Đường dẫn truy cập

Đặc sứ Mỹ: Sri Lanka cần cung cấp phúc trình khả tín để tránh áp lực


Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Blake phát biểu trong cuộc họp báo tại Colombo, Sri Lanka, ngày 14/9/2011
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Blake phát biểu trong cuộc họp báo tại Colombo, Sri Lanka, ngày 14/9/2011

Ông Robert Blake, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, nói Sri Lanka có thể đối mặt với áp lực quốc tế nếu không giải quyết, một cách khả tín, những cáo giác do một ủy ban chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho rằng quân đội nước này có thể đã vi phạm những tội ác chiến tranh.

Chuyến thăm Colombo của Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Blake hôm thứ Tư, trùng hợp với phiên họp của hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva.

Ông Blake nói: “Tôi đã nói chuyện với tất cả các giới chức cấp cao trong chính phủ Sri Lanka về sự cần thiết của nước này nên tích cực hợp tác với hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc.”

Hồi đầu tuần, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã chính thức phân phát cho hội đồng phúc trình của một ủy ban chuyên viên điều tra về những tháng cuối cùng của cuộc nội chiến kéo dài nhiều thập niên của nước này.

Bản phúc trình Liên Hiệp Quốc được đưa ra hồi tháng Tư, tố giác cả quân đội Sri Lanka lẫn phiến quân Hổ Tamil về những hành vi tàn bạo. Phúc trình nói, có chứng cớ cho thấy lực lượng Sri Lanka đã giết hại hàng chục ngàn thường dân trong cuộc tiến công sau cùng năm 2009 để đánh bại phiến quân Tamil; Sri Lanka đã cực lực phản đối và nói phúc trình này là thiên vị và vô căn cứ.

Các nhóm nhân quyền quốc tế đang kêu gọi Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc thành lập một ủy ban độc lập để điều tra về giai đoạn cuối của cuộc chiến kể trên – điều mà Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc trước đây trong năm đã nói ông không đủ thẩm quyền để làm.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Blake ghi nhận rằng một phái đoàn cấp cao của Sri Lanka đang có mặt tại Genève để phúc trình cho thành viên của hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc về cuộc điều tra của riêng chính phủ Sri Lanka. Cuộc điều tra này do ủy ban Hòa Giải và Những Bài Học đã Lãnh Hội, do tổng thống Mahinda Rajapaksa bổ nhiệm tháng 5 năm 2010. Thờ hạn để phúc trình của Sri Lanka được công bố là tháng 11 năm nay .

Ông Blake nói tiếp: “Chúng tôi mong rằng đây sẽ là một bản phúc trình khả tín, và sẽ tìm hiểu về nhiều vấn đề đã lộ diện, bao gồm cả những vấn đề được nói tới trong bản phúc trình của ủy ban chuyên viên Liên Hiệp Quốc."

Bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc và các nhóm nhân quyền đã đánh giá tiến trình của Ủy Ban Hòa Giải và Những Bài Học Đã Lãnh Hội là thiếu sót. Ông Blake cho biết Hoa Kỳ sẽ chờ để xem xét bản phúc trình của Sri Lanka, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào về chính sách liên quan những vụ vi phạm có thể có:

Ông Blake cho biết: “Việc của chúng tôi không phải là đe dọa các nước bạn. Chúng tôi chỉ muốn cố gắng đạt tới tiến bộ. Chúng tôi nghĩ rằng cần phải có một phúc trình đầy đủ, khả tín và độc lập , và những cá nhân có thể đã vi phạm luật nhân đạo quốc tế phải bị buộc chịu trách nhiệm. Sẽ có áp lực nếu đó không phải là 1 tiến trình khả tín, sẽ có áp lực của một cơ chế thay thế nào đó.”

Trợ lý Ngoại trưởng Blake ghi nhận rằng buộc phải chịu trách nhiệm chỉ là một phần của bối cảnh rộng lớn hơn của tiến trình hòa giải Sri Lanka. Ông nói ông cảm thấy khích lệ về việc sẽ bắt đầu lại các cuộc bàn thảo giữa chính phủ Sri Lanka và Liên Minh Quốc Gia Tamil.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG