Đường dẫn truy cập

Tình hình Thái Lan rắc rối thêm với phe ‘không màu’


Phe biểu tình không ủng hộ màu áo nào, dù đỏ hay vàng, phần đông họ thuộc giới trung lưu tại thành thị
Phe biểu tình không ủng hộ màu áo nào, dù đỏ hay vàng, phần đông họ thuộc giới trung lưu tại thành thị

Sau nhiều tuần lễ với những cuộc biểu tình phản kháng chống chính phủ, tại Thái Lan hiện đang xuất hiện những nhóm mới ủng hộ chính phủ. Những vụ phản kháng mới, gọi là “không màu sắc” này, phản ánh tâm trạng bất an của cư dân Bangkok, trước tình hình chính trị căng thẳng gia tăng và nỗi lo sợ xảy ra đổ máu.

Giữa những âm thanh của các bài ca yêu nước, những người ủng hộ chính phủ đã tụ tập tại trung tâm Bangkok hôm Chủ Nhật kêu gọi một giải pháp hòa bình hầu kết thúc cuộc phản kháng chống chính phu kéo dài đã 6 tuần lễ.

Dưới chân đài kỷ niệm đánh dấu những cuộc chiến trong quá khứ tại Thái Lan, những người biểu tình đã trưng bày những bích chương lớn với chân dung Quốc vương Bhumipol Adulyadej và vẫy cờ Thái.

Bà Kwan, một người đi biểu tình phản kháng, đến để ủng hộ chế độ quân chủ, tỏ ra lo ngại cho tương lai đất nước. Bà nói:

“Tôi không thích bạo động. Ông thấy hình nhà vua không? Tôi xuống đường để ủng hộ ngài. Mọi chuyện cứ dằng dai mãi, trừ phi có điều gì quyết liệt xảy ra.”

Đó là phe biểu tình không ủng hộ màu áo nào, dù đỏ hay vàng. Phần đông họ thuộc giới trung lưu tại thành thị, và họ ủng hộ Thủ Tướng Abhisit Vejjajiva.

Họ tức giận vì những người biểu tình phản đối chính phủ đã bóp nghẹt khu trung tâm Bangkok gần 6 tuần lễ để đòi ông Abhisit phải từ chức.

Trong những năm gần đây, bối cảnh chính trị Thái Lan đã được biểu trưng bằng màu sắc.

Những người chống chính phủ đương nhiệm được gọi là phe áo đỏ, do màu áo mà họ mặc. Thành phần phe áo đỏ phần đông xuất phát từ những vùng nghèo khó tại nông thôn, và hậu thuẫn cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra.

Những lãnh tụ phe này muốn có thay đổi trong giới thư lại được ưu đãi tại Thái Lan, và nói rằng chính phủ của ông Abhisit là không chính đáng, vì ông được quốc hội bầu ra, chứ không phải do công chúng.

Đối nghịch với phe áo đỏ là phe áo vàng, hay là Liên Minh Nhân Dân vì Dân Chủ, gọi tắt là PAD, họ đã vận động chống ông Thaksin gần 1 năm, cho tới khi xảy ra một cuộc đảo chánh lật đổ ông vào năm 2006.

PAD bắt đầu lại các cuộc phản kháng vào năm 2008, sau khi một chính phủ thân Thaksin đắc cử vào năm 2007. Nhóm áo vàng đã chiếm đóng các tòa nhà chính phủ và phong tỏa phi trường quốc tế chính của Thái, khiến phi trường này phải đóng cửa trong một tuần lễ.

Không lâu sau đó, các tòa án đã buộc 2 chính quyền thân Thaksin phải từ nhiệm vì lý do vi phạm luật bầu cử.

Vào ngày Chủ Nhật, PAD đã đe dọa tổ chức các cuộc biểu tình của chính họ, trừ phi chính phủ vãn hồi hòa bình trong nước.

Nhưng những người biểu tình “không ủng hộ màu áo nào “, như người phụ nữ này, nói rằng họ không trực tiếp liên kết với PAD. Bà nói:

“Những người này không thuộc phe áo vàng. Chỉ là những người thương mến Quốc Vương. Có thể có một vài cái áo vàng, áo hồng hoặc bất kỳ màu áo nào, tất cả mọi người thuộc nhiều loại màu sắc không nhất thiết phải là áo vàng. Tôi đây cũng không phải là phe áo vàng.”

Vào ngày 10 tháng Tư, 24 người chết trên đường phố trong các vụ đụng độ ngoài đường phố khi lực lượng an ninh cố gắng giải tán một địa điểm nơi phe áo đỏ đang biểu tình.

Quân đội đã cảnh báo họ sẽ ngăn chặn bất kỳ mưu toan nào nhằm mở rộng các cuộc biểu tình ra khỏi điểm tụ tập chính của họ tại một khu vực thương mại lớn.

Quân đội và cảnh sát đã được bố trí tại Silom Road, quận thương mại chính tại Bangkok hôm thứ Hai, để biểu dương lực lượng nhắm ngăn chặn phe áo đỏ tiến đến khu vực này.

Phe biểu tình đã hoãn cuộc diễn hành. Một người hoạt động xã hội là bà Kwanravee Wangudon, tỏ ý e ngại sẽ có thêm các cuộc xung đột. Bà nói:

“Tình hình trở nên vô cùng căng thẳng sau khi chính phủ ban hành tình trạng khẩn trương, và đã có một số người chết và bị thương. Tình hình chưa có lối thoát, và tôi nghĩ rằng hiện đang rất căng thẳng và sẽ còn phức tạp hơn.”

Báo chí tại đây hàng ngày loan tin về những mối lo ngại đang gia tăng là sẽ có thêm bạo động.

Càng lúc người ta càng nói tới nguy cơ nội chiến, một phần vì hàng ngũ quân đội và cảnh sát đang bị phân hóa ra hai phe áo vàng và áo đỏ.

Các phân tích gia chính trị nói rằng sự kiện vừa kể gia tăng nguy cơ bạo động trong lúc Thái Lan phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng nhất kể từ 18 năm qua.

Trong lúc cả nước mong đợi tình hình sớm yên ổn trở lại, các doanh nghiệp và cư dân Bangkok ngày càng chán nản vì những cuộc phản kháng liên miên.

Phe áo đỏ kiểm soát nhiều đường lộ chính tại trung tâm thành phố. Các cuộc tụ tập của họ đã khiến 6 trung tâm thương mại lớn phải đóng cửa, khiến du khách không dám đến ở tại nhiều khách sạn trong khu vực và khiến nhiều ngả đường bị chặn và thay đổi.

Những tổn thất đang gia tăng, và chính phủ ước tính trừ phi các cuộc phản kháng sớm chấm dứt, mức tăng trưởng kinh tế có thể nhanh chóng sụt giảm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG