Đường dẫn truy cập

Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng ‘đập tan’ quyền tự trị của Đài Loan


Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Tan Kefei.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Tan Kefei.

Trung Quốc sẵn sàng “kiên quyết đập tan bất kỳ hình thức độc lập nào của Đài Loan”, quân đội nước này cảnh cáo hôm 16/5, giữa lúc tin tức cho hay Mỹ chuẩn bị đẩy nhanh việc bán vũ khí phòng thủ và hỗ trợ quân sự cho nền dân chủ của hòn đảo tự trị.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Tan Kefei, nói trong một video đăng trên mạng rằng sự gia tăng trao đổi gần đây giữa quân đội Hoa Kỳ và quân đội Đài Loan là một “động thái cực kỳ sai lầm và nguy hiểm”.

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) “tiếp tục tăng cường huấn luyện và chuẩn bị quân sự, đồng thời sẽ kiên quyết đập tan mọi hình thức ly khai độc lập của Đài Loan cũng như những nỗ lực can thiệp từ bên ngoài, đồng thời sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”, ông Tan nói đề cập đến đồng minh thân cận nhất của Đài Loan, là Hoa Kỳ.

Trung Quốc tuyên bố hòn đảo có 23 triệu dân này là lãnh thổ của riêng mình và sẽ kiểm soát bằng vũ lực nếu cần.

Phô trương sức mạnh

Với lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất và kho phi đạn đạn đạo khổng lồ, Trung Quốc đã gia tăng các mối đe dọa bằng cách đưa máy bay và tàu chiến vào vùng biển và không phận xung quanh Đài Loan. Với hơn 2 triệu binh sĩ, PLA cũng được xếp hạng là quân đội thường trực lớn nhất thế giới, mặc dù việc vận chuyển thậm chí một phần lực lượng trong trường hợp nổ ra cuộc xâm lược được coi là một thách thức lớn về hậu cần.

Cùng với các vụ xâm nhập trên không và trên biển hàng ngày xung quanh Đài Loan, Bắc Kinh đã tổ chức các cuộc tập trận trong và xung quanh Eo biển Đài Loan chia cắt đôi bên, một phần được coi là diễn tập cho một cuộc phong tỏa hoặc xâm lược, mà khi xảy ra, sẽ gây ra hậu quả to lớn đối với an ninh và nền kinh tế trên toàn thế giới.

Những hành động như vậy có thể được coi là nỗ lực quấy rối quân đội Đài Loan và đe dọa các chính trị gia cũng như cử tri, những người sẽ bầu chọn tổng thống và cơ quan lập pháp mới tại Đài Loan vào năm tới.

Các động thái này của Trung Quốc dường như có tác dụng hạn chế. Hầu hết người Đài Loan kiên quyết ủng hộ việc duy trì tình trạng độc lập trên thực tế của họ. Các chính trị gia và các nhân vật công chúng khác từ Châu Âu và Hoa Kỳ cũng thường xuyên đến Đài Bắc để bày tỏ sự ủng hộ của họ, mặc dù các quốc gia này không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.

Phát biểu của ông Tan được đưa ra đáp câu hỏi của một phóng viên về tin nói rằng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang chuẩn bị phê duyệt thương vụ bán vũ khí trị giá 500 triệu đô la cho Đài Loan và cử hơn 100 quân nhân đến Đài Loan đánh giá các phương pháp huấn luyện và đưa ra các đề nghị để cải thiện khả năng phòng thủ của hòn đảo.

Hỗ trợ của Hoa Kỳ

Đài Loan nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ đảng Dân chủ và Cộng hòa của Hoa Kỳ. Cả hai đảng đã kêu gọi chính quyền Biden xúc tiến gần 19 tỷ đô la các mặt hàng quân sự đã được phê duyệt để bán nhưng chưa được giao cho Đài Loan.

Các quan chức chính quyền nói việc giao hàng chậm trễ là do tắc nghẽn trong sản xuất liên quan đến đại dịch COVID-19 và năng suất hạn chế cũng như nhu cầu vũ khí gia tăng để hỗ trợ Ukraine. Động thái của ông Biden sẽ cho phép xuất khẩu các mặt hàng từ kho dự trữ quân sự hiện có của Hoa Kỳ, đẩy nhanh việc cung cấp ít nhất một số khí tài mà Đài Loan cần để ngăn chặn hoặc đẩy lùi bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc.

Trong số các mặt hàng được đặt có phi đạn chống hạm Harpoon, máy bay chiến đấu F-16, phi đạn vác vai Javelin và phi đạn Stinger, Hệ thống Rốc-két Pháo binh Cơ động Cao, hay HIMARS, vốn đã trở thành một vũ khí quan trọng cho quân đội Ukraine chiến đấu với các lực lượng xâm lược của Nga.

Phát biểu của ông Tan phù hợp với giọng điệu tiêu chuẩn của Bắc Kinh về cái mà họ gọi là “lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”. Đài Loan và Trung Quốc tách rời sau cuộc nội chiến năm 1949 và Bắc Kinh coi việc đặt Đài Loan dưới sự kiểm soát của mình là chìa khóa để khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Những nỗ lực “tìm kiếm độc lập bằng cách dựa vào Hoa Kỳ” và “tìm kiếm độc lập bằng sức mạnh quân sự” là một “ngõ cụt”, ông Tan nói.

Với quan hệ Mỹ-Trung ở mức thấp lịch sử và Đài Loan không chấp nhận yêu cầu của Bắc Kinh về nhượng bộ chính trị trong việc thống nhất, mối lo ngại đang gia tăng về khả năng xảy ra xung đột mở liên quan đến cả ba bên và có thể là cả các đồng minh hiệp ước của Hoa Kỳ như Nhật Bản.

Sự hỗ trợ kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc dành cho Nga sau cuộc xâm lược Ukraine cũng làm gia tăng căng thẳng với Washington. Bắc Kinh được cho là đang điều nghiên kỹ lưỡng những thất bại quân sự của Moscow trong cuộc xung đột tại Ukraine, trong khi ý chí của phương Tây ủng hộ Kyiv được một số người coi là phép thử đối với quyết tâm đứng về phía Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc.

Diễn đàn

Liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG