Đường dẫn truy cập

Tổng thống Obama hối thúc Mỹ, EU xúc tiến thỏa thuận T-TIP


Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel sau cuộc hội đàm ở Dinh Herrenhausen tại thành phố Hannover, miền bắc Đức, ngày 24 tháng 4, 2016.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel sau cuộc hội đàm ở Dinh Herrenhausen tại thành phố Hannover, miền bắc Đức, ngày 24 tháng 4, 2016.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Mỹ và Liên minh Châu Âu phải xúc tiến một thỏa thuận tự do thương mại mang tính dấu mốc, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ.

"Điều không thể chối cãi" là Mỹ đã hưởng lợi từ thương mại tự do, cũng như những nước khác có tham gia trong đó, ông Obama phát biểu trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại thành phố Hannover, Đức.

Mỹ và Đức là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của nhau và hy vọng sẽ thu hút sự ủng hộ đối với thỏa thuận Quan hệ Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (T-TIP).

Ưu điểm, khuyết điểm

Chính phủ Đức đã vận động cho thỏa thuận T-TIP, nói rằng nó sẽ thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu và cho những công ty nhỏ và vừa cơ hội tốt hơn để cạnh tranh trên thị trường thế giới, trong khi giảm tình trạng quan liêu.

Người biểu tình đeo mặt nạ ông Obama và bà Merkel phản đối thỏa thuận thương mại tự do T-TIP tại hội chợ Hannover Messe ở thành phố Hannover, Đức, ngày 24 tháng 4, 2016.
Người biểu tình đeo mặt nạ ông Obama và bà Merkel phản đối thỏa thuận thương mại tự do T-TIP tại hội chợ Hannover Messe ở thành phố Hannover, Đức, ngày 24 tháng 4, 2016.

Những người phản đối đã chỉ trích điều mà họ nhìn nhận là những cuộc thương thuyết thiếu minh bạch được thực hiện ngoài sự giám sát của công chúng, và họ sợ rằng thỏa thuận này sẽ trao quá nhiều quyền lực cho những công ty đa quốc gia lớn trong khi gây tổn hại cho người tiêu dùng và người lao động.

Giới chức ước tính thỏa thuận Mỹ-Châu Âu sẽ bổ sung 100 tỉ đôla mỗi năm vào những nền kinh tế ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Ông Obama lập luận rằng một số người phản đối thỏa thuận này vì họ "bất an bởi sự toàn cầu hóa," nhưng hầu hết "mọi người công nhận rằng, xét cho cùng thì đó là một ý tưởng hay." Ông dự đoán một thỏa thuận có thể đạt được trước khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1, dù sẽ mất nhiều thời gian để phê chuẩn.

Mỹ sẽ "nỗ lực hết sức" để đạt được một thỏa thuận trong năm nay, ông nói sau buổi khai mạc hoành tráng Hannover Messe, một hội chợ thương mại quy mô lớn cho công nghệ trong ngành công nghiệp.

Liên minh Châu Âu và Mỹ đã đàm phán kể từ năm 2013, và những người ủng hộ hy vọng thỏa thuận T-TIP sẽ đạt được đà tiến khi mà giờ đây Mỹ, Nhật Bản và những nước ven Thái Bình Dương khác đã nhất trí về một thỏa thuận riêng biệt.

Ông Obama bắt đầu chuyến công du hai ngày bằng việc hội đàm với bà Merkel về một loạt những vấn đề toàn cầu cấp bách, bao gồm chủ nghĩa khủng bố, cuộc khủng hoảng di dân ở Châu Âu và an ninh xuyên Đại Tây Dương.

Ông Obama và bà Merkel hội đàm tại Dinh Schloss Herrenhausen ở Hannover, Đức, ngày 24 tháng 4, 2016.
Ông Obama và bà Merkel hội đàm tại Dinh Schloss Herrenhausen ở Hannover, Đức, ngày 24 tháng 4, 2016.

Chủ nghĩa khủng bố

Về chủ nghĩa khủng bố, ông Obama nói rằng Mỹ và Đức quyết sử dụng tất cả "những công cụ mà mình có sẵn để ngăn chặn những kẻ khủng bố hoạch định những vụ tấn công."

Đức là một nước thành viên trong liên minh do Mỹ dẫn đầu chống lại Nhà nước Hồi giáo.

Ông Obama cho biết hai người đã thảo luận thêm những bước mà NATO có thể thực hiện để hỗ trợ chiến dịch này và hỗ trợ kinh tế mà G-7 có thể cam kết trong hội nghị thượng đỉnh tại Nhật Bản vào tháng sau.

Bà Merkel nói dù bà ủng hộ một "vùng an toàn" ở Syria, bà hy vọng cuộc đàm phán hòa bình diễn ra ở Geneva có thể mở đường cho một khu vực nhân đạo cho người tị nạn.

Ông Obama cho biết một khu vực an toàn ở Syria sẽ là khó khăn nếu không có một cam kết quân sự lớn. Ông nói thêm vấn đề "không phải là sự phản đối về tư tưởng," mà là "một vấn đề rất thực tế là làm việc đó như thế nào."

Cả hai nhà lãnh đạo bày tỏ lo ngại về thỏa thuận ngừng bắn ở Syria đã không duy trì trong những ngày gần đây.

"Chúng tôi vẫn tin rằng giải pháp lâu dài duy nhất là một giải pháp chính trị đưa Syria tới một chính phủ đa thành phần đại diện tất cả người dân Syria," ông Obama nói.

Ukraine

Tại Ukraine, "đáng tiếc là chúng ta không có một sự ngừng bắn ổn định," bà Merkel nói, và hối thúc Ukraine và Nga tuân thủ đầy đủ những thỏa thuận Minsk "nhanh nhất có thể."

Họ cũng đã thảo luận về tầm quan trọng của việc hậu thuẫn một chính phủ đoàn kết mong manh ở Libya.

Ngày thứ Hai, bà Merkel và Tổng thống Obama sẽ hội đàm với những người đồng cấp của họ từ Anh, Pháp và Ý.

Các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về "hàng loạt những thách thức mà chúng tôi đối mặt cùng nhau," ông Obama nói với báo giới.

Các quan chức Tòa Bạch Ốc nói rằng cuộc họp sẽ bao gồm cuộc hội đàm về hội nghị thượng đỉnh NATO ở Warszawa vào tháng 7.

Ông Obama nói với việc Châu Âu đang phải đối mặt với áp lực gia tăng từ phía nam và việc Nga đang chi tiêu quyết liệt cho lĩnh vực quân sự, điều quan trọng là những thành viên NATO đáp ứng nghĩa vụ liên minh của mình.

Ông Obama sẽ khép lại chuyến thăm với một bài phát biểu hôm thứ Hai phác thảo viễn kiến của ông cho tương lai mối quan hệ Mỹ-Châu Âu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG