Đường dẫn truy cập

Tình cảm chống Mỹ không gia tăng ở Nam Triều Tiên


Các nhà hoạt động bảo thủ Nam Triều Tiên cầm ảnh của Đại sứ Hoa Kỳ Mark Lippert (trái) và ảnh của nghi can tấn công ông Lipper bằng dao, ông trong cuộc biểu tình gần Tòa Đại sứ Mỹ ở Seoul, 6/3/15
Các nhà hoạt động bảo thủ Nam Triều Tiên cầm ảnh của Đại sứ Hoa Kỳ Mark Lippert (trái) và ảnh của nghi can tấn công ông Lipper bằng dao, ông trong cuộc biểu tình gần Tòa Đại sứ Mỹ ở Seoul, 6/3/15

Tiếp theo vụ đại sứ Mỹ tại Nam Triều Tiên bị tấn công bằng dao, cảnh sát Seoul đang xem xét những chuyến viếng thăm Bắc Triều Tiên trong quá khứ của nghi can và đánh giá vấn đề an ninh tại nơi diễn ra sự kiện. Và theo như Thông tín viên Đài VOA tại Seoul Brian Padden tường trình, vụ tấn công nêu lên những câu hỏi là tình cảm chống Mỹ tại Nam Triều Tiên lúc này như thế nào.

Ngày hôm nay cảnh sát Nam Triều Tiên cho biết sẽ truy tố ông Kim Ki-jong, nghi can trong vụ dùng dao tấn công đại sứ Mỹ tại Seoul, Mark Lippert, về tội mưu sát.

Ông Yoon Myeong-sung, cảnh sát trưởng quận Jongno nơi vụ tấn công xảy ra nói cảnh sát cũng điều tra xem những chuyến viếng thăm Bắc Triều Tiên thường xuyên của nghi can có liên hệ đến trường hợp này hay không.

Ông Yoon nói cảnh sát đang cố gắng tìm xem có kẻ chủ mưu đứng đằng sau nghi can Kim Ki-jong hay không. Cảnh sát đang chú trọng đến sự kiện ông Kim đi thăm Bắc Triều Tiên 7 lần và cũng đang tìm hiểu xem những chuyến viếng thăm này của ông Kim có liên hệ gì đến hành động tội phạm của ông này hay không.

Cảnh sát lục soát nhà và văn phòng của ông Kim ngày hôm nay. Nếu cảnh sát tìm được chứng cứ ông Kim ủng hộ chế độ Kim Jong Un, ông Kim có thể bị truy tố về tội vi phạm luật an ninh quốc gia. Ông cũng sẽ bị truy tố về tội tấn công một đại sứ nước ngoài và làm cản trở hoạt động kinh doanh.

Ông Kim nói với cảnh sát là ông hành động một mình. Ông nói vụ tấn công này nhằm phản đối cuộc tập trận chung Hoa Kỳ Nam Triều Tiên đang tiếp diễn. Ông nhắc lại những lời chỉ trích trong quá khứ của Bình Nhưỡng là cuộc tập trận hiện nay đầu độc mọi nỗ lực hoà giải trong đó có khả năng đoàn tụ các gia đình đã chia cách kể từ khi chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên vào năm 1953.

Ông Kim có nhiều thành tích về những hoạt động theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và bạo động. Ông một mình biểu tình chống lại Nhật Bản về việc tranh chấp các đảo. Vào năm 2010 ông bị bắt vì ném gạch bê tông vào đại sứ Nhật Bản và bị kết án treo. Những hành động chống Mỹ của ông có thể ghi nhận được vào những năm 1990 khi ông đốt cờ Mỹ tại khuôn viên tòa đại sứ Mỹ ở Seoul.

Thông tấn xã nhà nước Bắc Triều Tiên gọi cuộc tấn công là “một sự trừng phạt thích đáng” đối với cuộc tập trận Hoa Kỳ- Nam Triều Tiên bắt đầu trong tháng này, và bị Bình Nhưỡng thường xuyên chỉ trích.

Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên Lim Byeong-chul lên án lời tuyên bố đầy nhạo báng của truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên cho rằng vụ tấn công vào đại sứ Mỹ phản ánh công luận Nam Triều Tiên.

Ông Lim nói Nam Triều Tiên cực lực lên án lời xuyên tạc và bịa đặt của Bình Nhưỡng về bản chất của vụ việc, và nhận định cho rằng vụ tấn công phản ánh tình cảm của quần chúng và ủng hộ vụ việc này.

Đã từng diễn ra những cuộc biểu tình chống lại sự có mặt của quân đội Mỹ tại Nam Triều Tiên nhưng gần đây không có vụ nào cả.

Trong thập niên qua, công luận của Nam Triều Tiên đối với Hoa Kỳ đã trở nên thuận lợi hơn, khi những mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên gia tăng và chính sách ngoại giao của Trung Quốc trở nên hung hăng hơn.

Một cuộc thăm dò công luận năm 2014 do Viện Asan thực hiện cho thấy có hơn 90% những người được hỏi nói rằng liên minh Hoa Kỳ Nam Triều Tiên là cần thiết.

Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Nam Triều Tiên Christopher Hill nói công luận bắt đầu quay ra ủng hộ Hoa Kỳ sau khi Washington theo một đường lối hợp tác hơn, bao gồm Nam Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga trong việc đối phó với Bắc Triều Tiên.

“Tôi muốn cho rằng một trong những lý do khiến công luận trở nên thuận lợi hơn đối với Mỹ vì Hoa Kỳ tham dự vào tiến trình thương thuyết 6 bên, tuy không thực sự thành công trong việc buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này, nhưng chúng ta đã thành công trong việc thu hẹp những cách biệt giữa Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên.”

Các giới chức thuộc chính phủ bảo thủ của tổng thống Park Geun-hye và đảng đối lập chính đã lên án vụ tấn công và tái khẳng định mối quan hệ mạnh mẽ của đồng minh Hoa Kỳ –Nam Triều Tiên.

Ông Kim Young-man thuộc Hội đồng Hoà giải và Hợp tác Triều Tiên, cơ quan đứng ra tổ chức sự kiện nơi Đại sứ Lippert bị tấn công nói với Đài VOA là quan điểm của ông Kim Ki-jong không đại diện cho quan điểm của các thành viên hội đồng là những người ủng hộ việc tiếp xúc và giao dịch nhiều hơn với Bắc Triều Tiên.

Ông Kim Young-man nói các thành viên hội đồng không mở các cuộc thảo luận cơ bản về các khía cạnh cấp tiến hay bảo thủ, và không làm việc với những người có ý thức hệ cực đoan trong mối quan hệ Liên Triều.

Được biết Đại sứ Lippert đang hồi phục nhanh chóng nhưng phải chịu nhiều đau đớn sau một cuộc giải phẫu để khâu lại vết chém dài 11 centimet bên phải mặt ông và những vết thương bị xuyên thủng ở cổ tay trái làm hư hại dây thần kinh.

Đại sứ Lippert sẽ vẫn ở lại Bệnh viện Severance của Trường đại học Yonsei cho tới đầu tuần tới, khi bác sĩ tháo các vết khâu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG