Đường dẫn truy cập

Toán giám sát của OSCE được thả ở Ukraine


Người đứng đầu nhóm giám sát viên quân sự nước ngoài, Đại tá Đức Axel Schneider, trái, sau khi được thả ở Slovyansk, miền đông Ukraine, 3/5/2014
Người đứng đầu nhóm giám sát viên quân sự nước ngoài, Đại tá Đức Axel Schneider, trái, sau khi được thả ở Slovyansk, miền đông Ukraine, 3/5/2014
Các phần tử đòi ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine đã trả tự do cho các giám sát viên Âu châu bị bắt tại thành phố điểm nóng Slavyansk cách nay hơn một tuần.

Các phần tử đòi ly khai đã trả tự do cho 7 giám sát viên quốc tế và 5 phụ tá người Ukraine ngày hôm nay.

Các hãng thông tấn cho biết một thủ lãnh của phiến quân nói rằng ông ra lệnh trả tự do cho những người đó vì thành phố này mỗi ngày một thiếu an ninh.

Toán giám sát viên này đến giám sát tình hình an ninh và nhân quyền ở miền đông và miền nam Ukraine, nơi đa số dân chúng là người nói tiếng Nga, dựa theo qui định của một thỏa thuận được ký kết tại Geneve bởi Nga, Ukraine, Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu. Phe nổi dậy đã bắt nhóm người này và tố cáo một số người trong nhóm là gián điệp.

Cũng trong ngày hôm nay, các lực lượng Ukraine đã tiến vào Kramatorsk, một thị trấn cách Slovyansk khoảng 17 kilomét. Một giới chức tình báo hôm nay nói rằng lực lượng chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát một cơ sở truyền thanh truyền hình ở thị trấn này.

Những phần tử vũ trang thân Nga đã chiếm quyền kiểm soát một số cơ sở then chốt ở miền đông Ukraine. Họ tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 11 tháng 5 về vấn đề có tách khỏi Ukraine để sáp nhập vào Nga hay không.

Trong một diễn tiến khác ngày hôm nay, chính phủ lâm thời loan báo hai ngày tưởng niệm ở thành phố cảng Odessa, nơi mà những vụ đụng độ trong ngày hôm qua giữa các phần tử đòi ly khai thân Nga với những người ủng hộ chính phủ trung ương ở Kyiv gây tử vong cho ít nhất 42 người.

Hầu hết những người đó thiệt mạng trong một đám cháy tại một tòa nhà. Đám cháy xảy ra trong cuộc giao tranh giữa những phần tử đòi ly khai thân Nga và những người ủng hộ chính phủ trung ương ở Kyiv. Trước đó, thành phố cảng chính ở Hắc Hải này tương đối yên tĩnh, bất chấp tình trạng rối loạn tại những nơi khác ở miền đông Ukraine.

Tại Moscow, một phát ngôn nhân của Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi cuộc tấn công của Ukraine là một “tội ác.” Ông cũng nói rằng, cuộc tấn công này “đã phá vỡ hy vọng cuối cùng” của việc thi hành hiệp định quốc tế 17 tháng Tư nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng. Hôm thứ Năm, ông Putin đòi Ukraine rút tất cả các nhân viên quân sự ra khỏi vùng xáo trộn gần biên giới Nga.

Tại Washington, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama – lên tiếng cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel – cảnh báo rằng nếu giới lãnh đạo Nga tiếp tục gây bất ổn tại miền đông Ukraine, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu sẽ nhanh chóng hành động để áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt, trong đó có cả chế tài ngoại giao lẫn kinh tế.

Tại New York, các cường quốc Phương Tây và Nga đã dùng phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để tố cáo lẫn nhau là không thực hiện các biện pháp thích đáng để xuống thang cuộc khủng hoảng này. Đại sứ Anh Mark Lyall Grant nói rằng mức độ đạo đức giả của Nga thật là ngoạn mục.

Về phần mình, Đại sứ Nga Vitaly Churkin tố cáo Phương Tây áp dụng tiêu chuẩn đôi trong cuộc khủng hoảng này qua việc chấp nhận cuộc tấn công hiện nay của Ukraine, sau khi hối thúc Tổng thống Ukraine lúc đó là ông Viktor Yanukovych đừng triển khai binh sĩ khi chính phủ của ông tại Kyiv bị bao vây hồi đầu năm nay.

Các tay súng thân Nga kiểm soát một số tòa nhà quan trọng của chính phủ tại thành phố công nghiệp Donetsk và tuyên bố tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 11 tháng Năm tới đây về vấn đề có tách khỏi Ukraine để sáp nhập vào Nga hay không.

Một cuộc trưng cầu dân ý tương tự như vậy hồi tháng trước đã dẫn tới việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG