Đường dẫn truy cập

Tổ tư vấn kinh tế “góp phần hạn chế ảnh hưởng của nhóm lợi ích”


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa được thành lập sẽ đưa ra một kênh ý kiến độc lập, không bị các nhóm lợi ích chi phối, một nhà quan sát chính trị-kinh tế trong nước nói với VOA.

Tổ tư vấn kinh tế gồm 15 thành viên được Thủ tướng Phúc tái lập hôm 28/7 sau một thời gian dài bị giải thể dưới chính phủ tiền nhiệm của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Nhiệm vụ của tổ tư vấn kinh tế là tư vấn cho Thủ tướng về chiến lược phát triển kinh tế dài hạn, trung hạn cũng như kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm. Tổ tư vấn cũng sẽ khuyến nghị các giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách và ứng phó với các biến động của kinh tế trong nước và thế giới, theo báo chí trong nước.

Một ngày sau khi được thành lập, tổ tư vấn kinh tế đã có phiên họp đầu tiên với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 29/7. Các thành viên tổ tư vấn được cho là đã khuyến nghị ông Phúc có những biện pháp chuyển đổi mô hình kinh tế, cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả đầu tư và cải thiện năng suất lao động, theo tường thuật của tờ VnExpress.

Tình hình kinh tế bây giờ diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên gia có kiến thức rộng, có tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, không bị ảnh hưởng của các nhóm lợi ích vốn làm bóp méo các quyết định đúng đắn.
TS Lê Đăng Doanh

Trao đổi với VOA, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên của tổ tư vấn kinh tế dưới thời của các cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nói động thái tái lập tổ tư vấn của ông Phúc là “điều đáng mừng” vì nó cho thấy ông Phúc “coi trọng ý kiến của các chuyên gia”.

Theo ông Doanh, một trong những tác động tích cực của động thái này là đưa ra tiếng nói không bị các nhóm lợi ích chi phối.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh:

“Tình hình kinh tế bây giờ diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên gia có kiến thức rộng, có tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, không bị ảnh hưởng của các nhóm lợi ích vốn làm bóp méo các quyết định đúng đắn.”

Ông Doanh nói mặc dù quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Thủ tướng nhưng ít nhất tổ tư vấn kinh tế sẽ “đưa ra ý kiến độc lập, khách quan, có căn cứ thực tiễn và khoa học.”

Nhận định về thành phần của tổ tư vấn kinh tế này, ông Doanh cho rằng:

“Việc tổ tư vấn có các nhà khoa học Việt Nam đang công tác ở nước ngoài là một dấu hiệu tích cực. Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa mà các nước liên kết với nhau chặt chẽ. Ý kiến của các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài có hiểu biết về điều kiện kinh tế thế giới sẽ giúp cho các quyết định của Việt Nam phù hợp với diễn biến của thế giới.”

Về kinh nghiệm tham gia vào tổ tư vấn kinh tế dưới thời cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, ông Doanh cho biết:

“Tôi đã tham gia tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ năm 1993 và tham gia trực tiếp vào tổ tư vấn của Thủ tướng Phan Văn Khải. Tôi đánh giá rất cao tinh thần lắng nghe và tham khảo ý kiến rất cầu thị, nghiêm túc của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải. Đặc biệt Thủ tướng Phan Văn Khải đã sử dụng tổ tư vấn rất chặt chẽ. Thủ tướng (Khải) còn đòi hỏi ban nghiên cứu có ý kiến xem xét các văn bản quan trọng. Trong nhiều trường hợp chúng tôi không đồng ý với các tờ trình thì Thủ tướng Phan Văn Khải sau khi xem xét đã trả lại tờ trình và không ký. Người ta thường nói thời kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải thì các văn bản được ký ít có sai lầm.”

Ông Doanh đã từ chối bình luận khi được hỏi lý do tại sao cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giải thể Ban nghiên cứu của ông Khải chỉ một ngày sau khi nhậm chức hồi năm 2016.

Về khuyến nghị về các chính sách kinh tế cho Chính phủ, ông Doanh nói ông đồng ý với các ý kiến của tổ tư vấn trong phiên họp vừa rồi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông nói thêm:

“Cần tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi nền kinh tế từ chỗ dựa quá nhiều vào đầu tư nước ngoài, khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ sang nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn, đầu tư vào khoa học, công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách thể chế, tăng cường tính minh bạch, có trách nhiệm giải trình.”

Tổ tư vấn kinh tế bao gồm 15 thành viên, trong đó có các nhà nghiên cứu, giảng dạy hiện đang làm việc tại các Đại học của Mỹ, Pháp, Nhật và Singapore cùng các chuyên gia kinh tế trong nước. Tổ tư vấn do ông Vũ Viết Ngoạn, cựu chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, đứng đầu.

Thủ tướng muốn huy động đôla trong dân
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:37 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG