Đường dẫn truy cập

Điền kinh Việt Nam hướng ra đấu trường quốc tế


Điền kinh Việt Nam hướng ra đấu trường quốc tế
Điền kinh Việt Nam hướng ra đấu trường quốc tế

Điền kinh Việt Nam lần đầu tiên bước lên bục huy chương của châu lục để nhận các huy chương bạc và đồng của cự ly trung bình và ngắn tại Á vận hội Quảng Đông hồi cuối năm ngoái. Trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên Tấn Chương của đài VOA, huấn luyện viên điền kinh kỳ cựu Hồ Thị Từ Tâm nói rằng những thành tích mang tính dấu mốc này cho phép điền kinh Việt Nam hy vọng và phấn đấu hướng đến các đấu trường quốc tế.

VOA: Xin chúc mừng Huấn luyện viên Hồ Thị Từ Tâm về danh hiệu Huấn luyện viên Tiêu biểu của Việt Nam trong năm 2010. Xin Huấn luyện viên cho biết cảm tưởng.

HLV Từ Tâm: Vâng, từ năm 2003 đến bây giờ, tôi thường xuyên được bầu là huấn luyện viên tiêu biểu trong số 5 đến 10 huấn luyện viên tiêu biểu mỗi năm. Năm nay tôi được bầu chọn là huấn luyện viên tiêu biểu số một (thứ nhất). Thực sự đây là một vinh danh cho mình, dành cho công lao, công việc của mình đã làm cả năm. Được mọi người đánh giá và bình bầu cho mình thực sự là một vinh hạnh rất lớn.

VOA: Thưa Huấn luyện, kết quả bầu chọn vận động viên điền kinh vừa rồi lẫn huấn luyện viên thể thao xuất sắc nhất của năm phản ánh thành tích cao của điền kinh Việt Nam trong năm qua. Xin huấn luyện viên cho biết yếu tố nào đã tạo cho điền kinh Việt Nam đạt được những thành tích đó trong khoảng thời gian này mà trước đó chưa bao giờ đạt được ?

HLV Từ Tâm: Đây là lần đầu tiên trong đấu trường châu Á mình có huy chương điền kinh. Trong tất cả các môn thể thao thì điền kinh là môn cơ bản, là môn Olympic, là môn đánh giá thể lực của một đất nước, cho nên đây là môn rất khó giành huy chương.

Tôi đang huấn luyện cự ly 800 mét và 1,500 mét. Ở các cự ly này trên đấu trường Đông Nam Á từ năm 2003 đến bây giờ thì năm nào Việt Nam cũng dẫn đầu cả nam lẫn nữ; từ một huy chương vàng ở SEA Games 2003, đến 2005 lên 2 huy chương vàng, 2007 lên 3 huy chương vàng, và 2009 lên 4 huy chương vàng.

Sau khi thành công liên tục tại đấu trường Đông Nam Á, nhà nước đã đầu tư nhiều hơn, và tôi cùng với các vận động viên muốn vươn xa hơn, muốn ra biển lớn hơn, vươn cao hơn, hướng lên tầm châu lục. Thành ra chúng tôi quyết tâm rất lớn.

Thực sự thành tích của em Trương Thanh Hằng giành được hai huy chương bạc là rất đáng nể phục, đánh dấu bước đi của điền kinh Việt Nam, ghi được tên tuổi tại đấu trường châu Á.

Từ thành tích đó, chúng tôi được nhà nước cho đi tập huấn tiếp để phấn đấu giành một suất "cửa chính" vào Olympic 2012 London.

VOA: Xin huấn luyện viên giải thích rõ hơn về 'suất chính thức đi Olympic 2012' -- khác với trước đây như thế nào?

HLV Từ Tâm: Thi Olympic là thi toàn thế giới; từng cự ly phải có một chuẩn -- bao nhiêu giây mới được vào.

Tại Olympic Bắc Kinh 2008, chúng ta ở vào nhóm các nước có thành tích điền kinh còn yếu – chưa đạt chuẩn, được xét ưu tiên hai suất đặc cách cho một nam và một nữ đi thi.

Đó là được xét đặc cách, vì quá yếu, không đạt chuẩn. Nhưng bây giờ điền kinh Việt Nam đã qua những năm đầu tư như thế rồi, chúng ta phấn đấu đạt chuẩn để đi cửa chính vào, chứ không đi suất đặc cách nữa. Ví dụ như trường hợp của Hằng – tới đây người ta sẽ đưa ra chuẩn, ví dụ như chuẩn của 800 mét là 2 phút. [Xin lập lại] đây là ví dụ thôi, vì họ chưa đưa ra chuẩn [mới], mà bây giờ thành tích của Hằng đang là 2 phút 0091 thì trong năm này phải làm thế nào đó để đạt mức 2 phút – đạt chuẩn, để hiên ngang đi vào cổng chính tham gia thi đấu, chứ không chờ xét duyệt đặc cách nữa.

VOA: Như vậy kế hoạch thực hiện để đạt đến chuẩn đó hiện nay là gì, thưa Huấn luyện viên?

HLV Từ Tâm: Thì bây giờ chúng ta phải nỗ lực tập luyện thôi! Phải vạch ra cho mình kế hoạch sẽ đi tập huấn ở đâu, phải tham gia cuộc thi đấu nào, phải làm những gì – đó là kế hoạch của năm nay chúng tôi phải thực hiện. Và sau khi được thông qua ở cấp chuyên môn, và được cấp nhà nước đồng ý -- nhà nước bắt đầu tạo điều kiện, thì thầy với trò cùng "hì hục" mà làm.

VOA: Điền kinh Việt Nam hy vọng sẽ được mấy suất chính thức và mấy suất đặc cách tham dự Olympic London 2012?

HLV Từ Tâm: Theo luật của Olympic thì khi đã được chính thức rồi thì không còn đặc cách nữa. Người ta đặc cách chỉ khi nào mình không đạt chuẩn – đất nước yếu quá không ai đạt chuẩn hết thì được ưu tiên cho một nam một nữ đặc cách.

VOA: Như vậy thưa huấn luyện viên, điền kinh Việt Nam hy vọng được mấy suất chính thức?

HLV Từ Tâm: Chúng ta đang hy vọng vào hai vận động viên nữ, đó là em Vũ Thị Hương, cự ly 100 mét và em Trương Thnah Hằng, cự ly 800 mét.

VOA: Huấn luyện viên có một lời nhắn gởi chung nào đến giới hâm mộ thể thao Việt Nam, và đặt biệt là giới hâm mộ điền kinh Việt Nam trong và ngoài nước?

HLV Từ Tâm: Điền kinh là môn Olympic rồi, môn cơ bản. Hiện nay điền kinh Việt Nam đang chập chững bước vào đấu trường châu Á, và cũng đang chập chững ra biển rộng hơn để góp mặt với thế giới, tôi cũng mong muốn rằng tất cả những người yêu thích điền kinh – vì điền kinh được mệnh danh là môn thể thao nữ hoàng mà – hãy ủng hộ cho điền kinh Việt Nam, luôn sát cánh với tất cả các cô trò, để cô trò chúng tôi có một động lực, để quyết tâm giành vinh quang về cho tổ quốc.

VOA: Các bạn vận động viên cũng như các bạn huấn luyện viên cấp trẻ hơn vẫn xem Huấn luyện viên Từ Tâm không chỉ là một người thầy, mà còn như là một người cô, người mẹ – xin hỏi công việc của huấn luyện viên như thế này ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư và tác động đến tâm lý của mình như thế nào?

HLV Từ Tâm: Trong thể thao khi làm huấn luyện viên thì mất rất nhiều thời gian. Làm huấn luyện viên là làm người thầy, người cô, rồi là người mẹ nữa, vì [phải chăm lo cho] các em đến từ mọi miền đất nước, xa nhà, về đây tập luyện. Trong thể thao, như chúng ta đều biết, không chỉ ăn và tập thôi; con người là một thể thống nhất, nếu ăn không được, ngủ không được thì sẽ tập không được. Người huấn luyện viên không biết được mà vẫn ra bài tập y như vậy, bắt buộc vận động viên vẫn tập y như vậy mà không biết được vận động viên của mình đêm qua mất ngủ, hay ăn không được, hay vận động viên có một cái sốc tâm lý nào đó thì sẽ không dẫn đến thành công được. Để thành công thì mình phải hiểu vận động viên hơn, mình phải biết vận động viên như thế nào. Cho nên việc này chiếm rất nhiều thời gian.

[Về cuộc sống gia đình,] thực sự thì những năm trước con tôi còn nhỏ, còn nay thì các cháu đã lớn rồi. Hơn nữa lâu dần rồi công việc cũng quen. Đến nay tôi đã có 29 năm làm công tác huấn luyện rồi, cho nên rồi công việc cũng quen. 29 năm [là một chuỗi] khắc phục, [liên tục] khắc phục, cô trò cùng nhau khắc phục.

Cứ hết các đích này, lại đến cái đích khác. Ví dụ như năm 2008 và 2009 là SEA Games, rồi đến 2010 là Asiad, rồi đến bây giờ vừa hướng đến chuẩn để đi Olympic, vừa là SEA Games sắp tới. Năm nào cũng có một cái đích làm cô trò cứ quay cuồng miết, hết đích này đến đích khác, cứ tiếp tục phấn đấu mà làm. Thực sự thì mình phải sắp xếp để hướng đến mục đích. Mọi chuyện mình phải cố gắng để đạt đến mục đích.

VOA: Trước thềm năm mới Tân Mão, xin chúc Huấn luyện viên Hồ Thị Từ Tâm thành đạt, gặt hái được những thành công mới trong năm mới ở môn thể thao này của Huấn luyện viên, và chúc điền kinh Việt Nam đạt được những mục tiêu đặt ra trong năm nay, và năm tới nữa, tức năm 2012 -- được đi Olympic 2012. Và xin cám ơn Huấn luyện viên đã dành cho đài VOA buổi phỏng vấn này.



XS
SM
MD
LG