Đường dẫn truy cập

Thái Lan có ứng cử viên thủ tướng đầu tiên là người chuyển giới


Cô Pauline Ngarmpring tại trụ sở đảng Mahachon ở Bangkok, Thái Lan.
Cô Pauline Ngarmpring tại trụ sở đảng Mahachon ở Bangkok, Thái Lan.

Pauline Ngarmpring từng nghĩ cô sẽ bắt đầu một cách chậm rãi cuộc sống mới trong tư cách là một phụ nữ chuyển giới, sau khi thực hiện chuyển đổi giới tính ở tuổi 49.

Nhưng thay vào đó, 3 năm sau, cô lại là một ứng cử viên cho chức thủ tướng Thái Lan, trở thành ứng cử viên chuyển giới đầu tiên cho chức vụ này ở xứ sở chùa vàng, và giờ cô bận rộn ngày đêm với các chiến dịch, các cuộc họp chiến lược và phỏng vấn với báo chí.

Theo tường thuật của Reuters, đây là một sự kiện bất ngờ đối với cựu phóng viên tin tức sau trở thành người quảng cáo về thể thao và nhanh chóng nắm giữ vai trò đại sứ cho quyền của người LGBT+ và bình đẳng giới tại một quốc gia chỉ có vài lãnh đạo chính trị là người đồng tính nam hoặc nữ.

“Từ lâu, chính trị đã là mối quan tâm của tôi, và khi là một người đàn ông, tôi thường được mời tham gia một đảng phái chính trị. Nhưng tôi không có tâm trí nào cho việc này cho đến khi tôi chuyển giới”, Reuters dẫn lời cô Pauline Ngarmpring nói.

“Là một phụ nữ, tôi cảm thấy thoải mái và không có gì để che giấu. Tôi đã sẵn sàng, nhưng liệu mọi người đã sẵn sàng chấp nhận một ứng cử viên chuyển giới hay chưa?”, cô Pauline Ngarmpring nói thêm.

Thái Lan sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 24/3, là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014.

Cho đến nay, cạnh tranh trong bầu cử có vẻ như là một cuộc đấu giữa Thủ tướng trung thành với hoàng gia Prayuth Chan-ocha và những người ủng hộ cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra.

Cô Ngarmpring, người thích được gọi tên là Pauline, là một trong ba ứng cử viên cho chức thủ tướng của Đảng Mahachon, và không được coi là ứng cử viên hàng đầu.

Nhưng cộng đồng LGBT+ của Thái Lan hy vọng rằng cô, và gần 20 ứng cử viên LGBT+ khác đang tranh cử vào quốc hội và được Đảng Mahachon ủng hộ, sẽ giúp tập trung lôi kéo sự chú ý vào những thách thức và khả năng của họ, Reuters dẫn lời một nhà hoạt động nói.

“Việc ra ứng cử của cô có ý nghĩa quan trọng bởi vì cô đang thách thức các chuẩn mực truyền thống về giới tính và tính dục”, bà Anjana Suvarnanda thuộc nhóm Anjaree, một tổ chức vận động cho quyền của giới LGBT+ nói.

“Trước đây, chúng tôi đã có những người LGBT trong chính trườngThái Lan, nhưng không ai khẳng định danh tính LGBT của họ một cách công khai như vậy, và không hề có cuộc bàn luận nào công khai nào theo cách tiếp cận tích cực như vậy”, cô Anjana Suvarnanda nói với Reuters.

Cô Pauline Ngarmpring (trái) trò chuyện với những người hành nghề massage trên đường trong một chiến dịch vận động ở Bangkok vào ngày 13/2/2019.
Cô Pauline Ngarmpring (trái) trò chuyện với những người hành nghề massage trên đường trong một chiến dịch vận động ở Bangkok vào ngày 13/2/2019.

Mặc dù được xem là xứ sở nổi tiếng về đa dạng giới tính, nhưng những người LGBT+ ở Thái Lan vẫn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và kỳ thị trong trường học, nơi làm việc và các cơ sở y tế, và thường bị gia đình họ chối bỏ, theo lời các nhà hoạt động.

Đối với phụ nữ chuyển giới, rào cản đặc biệt cao.

Ngarmpring đã trải qua ca phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở Mỹ, và đã dành ba năm ở đó trong quá trình chuyển đổi giới tính của mình. Cô tự xem mình là người may mắn.

“Tôi may mắn vì tôi có một sự nghiệp lâu dài và thành công khi là một người đàn ông, trước khi tôi chuyển đổi giới tính”, cô cho biết.

“Nếu không, những người chuyển giới tính không có nhiều cơ hội việc làm và bị buộc phải làm việc trong ngành giải trí hoặc khách sạn”, cô nói.

Cơ hội trong chính trị thậm chí còn hạn chế hơn.

Trong khi số lượng những người chuyển đối giới tính đang tăng lên, thì các chính trị gia đồng tính công khai vẫn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và thậm chí đe dọa tính mạng tại một số quốc gia.

Phụ nữ chỉ khá hơn một chút. Trung bình toàn cầu về số lượng phụ nữ trong quốc hội là 24%, thấp hơn mức chuẩn 30%-được coi là mức độ thỏa đáng, theo Liên Hiệp Quốc.

Ở châu Á, con số trung bình là 20%, trong khi ở Thái Lan chỉ là 5%, nằm trong số các nước có tỷ lệ thấp nhất thế giới.

“Phụ nữ không được coi trọng ở Thái Lan. [Thái Lan] đã có một số nữ chính trị gia, nhưng sẽ rất khó khăn để tham gia chính trị mà không có những kết nối gia đình”, cô Ngarmpring nói.

Hiện Đảng Mahachon đang vận động cho một chương trình nghị sự về nhân quyền và bình đẳng trên nhiều mặt: giới tính, xã hội, kinh tế và chính trị.

Cô Ngarmpring nói với tư cách là một phụ nữ chuyển giới, cô có một quan điểm độc đáo về những thách thức mà cả phụ nữ lẫn những người LGBT+ đang phải đối mặt.

“Vì hồ sơ công khai của tôi, mọi người nhìn vào tôi như một nguồn cảm hứng, và đôi khi gửi tin nhắn cho tôi”, cô Ngarmpring cho biết.

“Tôi nói với họ: Cứ từ từ, vấn đề không phải là người khác nghĩ gì, mà là phải xác định rõ ràng với chính mình. Tôi đã mất 40 năm để thừa nhận với bản thân mình rằng tôi sinh ra là một người phụ nữ”, cô nói thêm.

Ban đầu, Ngarmpring được Đảng Mahachon thuê để thực hiện về phần chiến lược và chính sách, Ngarmpring đăng trên trang Facebook của mình hôm 8/2 rằng với tư cách là người chuyển giới, cô đang thực thi quyền công dân Thái Lan là ra tranh cử.

“Con đường còn dài, nhưng nếu chúng ta không bắt đầu ngay ngày hôm nay, thì con cái của chúng ta có thể là người chuyển giới, đồng tính nam hoặc nữ, hoặc không biết về bản thân chúng và không biết các quyền của chúng... thì làm sao có quyền bình đẳng đây?”, Reuters dẫn lời cô Ngarmpring nói.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG