Đường dẫn truy cập

Trung Quốc xiết cổ bằng nước


Ngập lụt tại Jiujiang, Trung Quốc, 13 tháng Bảy, 2020. Hình minh họa.
Ngập lụt tại Jiujiang, Trung Quốc, 13 tháng Bảy, 2020. Hình minh họa.

Gần một năm về trước, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã mạnh mẽ nêu đích danh Trung Quốc là nguyên nhân của sự thiếu hụt nước của các quốc gia thuộc hạ lưu sông Mekong [1]. Ông Pompeo nhận định rằng, các đập nước của Trung Quốc trên giòng sông này đã gây ra mực nước thấp nhất trong vòng một thập niên qua tại hạ nguồn.

Buổi họp vào ngày 1 tháng Tám năm 2019 ở cấp bộ trưởng tại Thái Lan đánh dấu một thập niên Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong (the Lower Mekong Initiative/LMI) được phối hợp giữa Hoa Kỳ và năm quốc gia Thái, Lào, Campuchia, Miến Điện và Việt Nam. Trong buổi họp này, ông Pompeo bày tỏ mối quan ngại sâu xa về những diễn biến trong thời gian qua, nhất là các hoạt động tùy tiện về việc xây đập thủy điện của Trung Quốc tập trung vào mục tiêu kiểm soát dòng nước chảy xuống hạ nguồn [2]. Pompeo cho biết, Trung Quốc quyết định tắt giòng nước chảy xuống hạ nguồn; có kế hoạch nổ mìn và nạo vét lòng sông; điều hành các cuộc tuần tra ngoài lãnh thổ; có nỗ lực thúc đẩy để xây dựng các quy tắc mới do Bắc Kinh chỉ đạo để cai quản dòng sông, do đó làm suy yếu Ủy ban sông Mekong (the Mekong River Commission/MRC).

Những nhận xét trên của Ngoại trưởng Pompeo, đặc biệt về sự lưu trữ nước và kiểm soát nguồn nước ở thượng nguồn để không cho chảy về hạ nguồn, có căn cứ không? Có dựa trên các bằng chứng khoa học không?

Tháng Tư vừa qua, dựa trên các dữ liệu vệ tinh, cơ quan quan sát nguồn nước Eyes on Earth đã tính toán dòng nước của sông Mekong bắt nguồn từ tuyết tan, độ ẩm của đất và lượng mưa [3]. Dựa trên dữ liệu gần 28 năm, từ năm 1992 đến 2019, và mực cao của nước sông hàng ngày tại Chiang Saen ở Thái Lan, và sự phối hợp với các công ty chuyên môn, kể cả phần mềm và thuật toán, và sử dụng một mô hình phỏng đoán lượng nước chảy tự nhiên, hai nhà nghiên cứu Alan Basist và Claude Williams đã tính toán lượng nước sẽ tự nhiên chảy so với số đo tại Chiang Saen. Hai tác giả đã dùng sự khác biệt trong đo lường này để tính xem số lượng nước hoặc là bị giữ lại trong các hồ chứa nước, hoặc thả ra từ lưu vực sông thượng nguồn bằng những hình thức khác.

Trung Quốc hiện đang có 11 đập nước mà họ đã xây từ thập niên 1990, và còn nhiều cái khác đang nằm trong kế hoạch xây cất. Khi đập nước lớn nhất Nouzhadu (Nọa Trát Độ, 5850 MW, có lượng nước 27,490 mét khối) của Trung Quốc được hoàn tất năm 2012 thì tạo nên sự thiếu hụt nước trong mùa mưa. Đó là điều bất thường và là bằng chứng rõ rệt nhất chứng minh sự ảnh hưởng của các đập nước tại thượng nguồn ở Trung Quốc. Lẽ ra trong mùa mưa, và nhất là khi không phải hạn hán, mực nước lẽ ra phải cao và lượng nước chảy xuống hạ nguồn, thì đó mới là điều tự nhiên. Nhưng kết quả đo lường của nghiên cứu này cho thấy không phải vậy. Hai tác giả kết luận, dựa trên dữ liệu có được, là có đến 126.44 mét chiều cao của sông đo tại Chiang Saen đã bị mất trong 28 năm qua. Hai tác giả chưa biết chiều cao này sẽ tính ra chính xác là bao nhiêu mét nước, nhưng họ sẽ công bố khi có thể.

Không lâu sau khi nghiên cứu này được công bố, Ủy ban sông Mekong MRC đã chính thức phổ biến quan điểm của họ qua bài phân tích dài 13 trang [4]. Tựu chung, MRC phê bình rằng Eyes on Earth vẫn chưa tính đến sự phức tạp của lượng mưa và dòng chảy, do đó không phản ánh các điều kiện thủy văn thực tế trong Lưu vực. MRC kết luận: “Mặc dù chúng tôi biết rằng hoạt động của các đập ở Trung Quốc gây tác động đến LMB (xem Báo cáo của MRC về Tình Trạng Lưu vực năm 2018), nhưng việc thiếu nước tại hạ nguồn sông Mekong trong năm 2019 và 2020 do ảnh hưởng chủ yếu bởi các đập này không đúng. Các đóng góp lưu lượng nước trên toàn lưu vực cần phải được phân tích.”

Nhà nghiên cứu Basist phản biện rằng tuy thời tiết là lý do chính cho nguyên nhân hạn hán năm 2019, nhưng các đập nước đã làm vấn đề tệ hơn. Basist cho rằng tất cả các nước này lẽ ra phải chảy tự nhiên xuống hạ nguồn nhưng lại bị giữ lại tại thượng nguồn, và dữ kiện cho thấy nước chảy tại Trung Quốc là cao hơn bình thường vào mùa khô, theo dữ liệu của Eyes on Earth [5]. Basist biện luận rằng các phê bình từ MRC là thiếu cơ sở, và ông cần phải giáo dục họ về chỉ số ẩm ướt (wetness index) là gì hoặc không là gì. Basist khẳng định ông chỉ nói với tính cách một nhà khoa học, và bảo vệ các dữ liệu trình bày.

Việc phê bình về phương pháp và dữ liệu của Eyes on Earth, trong đó không sử dụng dữ liệu do MRC đã trình bày trước đây, có thể là điều cần thiết. Nhưng cần thiết hơn là MRC nên học hỏi phương pháp nghiên cứu của Eyes on Earth, và sử dụng dữ liệu đang có và yêu cầu năm quốc gia thành viên và cả Trung Quốc cung cấp theo dữ liệu. Như thế MRC có thể xác định, gần xác thực nhất có thể, về tình trạng sông Mekong nói chung, và nhất là ảnh hưởng của các đập nước từ thượng nguồn lên mực nước và tình trạng chung của lưu vực hạ nguồn. Không biết MRC có thể, và có muốn, làm như thế không. Kể từ khi chính thức hoạt động trở lại năm 1995 đến nay, MRC là ủy ban làm được nhiều nghiên cứu hữu ích, nhưng cũng rất giới hạn trong các ảnh hưởng của mình lên các quốc gia thành viên. MRC cũng không ảnh hưởng bao nhiêu lên Trung Quốc, một đối tác gây ảnh hưởng đáng kể lên toàn hoạt động của sông Mekong [6]. MRC cũng không thành công trong việc thuyết phục các quốc gia thành viên tìm ra nền tảng và sự đồng thuận trong các quyết định quan trọng.

Trong khi đó, trung tâm nghiên cứu Stimson tại Washington DC biện luận rằng cách quản lý đập nước của Trung Quốc đang gây ra những thay đổi tàn phá và thất thường trong mực nước ở hạ nguồn [7]. Stimson cũng nhận định Trung Quốc lưu trữ nước đáng kể hơn so với 20 năm trước, và cách quản lý nước này trong mùa khô đã tác động đáng kể lên những hạn hán xảy ra. Trong 6 tháng năm 2019, các đập nước của Trung Quốc đã giữ lại nhiều nước đến độ họ hoàn toàn ngăn chặn mực nước sông tăng lên do gió mùa hàng năm ở Chiang Saen, điều chưa từng xảy ra từ khi có dữ liệu tính toán đến nay. Stimson cũng ủng hộ nghiên cứu và nhận định của Eyes on Earth.

Tranh luận thế nào đi nữa, điều thực tế rõ ràng là tác động khủng khiếp của tình trạng sông Mekong đối với đời sống người dân mà bao nhiêu đời sống đã phụ thuộc vào con sông này. Hơn 60 phần trăm của tiểu vùng với 340 triệu dân số tham gia vào nông nghiệp ở dạng nhỏ, cho nên sông Mekong trực tiếp hỗ trợ đời sống của 200 triệu người. Đời sống của hơn 20 phần trăm người dân Việt Nam phụ thuộc vào nó, và hàng triệu nông dân đã bị thiệt thòi trong nhiều năm qua. Cá chết, tôm chết, và nước mặn ngày càng lấn sâu vào con sông [8]. Nước mặn bình thường chỉ kéo dài một tháng, nhưng năm 2019 kéo dài đến 4 tháng, ước tính vào sâu từ 30 đến 40 cây số vào mùa khô. Nước sông trở thành mặn hơn một phần do biến đổi khí hậu, nhưng phần khác vì thiếu nước chảy từ thượng nguồn, cộng thêm bờ sông cũng bị lở và bị lún sâu hơn. Hàng ngàn người Việt ở Bến Tre và Tiền Giang bị thiếu cả nước sạch và phải đi mua nước để dùng hàng ngày [9].

Khi tìm tài liệu để viết bài này, tôi đọc được một bài viết nghiêm túc của Bảo Uyên có tên “Hạ nguồn Mekong trong cơn khát vô tận của Bắc Kinh”, đăng trên VNExpress vào ngày 4 tháng 7 năm 2019 [10]. Đây là một trong các bài báo điều tra (investigative journalism) hiếm hoi, nhưng vô cùng cần thiết, để người dân Việt Nam hiểu rõ những vấn nạn môi trường do thay đổi khí hậu cũng như do con người, mà thủ phạm chính ở đây là Trung Quốc, gây ra. Không biết bao nhiêu người trong số 20 triệu phụ thuộc đời sống vào con sông này biết và hiểu các thông tin này. Tôi tìm hiểu bài này thì thấy có 177 còm, và một còm “Đọc hết bài báo các bạn có thấy đau cho người dân mình không? Chứ mình đau lắm.” được cao nhất là 2.512 thích. Các bài viết của các cơ quan truyền thông ngoại ngữ như Al Jareeza, The Guardian, VOA, BBC, v.v… liên quan đến đề tài này thì cũng rất nhiều, nhưng người dân lại không được tiếp cận [11].

Để bảo vệ quyền lợi của mình, người dân cần có thông tin trung thực để nhận định, so sánh, cân nhắc và sau cùng lấy quyết định thích hợp nhất. Họ có được các thông tin trung thực và đầy đủ không, dù chỉ về môi trường và hoàn toàn không đụng đến chính quyền hay chính trị gì cả? Hay đụng tới Trung Quốc thì trước sau gì cũng đụng chạm quyền lợi và quyền lực không thể tránh được.

Nhà nghiên cứu Alan Basist khẳng định dữ liệu vệ tinh không nói dối đâu, và rằng Trung Quốc đang lưu lại một lượng nước khổng lồ [12].

Mượn lời của Vũ Thư Hiên thì người dân Việt Nam quả là sống như “Đêm giữa ban ngày”.

Người Việt có thể làm được gì về vấn đề này, xin quý bạn đọc theo dõi bài tiếp theo.

Tài liệu tham khảo:

1. Kay Johnson, “U.S. secretary of state criticizes China's dams on Mekong River”, Reuters, 1 August 2019.

2. Mike Pompeo, “Opening Remarks at the Lower Mekong Initiative Ministerial”, US Mission to ASEAN, 1 August 2019.

3. A. Basist & C. Williams (2020), Monitoring the quantity of water flowing through the Upper Mekong Basin under natural (unimpeded) conditions. Bangkok: Sustainable Infrastructure Partnership.

4. MRC (2020), Understanding the Mekong River’s hydrological conditions: A brief commentary note on the “Monitoring the Quantity of Water Flowing Through the Upper Mekong Basin Under Natural (Unimpeded) Conditions” study by Alan Basist and Claude Williams (2020). Vientiane: MRC Secretariat.

5. Leonie Kijewski, “China's dams exacerbated extreme drought in lower Mekong: Study”, Al Jazeera, 25 April 2020.

6. Gabriella Neusner, “Why the Mekong River Commission Matters”, The Diplomat, 7 December 2016.

7. Brian Eyler and Regan Kwan, “How China Turned Off the Tap on the Mekong River”, Stimson Centre, 13 April 2020.

8. Zoe Osborne, “The great salt drought desiccating Vietnam's Mekong Delta”, Al Jazeera, 22 April 2020.

9. Hoang Nam, “Mekong Delta struggles to find freshwater as drought, salt intrusion continue”, VN Express, 22 March 2020.

10. Bảo Uyên, “Hạ nguồn Mekong trong cơn khát vô tận của Bắc Kinh“, VNExpress, 4 July 2019.

11. Huileng Tan, “China could have choked off the Mekong and aggravated a drought, threatening the lifeline of millions in Asia”, CNBC, 27 April 2020; John Vidal, “Mekong:

a river rising”, The Guardian, 26 November 2015; Steve Sandford, “Thai Activists Raise Alarm Over New Proposed Lao Mekong Dam”, VOA, 8 June 2020; “Trung Quốc thử đập thủy điện Cảnh Hồng, ảnh hưởng hạ lưu Mekong”, VOA, 30 December 2019; Lê Viết Thọ, “Sông Mekong trong cuộc chiến tài nguyên nước”, BBC, 24 October 2019; Lê Viết Thọ, “Giải pháp cho xung đột nguồn nước trên dòng Mekong”, BBC, 6 November 2019.

12. Hannah Beech, “China Limited the Mekong’s Flow. Other Countries Suffered a Drought”, The New York Times, 13 April 2020.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG