Đường dẫn truy cập

Tranh cãi xung quanh phiên xử luận tội ông Trump


Dân biểu Jamie Raskin trao điều khoản luận tội cựu Tổng thống Donald Trump
Dân biểu Jamie Raskin trao điều khoản luận tội cựu Tổng thống Donald Trump

Đa số người Mỹ trả lời một cuộc thăm dò gần đây cho biết họ ủng hộ Thượng viện kết tội cựu Tổng thống Donald Trump và cấm ông giữ chức vụ liên bang lần nữa trong khi các cử tri gốc Việt có ý kiến trái ngược nhau về việc này.

Theo cuộc thăm dò của ABC News/Ipsos công bố hôm 7/2, 56% người Mỹ tham gia cho rằng ông Trump nên bị kết tội và bị cấm đảm nhiệm chức vụ công cử sau này, trong khi 43% có ý kiến ngược lại.

So với phiên xét xử luận tội đầu tiên cách nay hơn một năm, sự ủng hộ của dân chúng đối với việc Thượng viện kết tội ông Trump hiện nay cao hơn. Trong cuộc thăm dò của ABC News/Washington Post được công bố hồi cuối tháng 1 năm 2020, khi phiên tòa luận tội lần đầu đang diễn ra nhưng chưa đến khi bỏ phiếu, 47% người Mỹ nói rằng Thượng viện nên bỏ phiếu để truất phế ông Trump trong khi 49% nói rằng ông không nên bị cách chức.

Vào ngày 13/1, ông Trump đã trở thành Tổng thống đầu tiên bị Hạ viện đàn hặc hai lần, khi đa số dân biểu bỏ phiếu ủng hộ buộc tội ông ‘kích động phản loạn’ do có vai trò trong vụ bạo động tấn công vào Điện Capitol hôm 6/1.

Một điểm khác biệt chính giữa phiên xét xử luận tội lần này và phiên đầu tiên là ông Trump không còn là Tổng thống và do đó không thể bị cách chức. Vì lẽ này, 45/50 Thượng nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện đã lên tiếng cho rằng phiên tòa là vi hiến. Tuy nhiên, phe Dân chủ lập luận nếu không buộc ông Trump chịu trách nhiệm sẽ gửi tín hiệu cho các Tổng thống tương lai rằng họ có thể tránh trừng phạt miễn là họ gần kết thúc nhiệm kỳ.

Sẽ cần 67 Thượng nghị sĩ bỏ phiếu để kết tội ông Trump, nghĩa là phải có 17 Thượng nghị sĩ bên Cộng hòa đứng về phe 50 đồng nghiệp bên Dân chủ. Nếu có đủ số Thượng nghị sĩ bỏ phiếu để kết tội, Thượng viện có thể tổ chức cuộc bỏ phiếu thứ hai để cấm ông Trump giữ chức vụ liên bang một lần nữa. Để làm được điều này chỉ cần có đa số thôngthường.

Một số Thượng nghị sĩ Cộng hòa nói họ nghĩ ông Trump đã phạm phải một tội đáng bị luận tội. Tuy nhiên, chưa ai nói dứt khoát rằng họ sẽ bỏ phiếu kết tội cựu Tổng thống. Không giống lần luận tội đầu tiên khi không có dân biểu Cộng hòa nào bỏ phiếu luận tội ông Trump ở Hạ viện, lần này 10 dân biểu Cộng hòa đã đứng cùng phía với các dân biểu Dân chủ.

‘Không ai được đứng trên pháp luật’

Từ thủ đô Washington D.C., anh Quinton Tăng, một nhà tư vấn kinh doanh, nói với VOA rằng anh ‘hoàn toàn ủng hộ việc kết tội ông Trump kích động bạo loạn’ để ‘buộc ông phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.’

“Khi ai đó bị bắt quả tang, họ quay lại yêu cầu mọi người tha thứ. Tôi cho rằng nếu mọi người bỏ qua thì nó sẽ đặt ra một tiền lệ vô cùng xấu cho đất nước chúng ta và sẽ không ngăn được người khác làm y chang như vậy hết lần này đến lần khác,” anh Tăng chia sẻ bằng tiếng Anh vì không rành tiếng Việt.

Anh lập luận rằng việc bỏ qua, không kết tội ông Trump có thể chiều lòng một số người nhưng lại làm những người khác nổi giận nên ‘không thể coi là hành động đoàn kết người Mỹ’. Cho nên, trong vấn đề này, Thượng viện nên làm điều đúng đắn là ‘xử tội ông Trump’, anh nói.

Anh cũng phản bác lập luận của Đảng Cộng hòa rằng xét xử để cách chức một Tổng thống đã mãn nhiệm là vi hiến vì, theo anh, nước Mỹ đã từng có tiền lệ Thượng viện xét xử và kết tội một Bộ trưởng Chiến tranh sau khi ông này đã rời nhiệm sở.

Về cáo buộc của Đảng Cộng hòa rằng động cơ của phe Dân chủ trong phiên tòa này là ‘ngăn ông Trump ra tranh cử nhiệm kỳ hai’, anh Tăng thừa nhận bản thân anh không muốn thấy ông Trump ra tranh cử một lần nữa. “Nhưng đó không phải vì lý do đảng phái hay bởi vì sợ ông ấy sẽ chiến thắng mà là vì khi một người không chịu rời chức vụ thì người đó là kẻ thù của đất nước và do đó không nên được phép ra tranh cử nữa,” anh giải thích.

“Ông ta đã nói rất nhiều lần là kêu gọi mọi người tiến đến Điện Capitol để thuyết phục phe Cộng hòa trong Quốc hội phải bỏ phiếu đảo ngược kết quả bầu cử. Đó chính xác là những gì ông ấy đã làm,” anh nói. “Mọi người có thể tự quyết định cho mình khi xem đoạn diễn văn đó nhưng theo cách nhìn của tôi, giọng điệu của ông Trump là hung hăng và nảy lửa,” cử tri này đề cập tới bài diễn văn hôm 6/1 của ông Trump trước các ủng hộ viên.

Anh cũng không đồng ý lập luận không nên tổ chức phiên tòa này vì đã biết trước không đi đến đâu khi không hội đủ số phiếu của phe Cộng hòa để kết tội ông Trump. Theo lý giải của anh thì phiên tòa này cũng là ‘phán quyết đối với chính Đảng Cộng hòa’.

‘Thành kiến với ông Trump’

Trái với anh Quinton Tang, ông Nguyễn Văn Lương, một chuyên gia kinh tế tại bang Florida, lên án động cơ của Đảng Dân chủ trong phiên tòa luận tội lần hai này là ‘cản trở ông Trump ra tái ứng cử mà thôi’.

Theo lời ông Lương thì vụ bạo loạn ngày 6/1 là ‘có sự dàn dựng’. “Có hình ảnh cho thấy cảnh sát mở hàng rào cho người dân đi vào,” ông chỉ ra.

“Tôi thấy rõ ràng có sự hướng dẫn đi vào chứ không phải người dân đập phá đi vào,” ông nói.

“Ông Trump chỉ nói là xảy ra gian lận mà thôi và người dân chỉ muốn đến để yểm trợ cho ông Trump trong nỗ lực đòi Quốc hội chứng minh có gian lận bầu cử chứ không phải để bạo loạn,” ông giải thích và cho biết nếu ông có mặt trong cuộc tuần hành hôm đó và nghe lời kêu gọi của ông Trump thì ông ‘cũng tự động đi đến Quốc hội để xem Quốc hội làm gì chứ không phải để phá hoại’.

Ông Lương cho rằng ông Trump không phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại nhân mạng trong vụ bạo loạn vì ‘những người đó bị cảnh sát bắn hay bị các vấn đề y tế mà chết chứ không phải vì bạo loạn mà chết như trong các cuộc tuần hành Black Lives Matter,’ nhắc tới các vụ đập phá hôi của đi kèm trong các cuộc biểu tình đòi công lý sắc tộc gần đây tại Mỹ.

Chuyên gia kinh tế này nói ông ‘bất mãn’ với các dân biểu Cộng hòa đã bỏ phiếu luận tội ông Trump ở Hạ viện là nếu những vị này đại diện cho chỗ ông thì ông ‘sẽ không bầu cho họ’. “Tôi tán thành Đảng Cộng hòa ở Wyoming đòi tẩy chay bà Liz Cheney vì đã bỏ phiếu luận tội ông Trump,” ông nói.

“Không ai được đứng trên pháp luật, nhưng vụ xử ông Trump là thành kiến của Đảng Dân chủ,” ông Lương lập luận. “Tôi thách họ đem ông Barack Obama và bà Hillary Clinton ra xử vì vụ lãnh sự quán Mỹ bị tấn công ở Benghazi.”

Khi được hỏi về di sản của ông Trump có bị hoen ố hay không khi trở thành vị Tổng thống đầu tiên bị luận tội hai lần, ông Lương nói: “Đối với tôi hai lần đàn hạch hay mười lần bị đàn hạch cũng chỉ làm ông Trump mạnh mẽ hơn, có giá trị hơn.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG