saddam Maake tự nhận mình là fan số 1 của đội Nam Phi. Anh đi xem hầu hết các trận của đội mình và luôn luôn mặc áo màu vàng và xanh lá cây. Anh nói :

“Tôi mê bóng đá. Tôi là một nô lệ của bóng đá. Tôi ăn, uống, ngủ với bóng đá. Nói thế đủ biết tôi mê bóng đá đến thế nào.”

Trong các fan bóng đá, có một thứ mà họ rất thích mua sắm, gọi là Makapara. Đó là chiếc mũ bảo hộ mà các thợ mỏ vẫn dùng, làm bằng loại nhựa cứng. Một phần chiếc mũ được đem cắt theo hình quả bóng, cờ hay hình cầu thủ, làm nổi lên và được sơn đủ màu sắc.

Nam Phi háo hức chờ ngày khai mạc World Cup
Nam Phi háo hức chờ ngày khai mạc World Cup

Nghệ nhân Alfred Baloyi, một fan bóng đá khác, đã tạo chiếc mũ Makarapa đầu tiên cách nay 30 năm sau khi ông chứng kiến một fan bị ném một cái chai vào đầu trong khi xem một trận bóng. Ông cho biết:

“Khi tôi vào sân xem đấu bóng, tôi đội mũ này để bảo vệ cho cái đầu của tôi khỏi bị lãnh chai lọ như thế. Thế rồi theo thời gian, tôi nảy ra sáng kiến vẽ màu lên mũ. Tôi đội mũ đến các sân banh xem bóng đá, thoạt nhìn thấy chiếc mũ tôi đội, ai cũng thích.”

Vì ai cũng thích loại mũ này nên ông bắt đầu làm để bán. Nghệ nhân Baloyi làm việc tại nhà trong thị trấn nghèo nàn ở ngoại ô Johannesburg.

Có hàng chục nghệ nhân khác đã bắt chước theo ông làm mũ Makarapa, mỗi tháng cung cấp hàng ngàn chiếc cho khách hàng ở khắp nơi trên thế giới.

Một biểu tượng bóng đá khác ở Nam Phi là chiếc tù và Vuvuzela, biểu tượng này có gây tranh cãi.

Tù và Vuvuzela
Tù và Vuvuzela

Nó là chiếc tù và dài làm bằng plastic, và chỉ thổi được có mỗi một nốt đơn điệu, nhưng khi cả ngàn chiếc tù và như vậy cùng nhất loạt được thổi lên, nó tạo nên một âm thanh đinh tai, nhức óc, khiến cho các đội đối thủ nói rằng họ cảm thấy bị hăm dọa.

Một số cầu thủ và các xướng ngôn viên truyền hình nước ngoài đòi cấm sử dụng loại tù và này. Nhưng FIFA đã từ chối đòi hỏi đó, nói rằng nó là một phần của văn hóa bóng đá châu Phi.

Lại có một điệu vũ mới được sáng chế dành cho giải World Cup năm nay. Điệu vũ này có tên là Diski, từ địa phương để chỉ bóng đá. Điệu vũ phỏng theo những cử động của các cầu thủ trên sân banh.

Một ban nhạc gồm các tay trống trẻ tuổi đang tập luyện để chuẩn bị cho đêm khai mạc cúp bóng đá thế giới vào ngày 11 tháng 6 tại sân Soccer City ở Johannesburg khi đội Nam Phi đấu với đội Mexico.

Mặc dù một số du khách đến đây cảm thấy cái nhiệt tình sôi nổi, ồn ào ở Nam Phi có khiến cho họ bị đinh tai nhức óc đôi chút, nhiều fan bóng đá nước ngoài nói rằng họ mê cái bầu không khí này, vì nó vinh danh cho môn bóng đá.

Và tại châu Phi, vinh danh bóng đá có nghĩa là phải thật ồn ào, thật náo động như vậy mới nói lên hết được hào hứng của cơn sốt đang dâng cao.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG