Đường dẫn truy cập

Tô Lâm đi Trung Quốc cho thấy hai nước ‘coi trọng lẫn nhau’


Đây là lần đầu tiên hai ông Tô Lâm và Tập Cận Bình tiếp xúc ở vị trí lãnh đạo cao nhất của hai nước
Đây là lần đầu tiên hai ông Tô Lâm và Tập Cận Bình tiếp xúc ở vị trí lãnh đạo cao nhất của hai nước

Việc nhà lãnh đạo Tô Lâm của Việt Nam có chuyến công du rất sớm đến Trung Quốc và được nước này đón tiếp trọng thị cho thấy hai nước rất coi trọng mối quan hệ song phương và muốn giữ cho mối quan hệ này ổn định trong thời gian tới, các nhà quan sát nói với VOA.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa có chuyến thăm kéo dài 3 ngày đến Trung Quốc theo lời mời của người tương nhiệm Tập Cận Bình. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Lâm trên cương vị tổng bí thư và mặc dù là chuyến thăm cấp nhà nước, nó được hai bên sắp xếp trong thời gian rất ngắn, chỉ hai tuần sau khi ông Lâm lên làm lãnh đạo Đảng.

Việt Nam và Trung Quốc hiện có khuôn khổ quan hệ cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện. Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã có chuyến thăm cấp nhà nước đến Hà Nội hồi cuối năm ngoái khi ông cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra tuyên bố thành lập “Cộng đồng chia sẻ tương lai” giữa hai nước.

Tiếp đón trọng thị

Việc ông Lâm đi Trung Quốc ngay cho thấy quan hệ hai nước “vẫn đang trên đà ổn định và phát triển sâu rộng” ngay cả khi Việt Nam đột ngột thay đổi lãnh đạo sau sự ra đi của ôn Trọng, Tiến sĩ Vũ Xuân Khang, học giả thỉnh giảng về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Boston, nhận định với VOA.

Nguyên thủ Việt Nam đã được Trung Quốc dành cho những nghi thức tiếp đón cao nhất như bắn 21 phát đại bác chào mừng, được Ngoại trưởng Vương Nghị ra tận sân bay đón và khi về còn được Bộ trưởng Công an Vương Tiểu Hồng tiễn đến sân bay.

Ngoài cuộc hội đàm với ông Tập, ông Lâm còn tiếp xúc với toàn bộ lãnh đạo ‘chóp bu’ của Trung Quốc, bao gồm Thủ tướng Lý Cường, Chủ tịch Nhân đại Triệu Lạc Tế và Chủ tịch Chính hiệp Vương Hỗ Ninh.

Tiến sỹ Khang lưu ý về sự tiếp đón trọng thị của phía Trung Quốc, nói rằng điều này cho thấy Trung Quốc coi trọng quan hệ với Việt Nam cũng như thực sự coi Việt Nam là trọng tâm trong chính sách đối ngoại láng giềng.

Về phần mình, ông Lâm dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu có đến năm ủy viên Bộ Chính trị bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng và Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang. Ngoài ra tham gia đoàn còn có các quan chức cả bên Đảng lẫn chính quyền như Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc, phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng một loạt bộ trưởng.

Chuyến thăm này đánh tín hiệu của Hà Nội đến Bắc Kinh là “quan hệ Việt-Trung sẽ không có thay đổi dưới thời ông Tô Lâm”, TS Khang nói với VOA.

Với nhận định tương tự, Tiến sỹ Huỳnh Tâm Sáng, học giả thỉnh giảng về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quốc gia Đài Loan, nói với VOA rằng chuyến thăm của ông Lâm cho thấy Hà Nội “tôn trọng Trung Quốc, nhất là vị thế của cường quốc này trong khu vực, và mối quan hệ Việt- Trung.”

“Về tổng thể thì khó có nhiều thay đổi vì nhìn chung quan hệ hai nước đang theo hướng có lợi cho cả Hà Nội và Bắc Kinh. Hà Nội giữ ổn định quan hệ với Bắc Kinh trong khi Bắc Kinh giữ được Hà Nội trong phạm vi ảnh hưởng của mình,” ông phân tích.

‘Sáu hơn’

Tuyên bố chung giữa hai nước sau chuyến thăm được báo chí trong nước dẫn lại ghi rằng quan hệ Việt-Trung là “lựa chọn chiến lược của hai bên”.

“Trung Quốc luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng. Việt Nam khẳng định luôn coi quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu,” tuyên bố chung ghi.

Tại cuộc hội đàm với ông Tập tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh hôm 19/8, ông Lâm được Tuổi Trẻ dẫn lời nói rằng ông mong muốn “kế thừa và phát huy” quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước để đưa mối quan hệ này “phát triển ngày càng ổn định, bền vững lâu dài”.

Tuyên bố chung ngoài nhắc lại phương châm ‘16 chữ vàng’ và ‘tinh thần 4 tốt’ còn đề cập đến phương hướng ‘6 hơn’, đó là tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Khang không cho rằng Hà Nội đang gắn kết chặt chẽ hơn với Bắc Kinh mà quan hệ Việt-Trung “vẫn là được duy trì theo quỹ đạo từ năm 1991”, tức là khi hai nước bình thường hóa quan hệ.

Trả lời câu hỏi liệu chuyến thăm Bắc Kinh của ông Lâm có làm cho Washington lo ngại, ông Khang nói: “Nếu Mỹ hiểu được ngoại giao cây tre của Việt Nam, họ sẽ không phải quá lo khi quan hệ Việt-Trung nồng ấm cũng sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển quan hệ với Mỹ để cân bằng ngoại giao.”

Sức mạnh của kênh Đảng

Điểm đặc biệt trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là ngoài kênh Nhà nước còn có kênh Đảng vì hai nước đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản nắm quyền. Ông Lâm đến Trung Quốc ngoài tư cách đại diện Nhà nước Việt Nam còn là lãnh đạo đảng cầm quyền.

Tuyên bố chung nhấn mạnh đến tương quan giữa hai đảng Cộng sản, cho rằng hai đảng này đang “gánh vác sứ mệnh lịch sử” và “khắc ghi sứ mệnh chung, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước”.

Trong chuyến thăm này, ông Tô Lâm đã có những hoạt động mang nặng tính Đảng, chẳng hạn như đến thăm Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, nơi nghiên cứu lý luận của Đảng Cộng sản và là nơi đào tạo về lý tưởng cho quan chức Trung Quốc mà ông Tập từng làm hiệu trưởng, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.

Thực ra, ông Lâm bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc hôm 18/8 không phải ở Bắc Kinh mà bằng một hoạt động về nguồn Đảng Cộng sản Việt Nam ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông. Ông Lâm đã đến thăm trụ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội mà ông Hồ Chí Minh đã thành lập tròn 100 năm trước và viếng mộ Liệt sỹ Phạm Hồng Thái tại Nghĩa trang Hoàng Hoa Cương.

“Điểm đến này (Quảng Châu) mang tính biểu tượng vì nó góp phần cho thấy Việt Nam đánh giá cao sự giúp đỡ của Trung Quốc trong lịch sử,” TS Sáng nói.

Khi nghe ông Lâm thuật lại những hoạt động tại Quảng Châu, ông Tập được Tuổi Trẻ dẫn lời nhấn mạnh rằng “những năm tháng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết nên mối tình thắm thiết Việt- Trung, vừa là đồng chí vừa là anh em”.

Tiến sỹ Khang chỉ ra quan hệ hai nước kể từ năm 1991 đã “luôn được duy trì thông qua kênh Đảng với mục tiêu chung là bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước”.

Tranh chấp Biển Đông

“Việc liên lạc qua kênh Đảng sẽ giúp Việt Nam và Trung Quốc giải quyết bất đồng tốt hơn so với Philippines,” ông Khang nói và dẫn ra việc từ đầu năm đến giờ, Bắc Kinh “chỉ bắt nạt Philippines chứ không phải Việt Nam trên Biển Đông”.

Về tranh chấp trên Biển Đông, tuyên bố chung cho biết hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị để tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài, phù hợp với luật pháp quốc tế và chấp nhận được với cả hai bên, và không có hành động làm phức tạp tình hình.

Sau khi ông Trọng lên làm tổng bí thư, trong chuyến thăm Trung Quốc hồi cuối năm 2011, ông Trọng đã cùng lãnh đạo Trung Quốc khi đó đưa ra nhận thức chung về giải quyết các vấn đề trên biển, thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo hai nước về các sự cố trên Biển Đông. Tuy nhiên, những việc này không hề ngăn được Bắc Kinh có những hành động gây hấn trên Biển Đông, điển hình là vụ đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi năm 2014.

Tiến sỹ Sáng nhận định rằng mức độ gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian tới một phần phụ thuộc vào khả năng ứng phó của Việt Nam.

“Lãnh đạo Việt Nam đang khá khéo léo trong việc xử lý quan hệ với nước láng giềng lớn hơn,” ông nói. “Bằng chứng là Việt Nam không chịu nhiều sức ép như Philippines và các hoạt động cải tạo đảo của Việt Nam cũng chỉ bị Trung Quốc phản đối có lệ.”

Quan hệ Lâm-Tập

Chuyến thăm này cũng là lần đầu tiên ông Lâm gặp gỡ ông Tập ở cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam nên nó được xem là cơ hội để ông xây dựng mối quan hệ cá nhân với chủ tịch Trung Quốc. Người tiền nhiệm của ông Lâm là cố Tổng bí thư Trọng được cho là có mối quan hệ thân tình với ông Tập khi hai ông đã gặp nhau tổng cộng 8 lần, cả ở Bắc Kinh lẫn Hà Nội.

Tiếp nối truyền thống các cuộc gặp Tập-Trọng, sau cuộc hội đàm ở Bắc Kinh hôm 19/8 ông Tập đã mời ông Lâm dự tiệc trà đàm đạo. Hai nhà lãnh đạo “đã cùng ôn lại truyền thống hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước” và “trao đổi thân tình về văn hóa trà trong phong tục tập quán của mỗi nước”, theo tường thuật của Tuổi Trẻ.

“Mối quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo vẫn cần thời gian để vun đắp, nhưng tín hiệu là tích cực,” ông Sáng nói và cho biết mối quan hệ giữa ông Lâm với ông Tập vẫn chưa thể sánh bằng quan hệ giữa ông Trọng với ông Tập.

“Ông Tô Lâm vừa nhậm chức và vẫn cần thời gian để thể hiện khả năng cũng như đưa ra các quyết sách lớn có liên quan đến quan hệ Việt-Trung,” ông Sáng nói thêm.

Tiến sỹ Khang thì cho rằng việc hai ông gặp nhau chỉ 2 tuần sau khi ông Lâm nhậm chức “sẽ là tiền đề tốt để hai nhà lãnh đạo hiểu nhau hơn”.

Trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Lâm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến việc ký kết nhiều văn kiện hợp tác, trong đó có ‘kết nối cứng’ giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, kết cấu hạ tầng cửa khẩu, ‘kết nối mềm’ về cửa khẩu thông minh, hải quan thông minh, nghiên cứu thí điểm khu hợp tác kinh tế qua biên giới…

Ông Tập hứa với ông Lâm rằng Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam sớm mở thêm các văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc.

“Ông Tô Lâm có thể ưu tiên cho hoạt động kinh tế, và vì ông không có nhiều kinh nghiệm bên Đảng nên các vấn đề ý thức hệ có thể nhạt hơn so với ông Trọng,” TS Sáng nói.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG