Đường dẫn truy cập

Những thách thức của Chính phủ mới (tiếp theo và hết)


Những thách thức của Chính phủ mới (tiếp theo và hết)
Những thách thức của Chính phủ mới (tiếp theo và hết)

Tín nhiệm quốc gia đã liên tục bị hạ thấp trong nhiều năm qua, khiến cho chi phí vay mượn của Việt Nam ở nước ngoài tăng cao và ngày càng khó vay

Vào giai đoạn 2006/2007 hầu như tất cả các đánh giá và xếp hạng về Việt Nam đều hết sức tích cực dẫn tới câu chuyện Trái phiếu Chính phủ của Việt Nam phát hành ra nước ngoài dễ bán, và bán với lãi suất thấp. Thậm chí ngay cả các tập đoàn kinh tế nhà nước như Vinashin cũng phát hành được trái phiếu ra nước ngoài chỉ với sự bảo lãnh không chính thức của nhà nước. Hiện nay tình hình đã quay (gần như ) một trăm tám mươi độ. Một thách thức khác mà Chính phủ mới phải đương đầu là xếp hạng tín dụng của Việt Nam trong khoảng 1 năm qua đã bị tổn hại nghiêm trọng dẫn tới hàng loạt các khó khăn sắp tới trong chuyện huy động vốn của nước ngoài thông qua con đường vay mượn.
Ngày 20 tháng 4, 2011, Moody's đặt xếp hạng B1 của Việt Nam dưới triển vọng tiêu cực, do lo ngại khả năng thanh toán các khoản nợ trái phiếu của quốc gia, cho dù Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô. Tháng 12 năm ngoái (2010), Moody's đã hạ bậc tín nhiệm đối với trái phiếu Việt Nam, từ Ba3 xuống B1, đồng thời hạ định mức tín nhiệm tiền gửi ngoại tệ từ mức B1 xuống B2 đối với 6 ngân hàng của Việt Nam.

Trước đó không lâu, ngày 29 tháng 7, 2010, Fitch đã hạ xếp hạng tín dụng dài hạn của Việt Nam từ BB- xuống B+ do lo ngại về chính sách kinh tế, dự trữ ngoại hối và sức khỏe của hệ thống ngân hàng. Do bị tụt hạng tín dụng dài hạn, Việt Nam đã lùi 4 bậc so với điểm đầu tư (xếp hạng tín dụng quốc gia nằm trong khoảng BBB đến AAA được coi là có điểm đầu tư - investment grade). Đây cũng là trường hợp hiếm hoi trong số các nền kinh tế mới nổi bị hạ xếp hạng tín dụng trong báo cáo này của Fitch (Indonesia, Ukraine và một số quốc gia khác đều nhận được đánh giá lạc quan).

Cũng hồi tháng 12 năm ngoái, S&P đã hạ mức tín nhiệm của Việt Nam từ BB- xuống còn BB do lo ngại về tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam. S&P cho biết, hệ thống ngân hàng Việt Nam khá nhạy cảm với cú sốc tài chính và kinh tế. Vì vậy, các ngân hàng cần phải yêu cầu hỗ trợ từ chính phủ nếu thực sự có những cú sốc như vậy. Mức tín nhiệm ngoại tệ mới đưa Việt Nam xếp hạng ngang bằng với Bangladesh và Mông Cổ. Triển vọng xếp hạng tín dụng dài hạn khá tiêu cực, còn xếp hạng tín dụng ngắn hạn hiện được ấn định tại mức B.

Rõ ràng căn cứ để các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế đánh tụt hạng tín dụng của Việt Nam là câu chuyện bất ổn vĩ mô, rủi ro của hệ thống ngân hàng, khả năng trả nợ của hệ thống doanh nghiệp nhà nước, cùng các vấn đề khác liên quan tới tính minh bạch trong chính sách. Điều này cần phải được cải thiện dần trong nhiệm kỳ hiện nay của Chính phủ.

Mô hình tập đoàn đã đem ra thí điểm và (đã bị) chứng tỏ có nhiều khiếm khuyết nghiêm trọng

Trong nhiệm kỳ đầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa vào thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế Nhà Nước. Cho tới nay, mô hình này đã tỏ ra có nhiều khiếm khuyết cần phải khắc phục. Điển hình nhất thường được nhắc tới của mô hình này là trường hợp Vinashin. Mặc dù Chính phủ đã có hàng loạt các biện pháp cải tổ, tái cớ cấu Vinashin để vực dậy tập đoàn này, Vinashin vẫn sẽ tiếp tục có ảnh hưởng lâu dài tới kinh tế Việt Nam và vẫn sẽ cần có các giải pháp tiếp theo để khắc phục các hệ lụy mà nó gây ra.

Chính phủ khóa trước đã có những lý do riêng để đưa vào vận hành mô hình này, và trên một góc độ nào đó, các lý do này không phải không thuyết phục. Đứng trước lựa chọn giữ hay bỏ, nhiều khả năng Chính phủ mới sẽ tiếp tục giữ mô hình này mặc dù có thể không triển khai rộng hơn.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện và thực tế vận hành mô hình tập đoàn rõ ràng cần được nghiên cứu lại và sửa chữa để có thể làm tốt hơn. Việc này nói dễ hơn làm vì nó là bài toán (hóc búa) về thiết kế thể chế mà không dễ tìm ra lời giải.

Căng thẳng tỷ giá

Chưa bao giờ vấn đề tỷ giá ở Việt Nam lại căng thẳng như thời gian gần đây. Chính phủ đã phải phá giá hai lần trong vòng khoảng 1 năm qua. Mặc dù cán cân thương mại đang có xu hướng tốt dần lên, nhưng thâm hụt nhìn chung vẫn rất lớn. Việt Nam vẫn phải dựa vào dòng tiền ngắn hạn để tài trợ cán cân thanh toán. Theo báo cáo mới nhất của Ngân Hàng Thế Giới, dòng tiền từ cán cân tài khoản vốn trên nguyên tắc thừa để tài trợ thâm hụt trong cán cân vãng lai nhưng dự trữ ngoại hối của Việt Nam lại liên tục bị tụt giảm do vấn nạn biến vốn (capital flight) – mà bản chất là sự biến mất của dòng ngoại tệ (do người dân mua ngoại tệ tích trữ hoặc chuyển ra nước ngoài phi pháp).

Từ tháng 4, 2011 trở lại đây, Chính phủ đã có nhiều biện pháp mạnh để siết vấn đề biến vốn kể trên. Điều này đã dẫn tới kết quả tương đối khả quan (có thể trong ngắn hạn). Tỷ giá VND/USD đã tương đối ổn định trở lại và, theo thông báo của Chính phủ, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam cũng đang tăng lên.

Tuy nhiên, hệ thống giải pháp hành chính trên ít nhiều vẫn mang tính ngắn hạn. Trong nhiệm kỳ này của mình, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chắc chắn sẽ phải dành sự quan tâm thích đáng tới vấn đề cắt giảm thâm hụt mậu dịch vì đây là cái gốc lâu dài của sự ổn định tiền Đồng.

Biển Đông đang nóng lên

Một thách thức khác không kém phần quan trọng là vấn đề đang ngày càng nóng lên trên Biển Đông. Với việc Trung Quốc ngày càng tỏ ra cứng rắn và quyết liệt trong việc xác lập chủ quyền trên thực tế của họ trên Biển Đông, Chính phủ mới chắc chắn sẽ phải dành nỗ lực thích đáng vào việc hoạch định và triển khai một hệ thống các giải pháp đối phó với thách thức này.

Một hệ thống chính sách như vậy sẽ phải bao gồm cả đường lối ngoại giao mềm mỏng nhưng quyết liệt cùng với các bước chuẩn bị thích hợp về quân sự nhằm nâng cao năng lực tự vệ trên biển. Việc thành lập một lữ đoàn tàu ngầm như tiết lộ của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh thời gian gần đây có lẽ mới chỉ là bước đi đầu tiên. Mặc dù như Bộ trưởng Thanh nói, Việt Nam không chạy đua vũ trang, nhưng việc mua sắm vũ khí khí tài này chắc chắn sẽ cần tới một nguồn lực tài chính lớn và gây căng thẳng về ngân sách cho Chính phủ.

Tuy nhiên, mua sắm vũ khí chỉ là một phần (không lớn) của lời giải. Phần quan trọng hơn có lẽ nằm ở việc xử lý ván cờ ngoại giao quốc tế liên quan đến tranh chấp trên vùng biển này và từng bước tạo dựng nội lực vững chắc cho dân tộc trong cuộc đấu tranh sinh tồn dài lâu với người hàng xóm phương Bắc. Vì, nếu chúng ta có thể học được từ lịch sử, thì lịch sử quan hệ Việt Nam và Trung Quốc cho thấy Trung Quốc chỉ xâm lược Việt Nam trong những lúc Việt Nam suy yếu và rối loạn. Đây chính là bài toán cân não nhất trong vấn đề Biển Đông mà Chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải đương đầu.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG