Đường dẫn truy cập

Tầng lớp trung lưu mới thúc đẩy du lịch ASEAN


Khách du lịch chụp ảnh 'selfie' trước Đền Erawan ở Bangkok, Thái Lan, ngày 22/10/2015.
Khách du lịch chụp ảnh 'selfie' trước Đền Erawan ở Bangkok, Thái Lan, ngày 22/10/2015.

Tăng trưởng mạnh trong ngành du lịch và du hành đang tăng áp lực đòi chính phủ các nước trong khu vực chi tiêu mạnh hơn cho phát triển cơ sở hạ tầng và quản lý ngành công nghiệp này.

Ngành công nghiệp du lịch của châu Á đang nở rộ do thu nhập của công chúng tăng, chi phí vận tải hàng không thấp, và nhu cầu du lịch nước ngoài của người Trung Quốc tăng mạnh.

Nhưng các nhà phân tích nói rằng ngành du lịch phát triển nhanh chóng đang gây áp lực lên cơ sở hạ tầng và các điểm đến trong khi có nhiều kêu gọi phải tăng chi phí để đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng và cải thiện quản lý để đảm bảo phát triển bền vững.

Ông John Koldowski, một nhà phân tích ngành công nghiệp du lịch tại Đại học Thammasat của Thái Lan, nhận định rằng một số thị trường trong khu vực đang có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn.

Ông Koldowski nói: "Những thị trường có tiềm năng phát triển lớn mà chúng ta có thể nhìn thấy ngay tại thời điểm này. Du lịch Thái Lan đang nở rộ và nó tiếp tục bùng nổ. Việt Nam cũng đang cho thấy một số tăng trưởng vững chắc. Campuchia và Myanmar – mặc dù tốc độ tăng trưởng ở hai nước này đang giảm xuống, chúng ta vẫn thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào các công trình xây dựng, các nhà đầu tư vẫn quan tâm và nhiều hoạt động vẫn đang diễn ra ở đó."

Hội đồng Lữ hành và Du lịch Thế giới (WTTC) dự báo sự đóng góp trực tiếp của ngành du lịch vào các nền kinh tế khu vực sẽ tăng lên 528.7 tỷ đô la, tức 5,6 %, trong vòng mười năm tới cho đến năm 2025, chiếm 2,6% GDP của khu vực.

Ngành du lịch trong Hiệp hội các quốc gia của các nước Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước thành viên cũng thuê dụng trực tiếp hoặc gián tiếp khoảng 32 triệu người.

Theo báo cáo của một kinh tế gia cao cấp của công ty đầu tư CLSA có trụ sở chính Hồng Kông, triển vọng đầu tư cho ngành du lịch cũng đang rất lớn.

CLSA chỉ ra một "bữa tiệc" của các cơ hội đầu tư đang chờ đợi trong ngành lữ hành và du lịch, bao gồm khách sạn và khu nghỉ dưỡng cùng với cơ sở hạ tầng giao thông, an ninh và bảo vệ môi trường.

Hội đồng WTTC cho biết chi tiêu phát triển ngành lữ hành và cơ sở hạ tầng du lịch sẽ là trọng yếu để đáp ứng nhu cầu.

Philippines đang có kế hoạch đầu tư 23 tỷ đô la vào cơ sở hạ tầng du lịch trong sáu năm tới, bao gồm các khu nghỉ dưỡng sòng bạc, trong khi chính phủ đang nhắm mục tiêu đóng góp của ngành du lịch cho nền kinh tế quốc gia sẽ tăng gấp đôi. Thu nhập của ngành du lịch nước này hiện chiếm 10% GDP.

Ông Oliver Lamb, chuyên gia của công ty Tư vấn Hàng không Thái Bình Dương có trụ sở ở Sydney, cho biết sự tiến bộ kinh tế trong khu vực đã thúc đẩy sự phát triển du lịch. Tầng lớp trung lưu được dự báo sẽ tăng từ 190 triệu tới 400 triệu người trong thập kỷ tới.

Trả lời VOA, ông Lamb nói: "Sự phát triển của tầng lớp trung lưu – tiềm lực của tầng lớp trung lưu châu Á, sự xuất hiện của các hãng (hàng không) nhắm mục tiêu cụ thể tới những người giàu có và cũng nằm trong nhu cầu của tầng lớp trung lưu châu Á và giá nhiên liệu thấp – chúng ta đang có được một cơn bão hoàn hảo của động lực tích cực cho ngành lữ hành giải trí trong khu vực châu Á Thái Bình Dương."

Nhưng ông Lamb cho biết tăng trưởng đã dẫn đến những thách thức khác trong ngành hàng không, bao gồm nhu cầu đào tạo chuyên môn cho nhân viên mặt đất, các dịch vụ hỗ trợ và cơ sở hạ tầng.

Hiệp hội Hàng không châu Á Thái Bình Dương (AAPA) có trụ sở tại Kuala Lumpur cho biết vào năm 2016 các hãng hàng không châu Á Thái Bình Dương chuyên chở tổng cộng 293 triệu lượt khách quốc tế, tăng 6% so với năm trước.

Hiệp hội Lữ hành châu Á Thái Bình Dương (PATA) cho biết tăng trưởng nhanh chóng đã được minh chứng trong ngành hàng không, trong đó ước tính có đến gần 11.000 cặp thành phố là điểm đến và điểm đi cho các chuyến bay hoạt động trong khu vực tính đến hết năm 2019. Điều này đánh dấu một sự phát triển của hơn 20% so với con số này của năm 2016.

PATA nói hàng ngày có khoảng 28.600 chuyến bay trong khu vực được lên lịch, tăng lên từ 22.000 chuyến trong năm 2012. Tại các thị trường trọng điểm, Indonesia báo cáo một sự gia tăng 47% số chuyến bay theo lịch trình, vận tải hàng không của Malaysia tăng 29% và Campuchia có mức tăng trưởng nhanh chóng (52%) và Việt Nam (75%).

Hội đồng Lữ hành và Du lịch Thế giới cho biết những yếu tộ phụ thuộc vào du lịch đã tăng lên, đặc biệt là với sự "gia tăng ngoạn mục" của nhu cầu du lịch ra nước ngoài của người Trung Quốc.

Hội đồng này cho biết, Trung Quốc đã mở rộng đề án "điểm đến được phê duyệt" của mình từ 14 lên 113 quốc gia vào năm 2012, dẫn đến một sự gia tăng 700% về các chuyến thăm quan nước ngoài của khách du lịch Trung Quốc, từ 10 triệu USD vào năm 2000 lên tới 78 triệu USD vào năm 2015.

Du khách đến từ Trung Quốc chiếm hơn một phần tư tổng số khách quốc tế vào Brunei, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, tăng từ 5% đến 10% vào năm 2000.

Nhưng các nhà phân tích nói rằng trong khi hầu hết các nước đang háo hức tìm cách thu hút du khách Trung Quốc, thì các khu vực khác, như Đài Loan, Hàn Quốc và Hồng Kông, đang tìm cách để đa dạng hóa sự phụ thuộc vào riêng du khách Trung Quốc.

Hội đồng WTTC cho biết châu Á, bao gồm ASEAN, sẽ chiếm gần 50% tổng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng lữ hành và du lịch trong khoảng từ 2016 đến 2026.

Việt Nam báo cáo chi tiêu mạnh vào cơ sở hạ tầng du lịch. Hội đồng WTTC cho biết "đầu tư dự báo lớn của Việt Nam cho thấy cơ sở hạ tầng du lịch của quốc gia này có thể tách nước này ra khỏi các khu vực kinh tế của các nước thu nhập thấp khác, như Campuchia, Myanmar và Lào," tất cả những nước này đều dự kiến mức đầu tư ít hơn.

Hội đồng WTTC nói thêm rằng mối quan tâm của Thái Lan nằm trong việc chi tiêu cho phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng được nhu cầu tăng cao. Báo cáo cho biết: "Thái Lan là quốc gia duy nhất của ASEAN là nơi sự tập trung trong tương lai có vai trò quan trọng đối với cơ sở hạ tầng du lịch và lữ hành."

Theo nhà phân tích Koldowski, Thái Lan dự kiến sẽ có số lượng khách du lịch tăng từ 32 triệu hiện nay lên 50 triệu vào năm 2021.

Nhưng nhà phân tích này cho biết châu Á ngày càng cần phải tập trung vào việc quản lý du lịch chứ không chỉ đơn thuần là thu hút thêm nhiều khách du lịch.

Theo ông, "Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới và giai đoạn này có lẽ ít cần đến sự tập trung vào việc thu hút lượng khách du lịch bởi vì họ đang tự tới – lực đẩy đã có và nó đang lớn lên. Sự tập trung giờ đây chuyển sang việc thu hút đúng loại khách du lịch."

Nhà phân tích ngành công nghiệp du lịch của Đại học Thammasat nói thêm rằng: "Số lượng ngày càng tăng như vậy sẽ thúc đẩy các chính phủ và các cơ quan du lịch trở nên sáng tạo hơn chút trong việc hiểu được ý nghĩa của phát triển bền vững và những gì chúng ta có thể làm để đảm bảo được sự bền vững đó."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG