Đường dẫn truy cập

Tổng thống Trump ký luật chế tài Nga, nhưng chỉ trích có ‘nhiều sai sót’


Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Phòng Roosevelt, Tòa Bạch ốc ngày 2/8/2017 về luật giảm di dân nhập cư hợp pháp.
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Phòng Roosevelt, Tòa Bạch ốc ngày 2/8/2017 về luật giảm di dân nhập cư hợp pháp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thành luật những chế tài mới nhắm vào Nga hôm thứ Tư 2/8, nhưng ông đả kích luật này là xâm phạm quyền hạn của ông trong việc định hình chính sách đối ngoại, và nói rằng ông có thể đạt được "thỏa thuận tốt hơn nhiều" với các chính phủ hơn là Quốc hội.

Sau khi ký dự luật mà Quốc hội đã thông qua với tỉ lệ áp đảo trong tuần rồi và điều này trái với mong muốn cải thiện quan hệ với Moscow của ông Trump, vị tổng thống Đảng Cộng hòa nêu ra một danh sách dài những lo ngại.

Những chỉ trích của ông nhắm vào các chế tài, vốn cũng ảnh hưởng đến Iran và Bắc Triều Tiên, đặt ra nghi vấn về việc ông Trump đã chuẩn bị tới mức nào để thực thi các biện pháp này và theo đuổi hành động chống lại Nga.

"Dù tôi ủng hộ các biện pháp cứng rắn để trừng phạt và răn đe các hành vi hung hăng và làm mất ổn định của Iran, Bắc Triều Tiên và Nga, luật này có sai sót đáng kể," ông Trump nói trong một tuyên bố chính thức ký ban hành.

Ông Trump bị trói tay sau khi Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua luật này hôm thứ Năm tuần trước với tỉ cách biệt lớn tới mức nó sẽ ngăn cản bất kỳ nỗ lực nào của ông phủ quyết dự luật.

Trong tuyên bố, ông Trump phàn nàn về điều mà ông nói là "những điều khoản rõ ràng là vi hiến" trong luật này liên quan đến quyền hạn của tổng thống trong việc định hình chính sách đối ngoại.

Luật mới này là chính sách đối ngoại lớn đầu tiên được Quốc hội chuẩn thuận kể từ khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1. Nó bao gồm một điều khoản cho phép Quốc hội chấm dứt bất kỳ nỗ lực nào của Tổng thống nhằm giảm nhẹ những chế tài hiện hành đối với Nga.

Tuần này Moscow đã trả đủa bằng cách yêu cầu Mỹ cắt bớt 755 nhà ngoại giao và nhân viên tòa đại sứ và lãnh sự của Mỹ tại Nga.

Tổng thống Trump ký luật chế tài mới trong lúc Phó Tổng thống Mike Pence đang công du Tây Balkan. Ông Pence nói với các nước Balkan rằng tương lai của họ “thuộc về phương Tây,” và gọi Nga “là một nước khó đoán” đã có những hành động để gây bất ổn định trong vùng.

Ông Pence trong một động thái ủng hộ các đồng minh Hoa Kỳ đang cảnh giác trước việc Nga chiếm bán đảo Crimea của Ukraine và hậu thuẫn cho các phần tử đòi ly khai tại miền đông Ukraine, đã nói là Hoa Kỳ muốn có “một mối quan hệ xây dựng” với Moscow. Tuy nhiên ông nói là Hoa Kỳ chỉ gở bỏ các chế tài đối với Nga khi nước này đảo ngược các việc làm trước đây và chấm dứt “những hoạt động làm mất ổn định.”

Phát biểu tại Podgorica, thủ đô của Montenegro, ông Pence nói “Nga tiếp tục theo đuổi âm mưu vẽ lại ranh giới quốc tế bằng vũ lực và ranh giới tại tây Balkan này. Nga đã gây bất ổn cho vùng này, phá hoại nền dân chủ của các bạn và gây chia rẽ giữa các bạn và phần còn lại của châu Âu.”

Montenegro nhỏ bé, nằm dọc theo bờ biển phía đông Adriatic, gia nhập NATO vào tháng 6 năm nay, nhưng là một đồng minh truyền thống của Moscow tại Balkan trước đây. Ông Pence, giới chức cao cấp nhất của Mỹ viếng thăm Montenegro trong vòng 100 năm nay, nói Nga đã tìm cách ngăn cản nước này gia nhập Liên minh quân sự phương Tây được thành lập sau Thế Chiến Thứ Hai là một thành trì chống lại sự xâm lấn của Nga.

“Chúng tôi thực sự tin tưởng là tương lai của Tây Balkans là ở phương Tây,” ông Pence nói.

“Ý định của Nga được phơi bày rõ ràng trong năm qua, ông Pence nói, “khi những nhân viên hoạt vụ được Moscow ủng hộ tìm cách làm gián đoạn cuộc bầu cử của Montenegro, tấn công quốc hội của các bạn và ngay cả âm mưu ám sát Thủ tướng của các bạn để làm nản lòng người dân Montenegro gia nhập Liên minh NATO của chúng ta.” Moscow phủ nhận việc can thiệp vào Montenegro.

Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic nói chuyến viếng thăm của ông Pence cho thấy các nước NATO được đối xử đồng đều bất kể lớn hay nhỏ.

“Chúng tôi gắn kết định mệnh của chúng tôi với những giá trị được tăng tiến và được bảo vệ bởi Liên minh này và việc này không thể nào đảo ngược được,” ông Markovic nói.

Trong khi nói về những hành động của Nga tại châu Âu, ông Pence không đề cập đến kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ là đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đạo chiến dịch giúp ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG