Đường dẫn truy cập

Trung Quốc-EU bàn chuyện lập căn cứ trên mặt trăng


Phi hành gia Mỹ Peggy Whitson trên trạm không gian quốc tế (hình do NASA cung cấp)
Phi hành gia Mỹ Peggy Whitson trên trạm không gian quốc tế (hình do NASA cung cấp)

Đại diện Trung Quốc và Cơ quan Không gian châu Âu đang thảo luận về khả năng hợp tác để đặt một căn cứ có người trên mặt trăng và những nỗ lực chung khác.

Tổng thư ký cơ quan không gian Trung Quốc, Tian Yulong, lần đầu tiết lộ về các cuộc thảo luận liên quan đến việc đặt một căn cứ trên mặt trăng với truyền thông Trung Quốc. Tin này đã được ông Pal Hvistendahl, một phát ngôn viên của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) xác nhận vào ngày thứ Tư 26 tháng 4.

Ông Johann-Dietrich Woerner, Tổng thư ký của ESA gồm 22 thành viên, mô tả đề nghị về “Làng Nguyệt” như một bệ phóng quốc tế cho các cuộc thám hiểm Sao Hỏa trong tương lai và là một cơ hội để phát triển du lịch không gian hay thậm chí là khai mỏ trên mặt trăng.

Trung Quốc tương đối chậm chân trong lĩnh vực du hành không gian nhưng đang gia tăng các chương trình kể từ chuyến bay có người lái vào không gian năm 2003, hơn 42 năm sau khi một phi hành gia Xô Viết trở thành người đầu tiên bay vào quỹ đạo trái đất.

Tuần trước, Cơ quan Quản trị Không gian Quốc gia Trung Quốc phóng một tàu không gian không người lái nhằm ráp nối với một trạm không gian không người. Trung Quốc có kế hoạch khởi sự sứ mạng thu thập mẫu vật phẩm trên mặt trăng vào cuối năm nay và sang năm sẽ tiến hành sứ mạng đầu tiên lên phía bên kia của mặt trăng để mang về các mẫu khoáng sản.

ESA hy vọng sẽ tiến hành phân tích các mẫu do phi thuyền Trung Quốc có tên là Chang'e 5 mang về trong năm nay. ESA cũng kỳ vọng sẽ đưa người lên trạm không gian Trung Quốc trong tương lai, ông Hvistendahl nói. Cả hai triển vọng này chưa được chung quyết.

Trung Quốc bị ‘cấm cửa’ trên Trạm Không gian Quốc tế, chủ yếu vì một đạo luật của Mỹ và vì các quan ngại rằng chương trình không gian của Trung Quốc có liên hệ chặt chẽ với quân sự.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG