Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Việt Nam ra lệnh ‘không để Formosa thứ 2 xảy ra’


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một lần thị sát hoạt động của nhà máy Formosa Hà Tĩnh hồi tháng 7/2018. Ông Phúc vừa yêu cầu các cấp, các ngành không để xảy ra thảm hoạ môi trường thứ 2 như Formosa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một lần thị sát hoạt động của nhà máy Formosa Hà Tĩnh hồi tháng 7/2018. Ông Phúc vừa yêu cầu các cấp, các ngành không để xảy ra thảm hoạ môi trường thứ 2 như Formosa.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế và yêu cầu các cấp, các ngành không để trường hợp Formosa thứ 2 xảy ra.

Phát biểu kết luận Hội nghị Chính phủ với các địa phương hôm 29/12, người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói phải kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp ô nhiễm môi trường và không để tình trạng “tăng trưởng nhanh nhưng phải trả giá đắt vì ô nhiễm” để thế hệ sau này “phải gánh chịu.

Thảm hoạ môi trường biển miền Trung do nhà máy thép Formosa của Đài Loan ở Hà Tĩnh gây ra đã khiến cá và hải sản chết hàng loạt trên vùng biển tại 4 tỉnh miền Trung Việt Nam vào giữa năm 2016 cũng như làm nhiều người dân ở đây mất kế sinh nhai. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra khi người dân bị tác động đòi đóng cửa nhà máy thép Formosa và đòi hỏi được bồi thường thoả đáng.

Theo con số thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sáu tháng sau thảm họa Formosa thải chất độc trực tiếp ra biển, thì tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế tổng cộng có đến 263.000 lao động bị ảnh hưởng, trong đó ảnh hưởng trực tiếp là khoảng 100.000 lao động. Số cá chết dạt vào bờ biển là 115 tấn. Ngoài ra còn 140 tấn cá nuôi chết và 67 tấn ngao nuôi chết.

Thủ tướng Phúc được cổng thông tin điện tử Chính phủ (VGP News) trích lời nói tại cuộc họp với đại diện các địa phương hôm 29/12 rằng “không để trường hợp Formosa thứ 2 xảy ra.”

Công ty Formosa Hà Tĩnh đã xin lỗi và nhận bồi thường 500 triệu USD nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia, khu vực biển miền Trung có thể mất đến cả thập kỷ để hoàn toàn hồi phục sau thảm họa môi trường biển năm 2016. Nhiều cuộc biểu tình của người dân ở các tỉnh thành khác trên cả nước cũng đã nổ ra nhằm phản đối ô nhiễm môi trường và yêu cầu quyền lợi được đảm bảo cho những người dân bị thiệt hại. Tuy nhiên các cuộc biểu tình này đã bị chính quyền giải tán và nhiều người bị bắt giam với cáo buộc “gây rối trật tự.”

Nhà báo công dân Nguyễn Văn Hoá, người tường thuật về các cuộc biểu tình trước thảm họa Formosa, bị kết án 7 năm tù giam trong khi nhà hoạt động môi trường Hoàng Bình, người tham gia khiếu kiện công ty Formosa Hà Tĩnh để đòi quyền lợi cho người dân bị thiệt hại, nhận bản án 14 năm tù.

VOA Express

XS
SM
MD
LG