Đường dẫn truy cập

Thêm nhiều tổ chức nhân quyền lên án việc bắt giam ông Trương Huy San, Trần Đình Triển


Ông Trương Huy San và ông Trần Đình Triển. Photo Bao Giao Thong
Ông Trương Huy San và ông Trần Đình Triển. Photo Bao Giao Thong

Thêm hàng loạt các tổ chức nhân quyền quốc tế như Article 19, Viện Báo chí Quốc tế, Văn Bút Mỹ, Qũy Nhân quyền bày tỏ “quan ngại” về việc chính quyền Việt Nam bắt giữ blogger-tác giả sách Trương Huy San và luật sư Trần Đình Triển, đồng thời kêu gọi Hà Nội hủy bỏ các cáo buộc đối với hai ông.

“Luật an ninh quốc gia không nên được sử dụng làm vũ khí chống lại quyền tự do ngôn luận. Việt Nam phải hủy bỏ cáo buộc đối với nhà báo Trương Huy San và luật sư Trần Đình Triển”, tổ chức Article 19, vốn chuyên bảo vệ quyền tự do ngôn luận và thông tin trên toàn thế giới có trụ sở Anh Quốc, viết trên trang X hôm 14/6.

Ông San, còn được biết qua bút danh Huy Đức, là một nhà bình luận có tiếng trên mạng xã hội và là người chỉ trích mạnh mẽ đảng cầm quyền Việt Nam. Ông điều hành một trang Facebook cá nhân với hơn 350 nghìn người theo dõi, nơi thường xuyên đăng bài về các vấn đề chính trị, xã hội.

Bà Amy Brouillette, Giám đốc Vận động của Viện Báo chí Quốc tế (IPI), nói trong một thông báo: “IPI kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho nhà báo Trương Huy San và hủy bỏ cáo buộc đối với ông”.

“Việc bắt giữ ông San phản ánh nỗ lực không ngừng nghỉ của chế độ nhằm kiểm duyệt và kiểm soát các phương tiện truyền thông cũng như ngăn chặn bất kỳ báo cáo, chỉ trích nào về các chính sách của chế độ này”, bà Brouillette nhận xét.

Trong khi đó, tổ chức Văn Bút Mỹ (PEN America) có trụ sở ở New York đưa ra tuyên bố: “PEN America kịch liệt lên án việc chính quyền Việt Nam bắt giữ tác giả, nhà báo Trương Huy San”, bà Anh-Thu Võ, giám đốc nghiên cứu và vận động của PEN America đưa ra quan điểm và nói thêm rằng “tự do biểu đạt và bất đồng chính kiến là những thành phần quan trọng của một xã hội lành mạnh, thúc đẩy đối thoại, trách nhiệm và tiến bộ”.

Giới bảo vệ nhân quyền chỉ trích việc Việt Nam bắt giam luật sư Trần Đình Triển
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:43 0:00

Cùng bị bắt với ông Huy Đức là luật sư Trần Đình Triển, trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân ở Hà Nội, phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, theo thông cáo của Bộ Công an Việt Nam vào tuần trước. Hai ông bị bắt với cùng cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

“Ông Triển bị bắt vì chỉ trích đảng cầm quyền Việt Nam”, Qũy Nhân quyền (HRF) viết trên trang X hôm 12/6.

“Trương Huy San và Trần Đình Triển đã có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, đăng tải các bài viết trên mạng xã hội Facebook xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...” Bộ Công an cho biết trong thông cáo ngày 8/6.

HRF, tổ chức có trụ sở ở New York, Mỹ, bày tỏ: “HRF quan ngại sâu sắc về việc Việt Nam thu hẹp không gian dân sự và suy giảm quyền tự do ngôn luận. HRF khẩn trương kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho hai ông Trương Huy San và Trần Đình Triển”.

Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần áp dụng Điều 331, điều luật mà Văn Bút Mỹ xem là “quá rộng” để “bỏ tù các nhà văn, nhà báo và những người bất đồng chính kiến vì sự biểu đạt trực tuyến của họ”.

Điều luật này đã được sử dụng để “hình sự hóa các hoạt động và biểu đạt ôn hòa, gây ra sự kiểm duyệt trực tiếp và cấm đa dạng hóa quan điểm”, Văn Bút Mỹ nói thêm. Tổ chức này nhận định rằng điều luật đó đứng thứ hai về mức độ áp dụng để bỏ tù các nhà văn Việt Nam, chỉ sau Điều 117 Bộ luật Hình sự, quy định về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về những tuyên bố nêu trên của các tổ chức nhân quyền, nhưng chưa được phản hồi.

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay vẫn bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ vi phạm nhân quyền hay đàn áp tự do ngôn luận, khăng khăng rằng các quyền căn bản của người dân luôn được đảm bảo.

Ngay sau khi chính quyền Việt Nam loan tin việc bắt giam hai ông San và Triển hôm 7/6, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền như Phóng viên Không biên giới (RSF), Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CJP), Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã lên tiếng bênh vực hai ông và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho họ.

“Việc tồn tại một cây viết hoặc một người nói lên điều trái ý với nhà cầm quyền trong giai đoạn hiện nay thì đối với nhà cầm quyền thì đó là điều khó chấp nhận, trong khi đối với người khác có thể xem là không bình thường của chế độ do công an trị như hiện nay”, nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh ở Mỹ nhận định với VOA sau khi hai ông San và Triển bị bắt.

Ông Vinh nhận định thêm rằng việc bắt bớ này càng trở nên “đáng báo động” về sự “đàn áp” những tiếng nói phản biện tại Việt Nam, nhất là ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm được thăng chức Chủ tịch nước vào tháng trước.

Theo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2024 của tổ chức Phóng viên Không biên giới, Việt Nam đứng thứ 174 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng, bị liệt vào nhóm nước có chỉ số tự do báo chí thấp nhất.

Việt Nam cũng là quốc gia bắt giam nhà báo tồi tệ thứ năm trên toàn thế giới, với 19 nhà báo bị giam giữ tính đến ngày 1/12/2023, theo cuộc điều tra nhà tù toàn cầu hàng năm mới nhất của tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG