Đường dẫn truy cập

Chính quyền Việt Nam bị chỉ trích vì 'sách nhiễu' các nhà hoạt động môi trường


Các nhà bảo vệ quyền môi trường và cũng là những lãnh đạo các tổ chức dân sự (từ trái qua) Đặng Đình Bách, Phan Mai Lợi, Bạch Hùng Dương và Ngụy Thị Khanh đều bị chính quyền kết tội "trốn thuế" và nhận bản án nhiều năm tù.
Các nhà bảo vệ quyền môi trường và cũng là những lãnh đạo các tổ chức dân sự (từ trái qua) Đặng Đình Bách, Phan Mai Lợi, Bạch Hùng Dương và Ngụy Thị Khanh đều bị chính quyền kết tội "trốn thuế" và nhận bản án nhiều năm tù.

Các tổ chức nhân quyền và chống tra trấn quốc tế vừa đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp tới chính quyền Việt Nam trước những quan ngại về việc nhà cầm quyền Hà Nội tiếp tục giam giữ tùy tiện và sách nhiễu pháp luật đối với bốn nhà bảo vệ quyền môi trường mới bị kết án gần đây.

Trong lời kêu gọi khẩn cấp đưa ra hôm 17/8, Đài Quan sát Bảo vệ người Bảo vệ Nhân quyền, một hợp danh giữa Liên đoàn Quốc tế vì Nhân quyền (FIDH) và Tổ chức Chống Tra tấn Thế giới (OMCT), bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc các nhà chức trách Việt Nam sử dụng tội danh trốn thuế để bắt bớ và hình sự hóa bốn nhà hoạt động môi trường là Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương và Ngụy Thị Khanh.

Ba nhà lãnh đạo các tổ chức dân sự vì môi trường – ông Bách, ông Lợi và ông Dương – đã bị đưa ra xét xử trong hai phiên phúc thẩm riêng biệt cùng ngày 11/8 vừa qua. Ông Bách, một luật sư về quyền môi trường đồng thời là giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững(LPSD), đã bị tòa giữ nguyên bản án sơ thẩm 5 năm tù. Trong khi đó, ông Lợi và ông Dương, đều là lãnh đạo của Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC), bị tuyên lần lượt 4 năm và 2 năm rưỡi tù sau khi mỗi người được giảm 3 tháng tù so với bản án sơ thẩm.

Trước đó vào tháng 6, bà Khanh, nhà bảo vệ quyền môi trường nổi danh nhất của Việt Nam từng được trao Giải thưởng Goldman vì các hoạt động thúc đẩy năng lượng bền vững và giảm nhiệt điện than ở quốc gia Đông Nam Á, bị tuyên án 2 năm tù. Bà Khanh là giám đốc của Green ID, một tổ chức xã hội dân sự có ghi danh hợp pháp ở Việt Nam.

Bốn nhà lãnh đạo dân sự này đều bị kết tội “trốn thuế” theo Điều 200 của Bộ luật Hình sự, một tội danh mà các tổ chức nhân quyền cho rằng đã được chính quyền Việt Nam dùng để bắt bớ các nhà hoạt động xã hội và môi trường trong một xu thế đáng lo ngại tại quốc gia do Đảng Cộng sản cầm quyền.

Đài Quan sát nói trong lời kêu gọi khẩn cấp rằng họ mạnh mẽ lên án các bản án trên và cho biết những người bảo vệ quyền môi trường này bị buộc tội trốn thuế trong khi các tổ chức phi lợi nhuận được miễn thuế doanh nghiệp tại Việt Nam.

Theo Đài Quan sát, các luật thuế ở Việt Nam liên quan đến việc các tổ chức phi chính phủ (NGO) nhận tiền từ các nhà tài trợ quốc tế rất “mơ hồ và mang tính hạn chế”.

Các tổ chức nơi ông Bách, ông Lợi và ông Dương làm việc – tức LPSD và MEC – cùng Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) cho rằng ba nhà lãnh đạo dân sự này bị bắt giữ là do họ đã thúc đẩy sự tham gia của xã hội dân sự trong việc giám sát Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã có hiệu lực từ năm 2021. Nhóm Tư vấn của EU về EVFTA hồi tháng 7 năm ngoái đã nêu quan ngại về việc bắt giữ ông Bách và ông Lợi của nhà cầm quyền Việt Nam cũng như cho biết rằng hai nhà hoạt động này bị bắt sau khi nộp đơn xin làm thành viên Nhóm Tư vấn của Việt Nam.

Đài Quan sát cũng nêu quan ngại về trường hợp của bà Khanh, người được cho là biểu tượng của chiến dịch chống lại sử dụng điện than ở Việt Nam, bị án tù sau khi bị kết tội trốn khoản thuế 10% từ số tiền mà bà nhận được với Giải thưởng Goldman, được cho là tương đương với 456 triệu đồng. Phiên tòa phúc thẩm xử bà Khanh chưa diễn ra và, theo Đài Quan sát, hiện bà đang bị giam giữ ở Trung tâm giam giữ số 1 của Bộ Công an ở Hà Nội từ ngày 11/1 năm nay.

Trong lời kêu gọi khẩn thiết gửi từ Paris và Geneva đến các lãnh đạo Việt Nam – gồm Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các bộ trưởng cũng như đại sứ - Đài Quan sát thúc giục các quan chức của Hà Nội “chấm dứt các hành động sách nhiễu chống lại những người bảo vệ nhân quyền nêu trên và thả họ ngay lập tức và vô điều kiện”.

Chính quyền Việt Nam nhiều lần khẳng định rằng các bản án này “không liên quan gì đến các hoạt động môi trường”. Sau khi Mỹ và nhiều nước phương Tây cùng các tổ chức nhân quyền phản đối bản án của bà Khanh cũng như nói rằng bà bị kết án liên quan đến biến đổi khí hậu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội nói rằng Việt Nam “luôn cam kết nghiêm túc và mạnh mẽ trong bảo vệ môi trường”.

Các nhà hoạt động môi trường này bị bỏ tù trong bối cảnh chính phủ Việt Nam cam kết với quốc tế rằng nền kinh tế của họ sẽ trung hòa carbon vào năm 2050.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG