Đường dẫn truy cập

Trung Quốc tuyên án tử hình 2 người trong vụ bạo động Tân Cương


Các nghi can bị bắt sau vụ bạo động ở Tân Cương.
Các nghi can bị bắt sau vụ bạo động ở Tân Cương.
Giới hữu trách Trung Quốc trong vùng Tân Cương đã tuyên án tử hình cho 2 người và các án tù giam cho 3 người dính líu tới vụ đụng độ gây chết người mà họ mô tả là một vụ tấn công khủng bố. Vụ bạo động hồi cuối tháng tư gây tử vong cho 21 người. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Bill Ide của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết sau phiên xử kéo dài một ngày tại thành phố Kashgar ở Tân Cương, hai bị cáo Musa Hesen và Rehman Hupur bị tuyên án tử hình về tội sát nhân và gia nhập một tổ chức khủng bố. Các bài tường thuật nói rằng Hesen là thủ lãnh và là người sáng lập tổ chức này và cũng dính líu tới các hoạt động sản xuất chất nổ trái phép.

3 bị cáo khác bị tuyên các án tù từ 9 năm đến chung thân. Báo chí không cho biết những người bị kết án là người thuộc sắc tộc nào, nhưng danh tánh của những người này cho thấy họ là người Uiguir thiểu số nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là nhóm người lâu nay vẫn thường than phiền về nạn kỳ thị của chính quyền trong khu vực hẻo lánh và đa số dân là người theo đạo Hồi.

Ông Raffaello Pantucci, một nhà phân tích của Viện nghiên cứu RUSI ở Anh, nhận định như sau về các bản án ở Tân Cương.

"Tôi nghĩ rằng các bản án này không có gì đáng ngạc nhiên, vì những bản án này phù hợp với những gì mà chúng tôi nhìn thấy trong quá khứ. Tôi cũng nghĩ rằng các bản án này phù hợp với những gì mà nhiều người đã dự kiến dựa trên sự tường thuật của báo chí nhà nước và qui mô của vụ việc mà những người bị tố cáo là đã dính líu."

Tổng cộng 19 người đã bị bắt sau vụ đụng độ hôm 23 tháng tư và dự kiến sẽ có thêm nhiều phiên xử nữa. Vụ bạo động đó gây tử vong cho 15 nhân viên cảnh sát và những viên chức cộng đồng. Báo chí ở Trung Quốc đã tường thuật rất nhiều về vụ tấn công và những đám tang diễn ra sau đó.
Nhà cầm quyền Trung Quốc kiểm soát rất chặt chẽ sự tiếp cận của các nhà báo đối với vùng Tân Cương, khiến cho việc kiểm chứng độc lập về những sự việc trong vùng này rất khó khăn.

Những người trong gia đình của những nhân viên an ninh bị thiệt mạng trong vụ đụng độ nói với báo chí Trung Quốc rằng những phần tử này định thực hiện một vụ tấn công lớn vào ngày sau đó.

Chính phủ cho biết bạo động xảy ra khi nhân viên an ninh bị tấn công khi họ điều tra những hoạt động khả nghi tại một ngôi nhà.

Tuy nhiên, một số nhân vật tranh đấu người Uighuir lưu vong nói rằng bạo động xảy ra vì nhân viên an ninh nổ súng bắn chết một thiếu niên người Uighur. Những người khác nói rằng đây là một vụ tranh chấp đã có từ lâu và liên hệ tới việc nhân viên chính quyền đòi đàn ông Uighur cạo râu và phụ nữ tháo bỏ khăn choàng đầu và che mặt.

Giáo sư Pantucci nhận xét như sau về những tin tức trái ngược nhau này.

"Sự tường thuật không giống nhau này có thể nói là một phần không thể thiếu của những sự việc xảy ra ở tỉnh Tân Cương. Chúng tôi thường xuyên nhận được những tin tức không giống nhau và khó có thể biết được một cách chính xác ai là người mói đúng. Tôi nghĩ rằng một yếu tố khác thường trong vụ này là chính phủ đã đưa ra một hình ảnh tương đối đầy đủ về những gì mà họ tin là kết quả của cuộc điều tra."

Bắc Kinh cho biết họ đang đối mặt với sự đe dọa của những tổ chức Hồi giáo cực đoan trong khu vực. Tân Cương có chung đường biên giới rất dài với các nước Trung Á, Pakistan và Afghanistan và hàng triệu người Uighur sinh sống ở đó thường xuyên than phiền về những sự hạn chế mà chính quyền Trung Quốc áp đặt lên sinh hoạt tôn giáo và văn hóa.

Trung Quốc đã chi tiêu nhiều tỉ đô la để cải thiện mức sống của các sắc dân thiểu số trong vùng và giới hữu trách nói rằng họ đối xử công bằng với những người thiểu số.

Ông Pantucci cho biết giới hữu trách ở Bắc Kinh hy vọng chiến lược của họ là tập trung vào việc siết chặt an ninh và cải thiện kinh tế sẽ tranh thủ được sự ủng hộ của các sắc dân thiểu số và sẽ mang lại hòa bình và thịnh vượng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG