Đường dẫn truy cập

Trung Quốc sẽ phóng hỏa tiễn ngoài khơi, có thể ở Biển Đông


Hỏa tiễn chở hàng Trường Chinh 11 sẽ được Trung Quốc sử dụng cho một vụ phóng ngoài biển đầu tiên trong năm nay.
Hỏa tiễn chở hàng Trường Chinh 11 sẽ được Trung Quốc sử dụng cho một vụ phóng ngoài biển đầu tiên trong năm nay.

Các hỏa tiễn chở hàng Trường Chinh 11 của Trung Quốc, được thiết kế để chở hàng có tải trọng 700 kilogram vào quỹ đạo trái đất tầm thấp, có thể sẽ được điều động cho vụ phóng hỏa tiễn ngoài khơi đầu tiên trong năm nay ở Biển Đông, công ty phát triển hỏa tiễn - Tập đoàn Khoa học Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc - xác nhận trong tuần này.

Hỏa tiễn cỡ trung, thực hiện phi vụ đầu tiên vào năm 2015, được thiết kế chủ yếu để đưa các vệ tinh có độ nghiêng thấp lên quỹ đạo cho các khách hàng thương mại.

Thông thường, phóng vệ tinh từ các vị trí ở trên và xung quanh đường xích đạo sẽ tạo nên đường tắt để hỏa tiễn tận dụng lực ly tâm khi trái đất đang quay, ở tốc độ xích đạo 1.674,4km/h trong chuyển động thuận hành, để giảm tiêu thụ nhiên liệu hoặc để chịu tải trọng lớn hơn.

Trung Quốc phải cậy nhờ tới các vùng biển quốc tế ở khu vực xích đạo, bởi vì lãnh thổ của nước này nằm xa về phía bắc xích đạo. Trung tâm không gian nằm xa nhất về phía nam của Trung Quốc, Bãi phóng Văn Xương trên đảo Hải Nam, cách xích đạo khoảng 2.000 km về phía bắc, ở vĩ độ 19 độ bắc.

Các nhà quan sát nói Biển Đông, đặc biệt là các vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở ngoài khơi với Philippines, Malaysia và Việt Nam, có thể là địa điểm phóng mới cho hỏa tiễn của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc bồi đắp và cải tạo các đảo nhỏ và bãi san hô, như ở Đá Vành khăn và Đá Subi vốn đang ngày càng mở rộng diện tích, có thể là những điểm bổ sung sẵn sàng cho những vụ phóng ngoài khơi này.

Tuy nhiên, những vụ phóng này có thể gây bất an cho một số nước láng giềng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở các vùng biển này, dù căng thẳng đã phần nào giảm bớt kể từ năm ngoái khi Bắc Kinh tìm cách xoa dịu Manila và Kuala Lumpur.

Bất kỳ vụ phóng thử nào ngoài khơi sẽ phải tính đến những hạn chế trong việc vận chuyển trang thiết bị cũng như biến động của biển và dòng nhiệt, và các hỏa tiễn sẽ được phóng bên trên những bệ phóng nửa nổi nửa chìm, theo Tân Hoa Xã.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG