Đường dẫn truy cập

Tập Cận Bình còn phải rất bận rộn với ‘đả hổ, diệt ruồi’


Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, tại Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, tháng 10, 2022.
Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, tại Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, tháng 10, 2022.

Trong tuần tới, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ họp Trung ương lần thứ ba trong nhiệm kỳ này để quyết định đường lối trong năm, mười năm sắp đến. Kinh tế sẽ là đề tài quan trọng nhất, vì tâm trạng bi quan của dân đang làm kinh tế trì trệ. Tập Cận Bình cần khích động tâm lý, để dân Trung Hoa tiêu thụ nhiều hơn thay vì lo tiết kiệm. Một cách khôi phục niềm tin là chứng tỏ đảng Cộng sản vẫn quyết tâm chống tham nhũng.

Ngày 27 tháng Sáu, 2024, Bộ Chính Trị loan tin khai trừ ra khỏi đảng hai cựu bộ trưởng quốc phòng, Lý Thượng Phúc (Li Shangfu, 李尚福) và Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe, 魏凤和). Đảng đã cho phép hệ thống tư pháp mở các cuộc điều tra và truy tố. Quân đội Trung Quốc không do nhà nước chỉ huy mà trực tiếp đặt dưới quyền của đảng. Cả hai ông bộ trưởng đều bị buộc tội “nhận tiền hối lộ và vi phạm luật lệ.” Họ bị tước bỏ địa vị đại biểu Quốc hội, do đó cũng mất quyền miễn tố.

Các vụ bắt bớ trên cho thấy kế hoạch trấn an dân chúng của Tập Cận Bình vẫn còn bận rộn! Tập Cận Bình đã lớn tiếng hô hào chống tham nhũng từ khi lên ngôi, 12 năm trước. Cả hai vị bộ trưởng đều từng được Tập Cận Bình phong nhậm; Ngụy Phượng Hòa năm 2018, Lý Thượng Phúc, năm 2023. Nhưng Tập có vẻ không biết gì về các hành vi tồi bại suốt nhiều năm của các vị thượng tướng do chính ông gắn sao rồi đưa lên ghế bộ trưởng. Điều đó chứng tỏ các ban thanh tra, kỷ luật của đảng không biết hoặc biết mà không nói? Hay nó cho thấy Tập Cận Bình không thể trừ hết được nạn tham nhũng, vốn nằm trong bản chất của một chế độ độc tài toàn trị. Vì guồng máy độc tài phải đẻ ra và nuôi dưỡng tham nhũng!

Năm 2012, mười ngày sau khi lên chức chủ tịch Đảng và đứng đầu Quân Ủy Hội, Tập Cận Bình đã đích thân chủ tọa lễ phong nhậm, gắn lon cho viên thượng tướng đầu tiên, là Ngụy Phượng Hòa,. Ngụy Phượng Hòa chiếm được địa vị ưu ái có lẽ vì ông ta là người được cử ra đứng đầu Lực lượng Hỏa tiễn ngay khi thành lập. Đó cũng là bộ phận kiểm soát kho vũ khí hạch tâm của Trung Cộng. Trong Đại hội 18 năm 2012, cùng lúc Tập Cận Bình lên làm chủ tịch, Ngụy đắc cử ủy viên Trung ương Đảng. Năm 2018, được bầu làm chủ tịch lần nữa, Tập đã đưa Ngụy lên làm nhân vật thứ 12 ngồi ghế bộ trưởng quốc phòng.

Nhưng các hầm chứa Hỏa tiễn và bom nguyên tử cũng chứa đựng một ổ tham nhũng lớn. Từ giữa năm 2023, ít nhất 70 sĩ quan chỉ huy đã lần lượt “biến mất” mà không nêu lý do. Hai người kế nhiệm Ngụy Phượng Hòa, cả viên chỉ huy trưởng và ủy viên chính trị của Lực lượng đều bị cách chức, thay thế bằng các sĩ quan từ các ngành khác đưa tới. Người chỉ huy Phòng Ba của Lực lượng Hỏa tiễn đã “tự ải” – treo cổ chết – khi các cuộc thanh trừng bắt đầu.

Trong cáo trạng kết tội Ngụy Phượng Hòa ngày 27 tháng 6, báo South China Morning Post thấy một chi tiết đặc biệt, là hai chữ “thất tiết” (shi jie). Bản lên án Lý Thượng Phúc không dùng đến chữ này. Từ đời nhà Tống (thế kỷ 10 đến 13) hai chữ “thất tiết” thường nói về các phụ nữ quan hệ tình dục với người không phải chồng mình, dù bị cưỡng ép. Trong lịch sử Cộng sản Trung Quốc chỉ có hai người ở địa vị cao đã bị coi là “thất tiết.” Một là Hướng Trung Phát (Xiang Zhongfa, 向忠发), từng làm tổng bí thư, năm 1931 đã đầu hàng Quốc Dân Đảng; người thứ hai là Cố Thuận Chương (Gù Shùnzhāng, 顾顺章) từng đứng đầu bộ phận gián điệp của Trung Cộng, bị quân Quốc Dân Đảng bắt, đã khai hết các bí mật về hoạt động ở Thượng Hải, suýt bắt được Chu Ân Lai. Nói Ngụy Phượng Hòa “thất tiết” có thể hiểu là ông ta có lẽ đã quan hệ với một thế lực ngoại quốc, chứ không phải chỉ tham nhũng mà thôi. Ngụy Phượng Hòa đã “thất tiết” như thế nào, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ giữ bí mật rất lâu.

Tháng Ba năm 2023, Ngụy Phượng Hòa từ chức bộ trưởng. Lý Thượng Phúc lên thay, vốn là một kỹ sư về không gian, được Tập phong chức đại tướng năm 2019. Trong 10 năm chỉ huy trung tâm không gian, Lý đã phóng nhiều hỏa tiễn, trong đó có Hằng Nga số 2, đưa khí cụ lên thám hiểm mặt trăng vào cuối năm 2010.

Lý Thượng Phúc được đưa vào Trung Ương năm 2017, năm 2022 gia nhập Quân Ủy, đứng hàng thứ hai sau Tập Cận Bình. Theo tạp chí The Diplomat đưa Lý lên thay Ngụy Phượng Hòa vì Tập Cận Bình muốn canh tân bộ máy quân sự trong cuộc chạy đua vũ khí với nước Mỹ.

Làm bộ trưởng mới được năm tháng, Lý Thượng Phúc bỗng dưng biến mất! Đại sứ Mỹ ở Tokyo, Rahm Emanuel, lúc đó viết trên Twitter, ví niềm bí mật này như trong kịch Hamlet của Shakespeare: “Thứ nhất, suốt ba tuần không ai biết ông bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc ở đâu! Thứ hai, Ông bỏ không đi Việt Nam như đã được ghi trong kế hoạch. Bây giờ, lại không thấy ông tiếp vị chỉ huy Hải quân Singapore theo chương trình trong lịch.” Lý biến mất cùng thời gian bộ trưởng Ngoại giao Trung Cộng Tần Cương cũng“mất tích”, vắng mặt hàng tháng trời, nại lý do “sức khỏe” mà không biết trị bịnh ở đâu. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Bắc Kinh trả lời thắc mắc của phóng viên Reuters, nói rằng cô không biết tin tức nào cả. Hai tháng sau bản tin Lý Thượng Phúc bị cất chức mới được công bố. Lý chiếm kỷ lục là vị bộ trưởng quốc phòng ngồi ghế trong thời gian ngắn nhất.

Công bố việc khai trừ hai cựu bộ trưởng quốc phòng trong cùng một ngày là chuyện xảy ra lần đầu tiên trong lịch sử Trung Cộng; chứng tỏ Tập Cận Bình muốn dân Trung Hoa biết mình vẫn tích cực chống tham nhũng. Trong những năm đầu, Kế hoạch “đả hổ” nhắm vào các đối thủ chính trị đang muốn giành địa vị trong đảng: Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai. Khi loại trừ một thượng tướng, Từ Tài Hậu, Tập bắt đầu hỏi thăm đến quân đội. Quách Bá Hùng (Guo Boxiong, 郭伯雄) bị trục xuất khỏi đảng năm 2015 vì tội tham nhũng; năm sau bị kết án tù chung thân, sau khi ngồi trong Quân Ủy Trung ương suốt 10 năm, lên tới phó chủ tịch, đồng thời cũng là thành viên Bộ Chính Trị.

Đảng Cộng sản Trung Quốc là khu rừng nuôi nhiều hổ, sau 12 năm Tập Cận Bình vẫn chưa “đả” hết được. Đầu tháng Sáu, ông mới nhắc nhở các đảng viên “có những vấn đề thâm căn cố đế” trong quân đội mà ông phải đối trị, trên nhiều mặt: ý thức hệ, chính trị, phong cách làm việc, kỷ luật, chưa sửa đổi được, trong cả hàng ngũ cao cấp nhất.

Nhà bình luận Gordon G. Chang, trên nhật báo South China Morning Post ngày 8 tháng 7, 2024, nhận xét rằng một mối quan tâm lớn của Tập Cận Bình là không biết mình có nắm vững lực lượng vũ khí nguyên tử của Trung Quốc hay không.

Tháng Ba năm nay, Tướng Hà Vệ Đông (He Weidong, 何卫东), phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã đặt câu hỏi về “khả năng chiến đấu chỉ có bề ngoài” của quân đội Trung Quốc. Báo South China Morning Post đoán rằng ông muốn nói tới nạn tham nhũng trong hệ thống cung cấp các chiến cụ, vũ khí, tiếp liệu của quân đội. Nhận xét trên đưa lên mạng vài ngày thì bị cắt bỏ. Nhưng sau đó, các vụ thanh trừng trong Lực lượng Hỏa tiễn (với bom hạch tâm) cho thấy Hà Vệ Đông đang lo về một vấn đề nghiêm trọng có thật.

Muốn tấn công Đài Loan, Trung Cộng cần sử dụng hỏa tiễn, có thể dùng bom nguyên tử để đe dọa không cho các nước khác can thiệp. Nếu cả Lực lượng Hỏa tiễn thối nát từ trên xuống dưới, thì chiến thuật đe dọa này trống rỗng. Tháng Giêng vừa qua, bản tin Bloomberg News dẫn lời tình báo Mỹ tiết lộ rằng nhiều hỏa tiễn của Trung Cộng không chứa xăng, chỉ đổ đầy nước. Chuyện này chỉ người bên trong mới biết, một hãng tin nghe được thì Tập Cận Bình chắc đã biết hết rồi. Tập Cận Bình hiểu rằng nếu chính quyền Đài Bắc không tỏ ra lo lắng trước những lời đe dọa tấn công, thì cũng vì họ biết rõ thực lực của các hỏa tiễn của Trung Cộng. Muốn đe dọa khiến Đài Loan sợ thật, Tập Cận Bình còn phải “đả” thêm nhiều con hổ nữa!

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG