Đường dẫn truy cập

Thái Lan cam kết tiếp tục chính sách ‘không khoan nhượng’


Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai trao đổi với phóng viên trong buổi họp báo tại Bộ Ngoại giao ở Bangkok, Thái Lan, ngày 1 tháng 7 năm 2016.
Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai trao đổi với phóng viên trong buổi họp báo tại Bộ Ngoại giao ở Bangkok, Thái Lan, ngày 1 tháng 7 năm 2016.

Chính quyền quân nhân Thái Lan đã bày tỏ sự tán thành về việc được nâng cấp trong chỉ số các nước mua bán người bị theo dõi sát. Trong khi đó, các giới chức ở Myanmar than phiền về việc nước này bị đưa vào danh sách đen trong bản phúc trình thường niên về mua bán người TIP của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Thái Lan được nâng từ cấp thấp nhất là cấp 3 lên cấp 2 trong danh sách theo dõi, có nghĩa là nước này “chưa hội đủ hoàn toàn các tiêu chuẩn tối thiểu về tiêu diệt nạn buôn bán người.” Nước này đã đạt được những cải thiện đáng kể trong năm ngoái, theo ghi nhận của bản phúc trình.

Bộ Ngoại giao Thái Lan nói, “Thái Lan chắc chắn không tự mãn. Chúng tôi vẫn tập trung và cam kết giải quyết nạn mua bán người dưới mọi hình thức.”

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, người đứng đầu tập đoàn quân nhân cai trị vương quốc này, nói với các phóng viên rằng một chính sách “không khoan nhượng” sẽ tiếp tục và tuyên bố, “Tôi sẽ thi hành nhiệm vụ của tôi.”

Đại sứ Hoa Kỳ tại vương quốc này, ông Glyn Davies nói, “Thái Lan đã đạt được một vài tiến bộ lớn mà tất cả chúng ta đều hoan nghênh trong năm ngoái.” Tuy nhiên, một số tổ chức đang chỉ trích quyết định của Hoa Kỳ nâng cấp cho Thái Lan.

Giám đốc điều hành Diễn Đàn Quyền Lao động Quốc tế, bà Judy Gearhart nói, “Chúng tôi rất lấy làm thất vọng về quyết định này, mà thoe chúng tôi, không đánh giá chính xác tình hình ở thực địa. Công nhân di trú vẫn còn là những nhóm người dễ bị tổn hại nhất trước nạn buôn bán người trong nước, và Thái Lan chưa tỏ dấu hiệu nào cho thấy có ý định cho phép công nhân di trú được tiếp cận nhiều hơn với các quyền cơ bản nhằm bảo vệ họ khỏi bị lợi dụng.”

Những người đàn ông và trẻ em di trú Rohingya chơi trò Carrom ở trại Baw Du Pha 1 bên ngoài Sittwe.
Những người đàn ông và trẻ em di trú Rohingya chơi trò Carrom ở trại Baw Du Pha 1 bên ngoài Sittwe.

Theo tổ chức Fortify Rights, Thái Lan lẽ ra phải ở lại trong danh sách đen trong khi Malaysia, vẫn ở nguyên trong cấp 2 trên Danh sách Theo dõi, lẽ ra phải bị hạ xuống cấp thấp nhất. Tổ chức này nói cả hai nước vừa kể, cùng với Myanmar, “đã không có đủ biện pháp chống nạn buôn bán người và bảo vệ những người sống sót trong năm ngoái.”

Thái Lan thực ra đã hoán đổi chỗ với lân quốc Myanmar, nguồn gốc của ước chừng nhiều triệu người lao động ở vương quốc, nhiều người không có giấy tờ hợp pháp.

Khoảng 1 phần năm lượng hàng xuất khẩu của Thái Lan bắt nguồn từ hàng xuất khẩu nông và ngư nghiệp – các công nghiệp đầy rẫy tình trạng ngược đãi lao động.

Tình trạng lạm dụng dân di trú đã tràn lan từ nhiều chục năm trong khu vực, với những kẻ buôn bán người phối hơp với các giới chức tham nhũng và đồng lõa trong chính phủ, các lực lượng kiểm soát di trú, quân đội và cảnh sát.

Bản phúc trình TIP năm 2016 mô tả Myanmar, tức Miến Điện, là “nước khởi nguồn cho đàn ông, đàn bà và trẻ em bị cưỡng bách lao động và phụ nữ trẻ em bị mua bán tính dục, cả ở Miến Điện và nước ngoài.”

Các nhà ngoại giao cũng bày tỏ sự thất vọng trước tình trạng chính phủ không chú trọng đến vấn nạn của người Rohingya, một nhóm thiểu số Hồi giáo phần lớn cư ngụ ở bang Rakhine, mà Myanmar không thừa nhận là một nhóm sắc tộc riêng.

Kể từ khi Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền năm nay, kế nhiệm các nhà quân trị, chính phủ chưa chứng tỏ một sự linh động nào đối với vấn đề người Rohingya, và nhấn mạnh rằng chính phủ coi họ là người Bengali di trú bất hợp pháp vào Myanmar từ Bangladesh.

Mặc dầu bản phúc trình TIP bao gồm thời kỳ trước khi thay đổi chính phủ, một số quan sát viên coi việc hạ cấp – một phần – như sự trừng phạt cho chính sách cứng rắn liên tục đối với người Rohingya, mỗi năm thường bỏ chạy khỏi Myanmar với con số hàng ngàn trên những chiếc thuyền ọp ẹp do các tay buôn bán người cung cấp.

Hôm nay các giới chức Myanmar tỏ ý ăn năn về việc bị hạ cấp trên danh sách đen TIP, cùng với Haiti, Sudan và Uzbekistan, và cam kết tiếp tục chống nạn buôn người.

Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Aung Lin nói với đài VOA: “Chúng tôi sẽ không thay đổi đường lối hành động về vấn đề này. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực tiến hành biện pháp cần thiết và hợp tác với tất cả các bên có liên quan, kể cả Hoa Kỳ.”

Một thông cáo báo chí của bộ về bản phúc trình TIP đã đề cập đến người Rohingya, nhưng không nêu đích danh, và nói rằng bộ đã “cứu vớt, che chở và cho tự nguyện hồi hương những “di dân bất hợp pháp bị trôi dạt trên Ấn Độ Dương” mà đa số “được chứng minh không phải phát xuất từ Myanmar.”

Nhiều tổ chức phi chính phủ lập luận rằng những suy xét về chính trị vẫn còn là một ảnh hưởng đối với danh sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, điều mà các nhà ngoại giao trước đây đã thừa nhận trong chỗ riêng tư.

Chủ tịch hội đồng về nhân quyền tại Hạ viện Hoa Kỳ ủng hộ lập trường cho rằng Tòa Bạch Ốc tiếp tục cài những suy xét đó vào hệ thống xếp hạng toàn cầu.

Dân biểu Chris Smith của đảng Cộng Hòa, đại diện bang New Jersey nói, “Điều đó vi phạm tinh thần và tính chất của dự luật, việc xếp thứ hạng phải xứng đáng, chứ không phải được ban phát như quà tặng cho các đối tác an ninh và kinh tế.”

Dân biểu này đặc biệt nêu ra thứ hạng cấp 2 của Trung Quốc trong danh sách theo dõi và gọi nước này là “cái hố đen của nạn buôn bán người.”

Bản phúc trình TIP xếp hạng các nước dựa vào các nỗ lực chống nạn mua bán người theo các tiêu chuẩn do Bộ luật Bảo vệ Nạn nhân bị mua bán của Hoa Kỳ đề ra. Các chính phủ thuộc Cấp 1 hội đủ các tiêu chuẩn tối thiểu; Các quốc gia thuộc Cấp 2 đạt được những nỗ lực đáng kể để hội đủ tiêu chuẩn tối thiểu trong khi những nước trong danh sách Theo dõi Cấp 2 cần phải được xem xét đặc biệt. Các nước thuộc Cấp 3 bị cho là đã không tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu của Hoa Kỳ và không đạt được tiến bộ đáng kể trong việc ấy.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG