Đường dẫn truy cập

Tranh chấp hối suất Mỹ-Trung Quốc (1)


Tranh chấp hối suất Mỹ-Trung Quốc (1)
Tranh chấp hối suất Mỹ-Trung Quốc (1)

Từ nhiều năm qua, Washington vẫn đòi Bắc Kinh phải nâng giá đồng nguyên để Mỹ giảm được số thâm hụt cán cân thương mại với Trung Quốc. Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cho phép Tổng thống Obama tăng thuế nhập khẩu đánh vào những mặt hàng Trung Quốc. Nếu được Thượng viện thông qua, Washington hy vọng sẽ ép Bắc Kinh phải thả nổi cho giá đồng tiền của họ tăng lên so với đô la Mỹ, giúp cán cân thương mại Mỹ-Trung Quốc cân bằng hơn.

Bắc Kinh biết tình hình đang căng thẳng, đã tìm mọi cách tạo không khí hòa dịu. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo xuất hiện tại New York nhân dịp họp Liên Hiệp Quốc, nói ông rất lạc quan tin tưởng rằng giữa Mỹ và Trung Quốc không thể nào xẩy ra “chiến tranh thương mại.” Ông Ôn Gia Bảo còn nhắc đi nhắc lại rằng: “Chúng ta không có một lý do nào để kéo lui mối giao hảo Mỹ-Hoa; trái lại, có hàng vạn lý do để các quan hệ phải chặt chẽ hơn.” Một cách cụ thể, ông Ôn Gia Bảo nói, khi Trung Quốc xuất cảng hàng sang Mỹ thì có hai giới được lợi lộc. Thứ nhất là các công ty Mỹ đã thiết lập nhà máy sản xuất ở Trung Quốc sẽ kiếm thêm lời; thứ nhì là người tiêu thụ ở Mỹ được mua hàng hóa với giá rẻ.

Nhiều dân biểu, nghị sĩ Mỹ lại chỉ lo về tỷ lệ thất nghiệp đang rất cao (9.6%). Họ nghĩ lý do chính khiến nhiều công nhân Mỹ mất việc làm là hàng Trung Quốc quá rẻ khiến cho các xí nghiệp Mỹ không thể cạnh tranh phải đóng cửa. Có người tính toán cho rằng tình trạng thâm thủng thương mại với Trung Quốc đã khiến 20 triệu công nhân Mỹ mất việc! Một dân biểu bác bỏ lời dỗ dành “được mua hàng rẻ” của ông Ôn Gia Bảo, hỏi ngược lại: “Khi bị mất việc rồi thì tiền đâu nữa mà mua hàng rẻ?” Theo quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một quốc gia mà trợ cấp cho các nhà xuất cảng của họ để có thể xuất cảng hàng giá rẻ thì nước bị thiệt khác có quyền trả đũa bằng cách đánh thuế trên các món hàng nhập cảng này. Dự luật của Hạ viện Mỹ cho phép chính phủ “kết tội Trung Quốc đang trợ cấp hàng xuất cảng” vì họ đã “trợ cấp một cách gián tiếp” khi can thiệp vào thị trường hối đoái để giữ không cho giá đồng nguyên tăng lên theo luật cung cầu.

Cán cân thương mại Mỹ thâm thủng vì mua hàng Trung Quốc nhiều gấp 4 lần số bán hàng cho họ. Trong 7 tháng đầu năm 2010, số nhập cảng hàng Trung Quốc trị giá 193 tỷ, trong khi chỉ xuất cảng gần 49 tỷ; trung bình mỗi tháng khiếm hụt 20 tỷ. Riêng trong tháng 6, số thâm thủng mậu dịch lên tới trên 26 tỷ đô la. Nếu đồng nhân dân tệ lên giá so với đô la, hàng Trung Quốc bán sang Mỹ giá sẽ đắt hơn, dân Mỹ sẽ nhập cảng ít hơn. Hiện nay giá đồng nguyên rẻ như bây giờ bởi vì chính phủ Bắc Kinh bỏ tiền ra mua đô la, dìm giá tiền của họ xuống. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nói, nếu đồng nguyên được tự do lên xuống theo thị trường hối đoái, thì “…hàng triệu người Mỹ sẽ có công việc làm, và số thâm thủng về thương mại sẽ giảm được hàng trăm tỷ đô la mỗi năm.” Nhưng nếu Mỹ đánh thuế nhập cảng trên hàng Trung Quốc nặng hơn, Trung Quốc sẽ đánh thuế trả đũa trên hàng Mỹ nhập cảng tìm cách cân bằng. Đây là một cuộc chiến thương mại. Theo Globe and Mail (11-10-2010), Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF nay có thêm nhiệm vụ “giữ hoà bình”[i]. Khó khăn trước mắt là bàn cờ kinh tế thế giới có những thay đổi sâu sắc: những quốc gia đang lên như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil… chưa có chỗ đứng trong cơ chế IMF, và vị thế lung lay của những cường quốc kinh tế từ cuộc suy trầm vì khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến đã từng có những thăm dò và thảo luận về một “rổ” tiền tệ quốc tế để phụ trợ (bước đầu) và thay thế (từng bước sau này) đồng đô la Mỹ trong thanh khoản thương mại trên thế giới.

Tại sao các đại biểu Mỹ chọn lúc này để đòi Bắc Kinh nâng giá đồng nguyên? Chưa đầy một tháng nữa dân Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu cử Quốc hội, và các dân biểu đều muốn khoe với các cử tri rằng họ tích cực bảo vệ việc làm của công nhân Mỹ. Nhưng có phải hễ đồng nguyên lên giá thì Mỹ sẽ bớt thâm thủng thương mại, và công nhân Mỹ sẽ có thêm việc làm không? Nhiều nhà kinh tế tin, như bà Pelosi mới lập lại, rằng nếu chính phủ Bắc Kinh không can thiệp vào thị trường hối đoái để dìm giá tiền của họ, thì cán cân thương mại của Mỹ sẽ cân bằng hơn – và công nhân Mỹ sẽ bớt thất nghiệp.

Nhưng có chắc việc tăng giá đồng tiền Trung Quốc sẽ giúp cho cán cân thương mại của Mỹ cân bằng hơn không? Nếu đồng nguyên lên giá, hàng Trung Quốc đắt hơn, thì các nhà nhập cảng Mỹ sẽ đi mua hàng ở các nước khác, thí dụ Việt Nam, Bangladesh, Miến Ðiện, vân vân, nơi lương bổng công nhân còn rẻ hơn bên Trung Quốc. Nước Mỹ có thể bớt thâm hụt thương mại đối với Trung Quốc, nhưng sẽ tăng thâm hụt đối với nước khác! Mặt xuất cảng cũng vậy. Nếu đồng nguyên lên giá, hàng của Mỹ sẽ dễ bán hơn. Do đó, các nhà xuất cảng Mỹ sẽ bán được nhiều hơn, các công nhân Mỹ sẽ thêm việc làm. Nhưng khi đồng nguyên lên giá thì cũng lên giá chung đối với các ngoại tệ khác nữa, hàng hóa của các nước như Ðức, Nhật, sẽ đều được tính giá rẻ hơn, không khác gì hàng của Mỹ. Như vậy thì các công ty xuất cảng của Mỹ bán được nhiều hay không vẫn còn tùy thuộc vào khả năng cạnh tranh của họ đối với các công ty Ðức, Nhật, chứ không phải chỉ vì trị giá đồng nguyên mà thôi.

Tóm lại, việc tăng giá đồng nguyên có thể giúp cho cán cân thương mại của Mỹ bớt thâm hụt đối với Trung Quốc, nhưng sẽ không có gì chắc chắn. Nhưng nếu hai nước lâm vào một cuộc chiến tranh mậu dịch thì cả hai sẽ thiệt hại. Ông Ôn Gia Bảo không ngần ngại báo trước rằng nếu Mỹ và Trung Hoa chạy đua đánh thuế hàng nhập nặng hơn thì kinh tế Trung Quốc sẽ suy sụp, có thêm hàng chục đến hàng trăm triệu công nhân Trung Hoa thất nghiệp. Trung Quốc sẽ giảm xây cất, ngưng mua máy móc của Mỹ, Âu châu hay Nhật Bản. Hệ quả là kinh tế toàn thế giới sẽ kéo nhau sa lầy vào một cuộc khủng hoảng mới.

[i] ‘’IMF takes on peacekeeping role in global “currency war’’, Monday's Globe and Mail, published Sunday, Oct. 10, 2010

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG