Đường dẫn truy cập

Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp


Binh sĩ và cảnh sát chống bạo động Thái Lan đứng sau hàng rào dây thép gai ở trung tâm Bangkok hồi tháng 5 vừa qua
Binh sĩ và cảnh sát chống bạo động Thái Lan đứng sau hàng rào dây thép gai ở trung tâm Bangkok hồi tháng 5 vừa qua

Chính phủ Thái Lan đã gia hạn thêm 3 tháng sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp ở 19 tỉnh, kể cả thủ đô Bangkok, vì mối lo ngại về việc bạo động có thể tái diễn. Từ Bangkok, thông tín viên Ron Corben của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây

Quyết định gia hạn lệnh khẩn cấp thêm 3 tháng đã được loan báo sau phiên họp hàng tuần của nội các.

Lệnh khẩn cấp được thu hồi ở 5 tỉnh khác, sau khi được áp dụng trong 3 tháng qua.

Trước đó, quân đội Thái Lan đề nghị gia hạn thêm 3 tháng tại 24 tỉnh mà lệnh khẩn cấp được áp dụng hồi đầu tháng tư, khi cuộc biểu tình chống chính phủ lên tới cao điểm.

Sắc lệnh này được ban hành trong lúc diễn ra những cuộc biểu tình phản kháng, trong đó có 90 người thiệt mạng và hơn 1.900 người bị thương. Các cuộc biểu tình này được lãnh đạo bởi những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, là người tiếp tục sống lưu vong trong lúc đối mặt với án tù 2 năm về tội tham nhũng.

Phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Panitan Wattayanagorn nói rằng tuy tình hình an ninh đã được cải thiện nhưng mới đây đe dọa ở thủ đô Bangkok vẫn tồn tại.

Ông Panitan nói: "Vẫn còn nhiều mưu toan gây rối hoặc những hoạt động khác, kể cả hành động phá hoại. Có những mưu toan lợi dụng các phương tiện truyền thông để thúc đẩy dân chúng đối đầu với nhau. Cũng có những mưu toan trong xã hội nhằm làm cho bạo động lan tràn bằng những cách thức nào đó. Đây là lý do tại sao vẫn còn cần tới sắc lệnh khẩn cấp ở một số khu vực.

Sắc lệnh này được áp dụng vào ngày 7 tháng tư, 3 tuần sau khi phe biểu tình chống chính phủ đòi chính phủ tổ chức bầu cử trước kỳ hạn. Căng thẳng đã gia tăng vào đầu tháng tư khi những phần tử cứng rắn của phe Áo Đỏ xông vào trụ sở của ủy ban bầu cử và trụ sở quốc hội.

Những vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh và phe biểu tình vào ngày 10 tháng tư đã gây thương vong cho nhiều người.

Bạo động đã leo thang vào đầu tháng 5 sau khi một thỏa hiệp hòa giải của chính phủ gặp thất bại, và việc quân đội tìm cách chấm dứt cuộc biểu tình đã làm bùng ra những vụ đụng độ mới.

Ông Chris Baker, một người nghiên cứu về lịch sử và chính trị Thái Lan, cho biết rằng nhiều chưa hiểu rõ tại sao chính phủ vẫn còn cần duy trì lệnh khẩn cấp.

Ông Baker nói: "Chính phủ không nói rõ lý do tại sao họ làm như vậy. Rõ ràng là vào thời điểm này có những vụ việc nho nhỏ xảy ra, như những vụ nổ bom bất thành, nhưng những vụ này không đủ để hậu thuẫn cho việc chính phủ tiếp tục duy trì những biện pháp mạnh tay trong luật khẩn cấp."

Ông Baker cho hay ông dự kiến là một số chính phủ ngoại quốc có thể sẽ kín đáo vận động trong vài tháng tới đây để chính phủ Thái Lan thu hồi lệnh khẩn cấp, hiện được áp dụng trên khoảng 1/3 lãnh thổ.

Các tổ chức thương mại và du lịch Thái Lan cũng kêu gọi thu hồi lệnh này, viện dẫn lý là lệnh khẩn cấp có tác động tiêu cực đối với nguồn đầu tư của nước ngoài và các hoạt động kinh doanh. Một số quốc gia vẫn còn duy trì lệnh cảnh báo du hành đối với Thái Lan.

Từ khi phá vỡ doanh trại của người biểu tình ở trung tâm thương mại của Bangkok cho tới nay, chính phủ đã trấn áp phong trào chống chính phủ qua việc câu lưu những thủ lãnh cao cấp của phe Áo Đỏ và những người ủng hộ phe này. Các tổ chức nhân quyền nói rằng nhiều người bị bắt nhưng chưa thể xác định là bao nhiêu người.

Chính phủ Thái Lan đã loan báo việc thành lập một số ủy ban để điều tra vụ đổ máu và đề ra những biện pháp cải cách cần thiết để giải quyết những mối chia rẽ sâu sắc về chính trị. Theo kế hoạch các ủy ban này sẽ hoàn tất phúc trình của họ trong năm nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG