Đường dẫn truy cập

Tầm nhìn hậu chiến Afghanistan


Nhiều người tin rằng sự ra đi hoàn toàn của binh sĩ nước ngoài là yếu tố then chốt để có được hòa bình.
Nhiều người tin rằng sự ra đi hoàn toàn của binh sĩ nước ngoài là yếu tố then chốt để có được hòa bình.
Sau hơn 12 năm chiến tranh, Afghanistan đang đối mặt với một năm có tính chất bước ngoặt trong lúc binh sĩ nước ngoài chuẩn bị rút đi. Cả những người ủng hộ lẫn những người chỉ trích sự hiện diện của Mỹ đều lo ngại là xung đột có thể trở nên tệ hại hơn trong những năm tới đây, tương tự như cuộc nội chiến đã tàn phá quốc gia này sau khi các lực lượng Liên Xô triệt thoái vào năm 1989. Hồi đầu tuần này, một nhóm các bô lão và những nhân vật lãnh đạo phe chủ chiến Afghanistan đã họp tại thủ đô của Pakistan để bàn về vấn đề làm thế nào để né tránh tình trạng đó.

Cuộc họp tại trung tâm của thủ đô của Pakistan qui tụ những người chống đối cuộc chiến tranh do Hoa Kỳ lãnh đạo ở Afghanistan, trong đó có những nhóm chủ chiến liên minh với phe Taliban, các nhân vật đại diện chính trị cùng với các đảng phái tôn giáo ở Pakistan.

Nhiều người, như ông Shahzada Shahid, phát ngôn viên của Thượng Hội đồng Hòa bình Afghanistan, thừa nhận một số thành quả Afghanistan đã có được và không muốn mất đi những thành quả này.

"Thực tế là Afghanistan ngày nay không phải là Afghanistan của 12 năm trước. Tôi xin thưa với quí vị là tại một thị trấn biên giới rất nhỏ trong tỉnh Kunar chúng tôi có 500 ngôi trường. Tương tự như vậy, chúng tôi có một mạng lưới đường tráng nhựa gần như đã hoàn tất, một cơ cấu nhà nước đã được hình thành. Chúng tôi có đồng tiền riêng và những hoạt động ngoại thương."

Ông Shahid nói thêm rằng nhóm của ông không muốn mất đi những thành quả đó sau khi quân đội nước ngoài triệt thoái.

Hầu hết những người tham gia hộïi nghị đều phản đối việc binh sĩ nước ngoài lưu lại Afghanistan sau năm 2014. Nhưng họ cũng cho rằng nội chiến có thể ngăn chận được trong thời kỳ hậu triệt thoái.

Nhiều người, trong đó có cựu Thủ tướng Afghanistan Ahmad Shah Ahmadzai, tin rằng sự ra đi hoàn toàn của binh sĩ nước ngoài là yếu tố then chốt để có được hòa bình.

"Các lực lượng nước ngoài phải rút đi, không có lựa chọn ở lại Afghanistan, bởi vì chúng tôi mạnh mẽ tin rằng không thể nào có được hòa bình nếu các lực lượng của ISAF và Mỹ còn ở lại Afghanistan. Những người Afghanistan thật sự tin tưởng vào thánh chiến, quyết tâm theo đuổi thánh chiến, là những người chiến đấu để chống lại những kẻ xâm lăng đất nước của chúng tôi. Những người Mỹ, họ là những kẻ chiếm đóng. Nói rằng họ tới để thúc đẩy dân chủ và công lý và những thứ như vậy là sai. Đó là những khẩu hiệu sai."

Nhiều nhà quan sát e rằng những giá trị dân chủ và sự ủng hộ cho quyền của phụ nữ sẽ bị xói mòn trong những năm sắp tới. Trong lúc chính phủ Afghanistan tìm cách thảo luận về hòa bình với các nhóm nổi dậy, các nhà thương thuyết làm việc với những người như ông Ghariat Baheer, phát ngôn viên của nhóm Hizb-e-Islami đồng minh của Taliban, cho rằng sự triệt thoái của Mỹ giống như sự thất bại của Liên Xô trước đây.

"Chúng tôi ủng hộ vị Tổng thống can đảm của Afghanistan và chúng tôi cầu nguyện để ông giữ vững lập trường và không ký Hiệp ước An ninh Song phương với Hoa Kỳ. Tôi khuyên đồng bào Afghanistan của tôi chớ có nài nỉ để người Mỹ ở lại Afghanistan. Người Mỹ không tới Afghanistan theo lời mời của người Afghanistan và họ không rời khỏi Afghanistan theo yêu cầu của người Afghanistan. Họ chuẩn bị rời khỏi Afghanistan vì sự kháng cự quyết liệt của những chiến sĩ tự do Afghanistan."

Nhiều người tham gia hộïi nghị cũng thừa nhận là Pakistan, nơi nhiều nhân vật lãnh đạo Taliban đang ẩn náu, nắm giữ một vai trò quan trọng trong việc định đoạt tương lai của Afghanistan.

Ông Shahid của Thượng Hội đồng Hòa bình nói rằng số phận của hai nước tùy thuộc vào việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột ở Afghanistan.

"Thủ tướng Sharif đã hứa với người dân của ông rằng ông sẽ giải quyết vụ khủng hoảng điện năng, khắc phục các vấn đề kinh tế và mang lại hòa bình cho Pakistan. Ông chỉ có thể đạt được 3 mục tiêu này khi nào có hòa bình ở Afghanistan. Nếu không có hòa bình ở Afghanistan, có lẽ ông Sharif sẽ không thể đáp ứng kỳ vọng của người dân nước ông."

Ông Afrasiyab Khattak là một chính khách kỳ cựu ở Pakistan. Lâu nay ông đã không ngớt chỉ trích chính sách của Islamabad đối với Kabul, đặc biệt là sự liên hệ giữa quân đội nước này với các phe phái đang chiến đấu ở Afghanistan như phe Taliban.

Ông cho rằng Pakistan, Afghanistan và Hoa Kỳ cần phải phối hợp các nỗ lực với nhau để ngăn chận sự tái diễn của cuộc nội chiến tàn khốc trong thập niên 1990.

"Lần trước, khi Afghanistan bị hỗn loạn, nước này đã trở thành căn cứ của khủng bố quốc tế. Lần này chúng ta có một mối đe dọa thật sự là Afghanistan có thể trở thành nơi xuất phát của những cơn địa chấn sắc tộc và những cơn địa chấn này có thể lan ra khắp khu vực như bệnh ung thư và Pakistan sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, tôi tin rằng việc góp phần ổn định Afghanistan phù hợp với quyền lợi của Pakistan và người Pakistan nên làm bạn với toàn thể dân chúng Afghanistan, chứ không riêng với một đảng, một nhóm hay một trường phái tư tưởng nào."

Thái độ phóng khoáng đó đối với tương lai của Afghanistan sẽ đánh dấu một sự xoay chiều lớn đối với các chính phủ, các đảng phái và những nhóm nổi dậy lâu nay vẫn tập trung sức lực vào việc thăng tiến những mục tiêu hạn hẹp. Nhưng vì giờ đây đã có nhiều người nhận thức được rằng số phận của Pakistan gắn chặt với vận mệnh của Afghanistan, cho nên có hy vọng là những quyền lợi chung đối với hòa bình sẽ xóa bỏ những sự chia rẽ lâu đời tại hai quốc gia Nam Á này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG