Đường dẫn truy cập

Tổng thống Kazakhstan ra lệnh quân đội ‘bắn bỏ’ người biểu tình


Cảnh sát chống bạo loạn Kazakhstan chuẩn bị đối phó với người biểu tình trong một cuộc tuần hành ở Almaty hôm 5/1
Cảnh sát chống bạo loạn Kazakhstan chuẩn bị đối phó với người biểu tình trong một cuộc tuần hành ở Almaty hôm 5/1

Lực lượng an ninh Kazakhstan dường như đã giành lại đường phố của thành phố chính hôm 7/1 sau nhiều ngày bạo động, và tổng thống được Nga hậu thuẫn của nước này cho biết ông đã ra lệnh cho quân đội bắn bỏ người biểu tình để dập tắt cuộc nổi dậy trên toàn quốc.

Một ngày sau khi Moscow điều lính dù đến nước này để giúp nghiền nát cuộc nổi dậy, cảnh sát đang tuần tra trên các đường phố đầy các mảnh vỡ ở Almaty, mặc dù vẫn còn nghe thấy tiếng súng.

Hàng chục người đã thiệt mạng và các công trình công cộng trên khắp Kazakhstan đã bị cướp phá và đốt cháy trong vụ bạo loạn tồi tệ nhất sau 30 năm nước này giành được độc lập.

Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev cho biết ‘những kẻ khủng bố được nước ngoài huấn luyện’ phải chịu trách nhiệm về bạo loạn.

“Bọn chúng không hạ vũ khí, chúng tiếp tục phạm tội ác hoặc đang chuẩn bị gây tội,” ông nói trong bài phát biểu trên truyền hình.

“Bất cứ kẻ nào không đầu hàng sẽ bị tiêu diệt. Tôi đã ra lệnh cho các cơ quan chấp pháp và quân đội bắn bỏ mà không cần cảnh cáo”.

Moscow cho biết hơn 70 máy bay đang đưa binh lính Nga vào Kazakhstan, và các binh lính Nga hiện đang giúp kiểm soát sân bay chính ở Almaty, mà quân chính phủ đã giành lại từ tay những người biểu tình hôm 6/1.

Các cuộc biểu tình bắt đầu để phản ứng trước việc tăng giá nhiên liệu đã mở rộng ra thành một phong trào rộng lớn chống lại chính phủ và cựu lãnh đạo Nursultan Nazarbayev, 81 tuổi, nhà cai trị lâu năm nhất ở bất kỳ quốc gia nào từng thuộc Liên Xô trước đây.

Ông đã chuyển giao chức tổng thống cho ông Tokayev ba năm trước nhưng gia đình ông được cho là vẫn giữ được ảnh hưởng ở Nur-Sultan, thủ đô được xây dựng nhằm mang tên ông.

Những người biểu tình ở Almaty dường như chủ yếu đến từ vùng ngoại ô nghèo khó của thành phố hoặc các thị trấn và làng mạc xung quanh. Bạo động đã gây sốc cho dân Kazakhstan thành thị, vốn từng ca ngợi đất nước mình so với với các nước láng giềng Trung Á bất ổn và đàn áp thuộc Liên Xô trước đây.

“Vào ban đêm khi nghe thấy tiếng nổ, tôi rất sợ hãi,” một phụ nữ có tên Kuralai nói với Reuters. “Thật đau lòng khi biết rằng những người trẻ đang bỏ mạng. Điều này rõ ràng đã được lên kế hoạch... Có lẽ chính phủ chúng tôi đã nương nhẹ phần nào.”

Ở một đất nước mà chống đối chính trị không được dung thứ, không có nhà lãnh đạo cấp cao nào của phong trào biểu tình xuất hiện để đưa ra bất kỳ yêu cầu chính thức nào.

Một người đàn ông tham gia đêm biểu tình đầu tiên và không muốn nêu danh tính cho biết hầu hết những người xuất hiện lúc đầu đã đến để ‘thể hiện tình đoàn kết một cách tự phát’, trước khi 100-200 ‘thanh niên hung hăng’ bắt đầu ném đá vào cảnh sát.

Ông nói ông đã mong đợi một số chính trị gia đối lập đưa ra yêu sách, nhưng vô ích.

Mukhtar Ablyazov, từng là chủ nhà băng và bộ trưởng nội các sau trở thành người đối lập với chính phủ hiện đang sống lưu vong, nói rằng phương Tây phải cản bước đi của Nga.

“Nếu không, Kazakhstan sẽ biến thành Belarus và (Tổng thống Nga Vladimir) Putin sẽ áp đặt một cách có phương pháp chương trình của mình – thiết lập một chế độ giống như Liên Xô,” ông Ablyazov nói với Reuters từ Paris.

Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết 26 ‘tội phạm vũ trang’ đã bị ‘thanh toán’, trong khi 18 cảnh sát và thành viên vệ binh quốc gia đã chết, nhưng con số này dường như không được cập nhật kể từ 6/1. Truyền hình nhà nước đưa tin có hơn 3.700 vụ bắt giữ.

Vào ngày 7/1, có thêm tiếng súng được nghe thấy gần quảng trường chính ở Almaty, nơi quân đội đã chiến đấu với người biểu tình. Xe bọc thép chở quân và binh lính đã chiếm quảng trường.

Cách đó vài trăm mét, một thi thể nằm trong một chiếc xe dân sự tan tành. Ở một nơi khác của thành phố, một cửa hàng đạn dược đã bị cướp phá.

Bạo loạn cũng đã được ghi nhận ở các thành phố khác, nhưng Internet đã bị đứt kể từ ngày 5/1, gây khó khăn cho việc xác định quy mô bạo lực.

Việc Moscow triển khai lực lượng nhanh chóng cho thấy ông Putin sẵn sàng sử dụng vũ lực để duy trì ảnh hưởng ở khu vực thuộc Liên Xô trước đây.

Việc điều quân này nằm trong danh nghĩa Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, bao gồm Nga và năm đồng minh cũ thuộc Liên Xô. Moscow cho biết lực lượng của họ sẽ có khoảng 2.500 lính.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết Moscow đang ‘hành động theo cách đồng minh nên làm’.

Một ước láng giềng lớn khác của Kazakhstan là Trung Quốc, đã ủng hộ ông Tokayev. Truyền hình nhà nước Trung Quốc cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với ông rằng Bắc Kinh phản đối sử dụng vũ lực để gây bất ổn cho Kazakhstan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG