Đường dẫn truy cập

Triều Tiên, thương mại đứng đầu nghị trình khi Trump thăm Trung Quốc


Ảnh Tư liệu: TT Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Ảnh Tư liệu: TT Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần tới sẽ lần đầu tiên tới Trung Quốc, một chặng dừng chân quan trọng trong chuyến công du châu Á của ông. Dự kiến vấn đề thương mại và Triều Tiên sẽ đứng đầu chương trình nghị sự của ông Trump tại Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc bày tỏ tin tưởng rằng chuyến đi có thể mang lại một số kết quả quan trọng, nhưng các nhà phân tích tại Trung Quốc nói kết quả về phần lớn sẽ phụ thuộc vào lối tiếp cận của ông Trump. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Bill Ide của VOA gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.

Nhiều điều đã thay đổi từ khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau lần đầu tiên ở bang Florida hồi đầu năm nay, tuy nhiên cũng có một số điều không thay đổi.

Thương mại vẫn là một vấn đề lớn. Vài ngày trước khi lên đường, ông Trump miêu tả mức thâm hụt trong cán cân mậu dịch của Mỹ so với Trung Quốc là "đáng xấu hổ và khủng khiếp".

Vấn đề Triều Tiên đã vươn lên để chiếm vị trí hàng đầu trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Trong chuyến thăm, Tổng thống Trump sẽ tìm cách hối thúc Bắc Kinh làm nhiều hơn để thuyết phục Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói có những giới hạn đối với Trung Quốc có thể tiến xa tới đâu, họ lưu ý rằng Bắc Kinh gần đây đã ủng hộ một số biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất từ trước tới nay chống lại Bình Nhưỡng.

Ông Shi Yinhong – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Renmin ở Bắc Kinh, nhận định:

"Trung Quốc có thể đề xuất một số nhượng bộ thương mại hạn chế nhưng vẫn đáng kể cho ông Trump, những nhượng bộ này sẽ không làm tổn thương nền kinh tế và tài chính Trung Quốc".

Ông Tập Cận Bình, gần đây đã củng cố vị thế trong cương vị nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc từ sau Mao Trạch Đông, sẽ tìm cách tạo ra một bầu không khí tốt đẹp để chứng minh ông là một nhà lãnh đạo thế giới thành công.

Ông Shi Yinhong thuộc Đại học Renmin phát biểu:

"Trung Quốc cũng muốn thuyết phục ông Trump đừng quá thường xuyên lên tiếng hăm dọa tấn công quân sự Triều Tiên vì làm như vậy sẽ phản tác dụng, và càng kích động ông Kim Jong Un leo thang các hoạt động hạt nhân và tên lửa hơn nữa".

Trên các đường phố Bắc Kinh, một số người bày tỏ quan ngại về Triều Tiên và mối đe doạ do nước này đặt ra cho Trung Quốc và cho khu vực.

Ông Liu, một nhân viên ngành tài chính nói:

"Nếu có thể, chúng ta nên dùng các phương tiện hoà bình để đối phó với ông Kim Jong Un, nhưng nếu ông ta khăng khăng chống lại thế giới và đòi sử dụng vũ lực đòi hủy diệt người khác, thì điều duy nhất mà tất cả chúng ta có thể làm, là dụng vũ lực tiêu diệt ông ta."

Tuy nhiên đối với hầu hết mọi người, thìcác chính sách nhập cư và thị thực nhập cảnh vào Hoa Kỳ dưới quyền ông Trump là mối quan tâm lớn hơn - một số hy vọng vấn đề này sẽ được cải thiện trong chuyến thăm lần này.

Anh Zhang, một sinh viên tốt nghiệp, nói:

"Rất nhiều bạn đồng học với tôi đã ra nước ngoài muốn ở lại Hoa Kỳ, sống hay làm việc ở đó, nhưng nếu ông Trump áp dụng một chính sách có tính cách bài ngoại hơn, thì sẽ khó làm được điều đó."

Ông Hao, một nhân viên khác trong ngành tài chính nói:

"Tôi nghĩ nhiều người muốn thấy chính sách cấp visa được nới lỏng hơn. Rất nhiều người muốn tới Hoa Kỳ, đây vẫn là một điểm đến hấp dẫn".

Không mấy ai nói chuyện với VOA trông đợi sẽ có một giải pháp để giải quyết chóng vánh vấn đề Triều Tiên, hoặc lấp cái hố cách biệt lớn giữa hai nước về nhiều vấn đề. Phản ứng trước lời bình luận của ông Trump về mức thâm hụt trong cán cân thương mại của Mỹ so với Trung Quốc hôm thứ Năm (2/11), Trung Quốc nói khoảng cách biệt lớn đó trong cán cân mậu dịch không phải là do Trung Quốc cố ý.

VOA Express

XS
SM
MD
LG