Đường dẫn truy cập

TQ vận động để lãnh đạo quân đội Myanmar dự họp thượng đỉnh, ASEAN phản đối


Nhà ngoại giao Trung Quốc Sun Guoxaing gặp Tướng Myanmar Aung Hlaing, tháng 11/2021.
Nhà ngoại giao Trung Quốc Sun Guoxaing gặp Tướng Myanmar Aung Hlaing, tháng 11/2021.

Tin độc quyền của Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết hôm thứ Năm 18/11 rằng một đặc phái viên Trung Quốc vận động các quốc gia Đông Nam Á để nhà cầm quyền quân sự của Myanmar được tham dự một hội nghị thượng đỉnh khu vực, do chủ tịch Trung Quốc chủ trì vào tuần tới, nhưng vấp phải sự phản đối gay gắt.

Tư cách của Myanmar là thành viên của hiệp hội 10 nước Đông Nam Á (ASEAN) đã trở thành tâm điểm chú ý sau cuộc đảo chính hôm 1/2, khi quân đội Myanmar lật đổ chính phủ dân bầu của khôi nguyên giải Nobel Aung San Suu Kyi, gây ra tình trạng hỗn loạn đẫm máu.

Một số nước thành viên ASEAN bất bình về việc khủng hoảng lại nổ ra và về hoạt động đàn áp dân chủ ở Myanmar, và đã cố gây áp lực lên các tướng lĩnh của nước này bằng cách loại họ ra khỏi các cuộc họp ASEAN.

Với một quyết định chưa từng có hồi tháng 10, các nhà lãnh đạo ASEAN không cho người đứng đầu quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing, tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN sau khi ông này không thực hiện cam kết cho phép một đặc phái viên ASEAN gặp các nhà lập pháp bị lật đổ trong cuộc đảo chính.

Thay vào đó, các nhà lãnh đạo ASEAN nói rằng cần mời một nhân vật phi chính trị của Myanmar tham dự. Rốt cuộc, không có đại diện nào của Myanmar có mặt.

Bốn nguồn tin ngoại giao và chính trị trong khu vực cho biết Indonesia, Brunei, Malaysia và Singapore muốn rằng ông Min Aung Hlaing không được tham dự hội nghị Trung Quốc-ASEAN vào ngày 22/11 do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình làm chủ nhà.

"Malaysia, Indonesia, Singapore và Brunei đều nhất trí duy trì lập trường như tại hội nghị cấp cao ASEAN", một nguồn tin giấu tên thuộc chính phủ của một quốc gia ASEAN cho biết, đề cập đến yêu cầu là Myanmar chỉ có thể có đại diện là một nhân vật phi chính trị.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah, xác nhận lập trường vững chắc của họ về nhân vật phi chính trị làm đại diện cho Myanmar.

Trong số những nước ASEAN chỉ trích Myanmar, Indonesia thuộc nhóm có tiếng nói thẳng thắn, rõ ràng nhất, với việc Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, Retno Marsudi, phát biểu rằng không chấp nhận việc Myanmar có đại diện chính trị cho đến khi nước này khôi phục nền dân chủ.

Một nhà ngoại giao trong khu vực nắm thông tin về nỗ lực vận động hành lang của Trung Quốc cho biết Đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề châu Á Sun Guoxiang (Tôn Quốc Tường) đã đến thăm Singapore và Brunei vào tuần trước nhưng được thông báo rằng ông Ming Aung Hlaing không được tham gia hội nghị thượng đỉnh qua mạng.

Ông Sun, đối mặt với sự phản đối của ASEAN, sau đó nói với ông Min Aung Hlaing tại một cuộc họp ở thủ đô Naypyidaw của Myanmar vào cuối tuần rằng Trung Quốc phải chấp nhận lập trường của ASEAN.

Trong nhiều thập kỷ, ASEAN được biết tiếng về chính sách gắn kết và không can thiệp, nhưng cuộc đảo chính của Myanmar đã làm thay đổi điều đó.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG