Đường dẫn truy cập

Trung Quốc vẫn chưa chịu chia sẻ thông tin về virus corona


Hoa và khẩu trang trong Ngày Tình nhân (Valentine’s Day) tại Hong Kong (ảnh chụp ngày 14/2/2020)
Hoa và khẩu trang trong Ngày Tình nhân (Valentine’s Day) tại Hong Kong (ảnh chụp ngày 14/2/2020)

Sáu tuần sau khi loan báo việc xuất hiện của virus mới, lây nhiễm cao và đôi khi gây chết người, các chuyên gia nói Trung Quốc vẫn chưa chịu chia sẻ dữ liệu có thể giúp chế ngự được dịch bệnh.

“Trong lúc nỗ lực phát triển chiến lược kiểm soát của riêng mình, các nước đang tìm các bằng chứng xem tình hình tại Trung Quốc đang khá hơn hay tệ đi,” bà Jennifer Nuzzo, một học giả kỳ cựu tại Trung tâm An ninh Sức khỏe Johns Hopkins, nói. Tuy nhiên bằng chứng này chưa có.

“Chúng tôi vẫn chưa có tin tức cơ bản,” ông Tom Friedman, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, nói. Ông Friedman hiện đứng đầu tổ chức bất vụ lợi về y tế công cộng có tên là Resolve to Save Life.

Trong lúc một toán chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới WHO đến Trung Quốc để giúp đối phó với virus COVID-19 bùng phát từ thành phố Vũ Hán, ông Friedman nói “Chúng tôi hy vọng thông tin sẽ được phơi bày.”

Ông nói thêm “Trong vài ngày tới sẽ là mấu chốt.”

Bắc Kinh chưa chấp thuận đề nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ muốn gởi chuyên viên hàng đầu đến Trung Quốc.

Ông Mike Ryan, người đứng dầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO, không nêu rõ quốc tịch của các thành viên trong đoàn chuyên gia WHO tại một cuộc họp báo ngày 13/2. “Tuy nhiên, tôi có thể đảm bảo cùng quý vị là đoàn gồm các nhà khoa học hàng đầu trên toàn thế giới và tất cả các nước liên hệ đều có thể đóng góp để hoàn tất việc này,” ông nói.

“Chúng tôi hơi thất vọng vì chúng tôi không được mời và chúng tôi cũng hơi thất vọng vì thiếu minh bạch về phía Trung Quốc,” ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của Tòa Bạch Ốc, nói với các phóng viên ngày 13/2.

Đằng sau khúc quanh

Trung Quốc công bố hàng ngày con số ca nhiễm mới được xác nhận, nhưng không cho biết ngày các bệnh nhân này lâm bệnh. Điều này quan trọng vì nếu không có ngày triệu chứng bắt đầu, các nhà dịch tễ học không thể nói là dịch bệnh gia tăng hay giảm dần. Việc đếm các ca hàng ngày cho thấy là các phòng thí nghiệm đang xét nghiệm các mẫu nhưng không tiết lộ nhiều về tiến trình dịch bệnh bùng phát, các chuyên gia nói.

Khi các giới chức Trung Quốc thay đổi cách chẩn bệnh hôm 13/2, không thể nào nói rằng con số 13.000 ca mới Bắc Kinh báo cáo thực sự biểu hiện có gia tăng lây nhiễm vì Bắc Kinh không báo cáo ngày bắt đầu. Ông Ryan nói một số ca này xuất hiện từ lúc bắt đầu dịch bệnh nhưng WHO không biết chính xác là ca nào.

Trung Quốc không thường xuyên công bố dữ liệu về tuổi tác của bệnh nhân và ai là người bệnh nặng nhất. Hiện không rõ có bao nhiêu người thử nghiệm dương tính. Hiện cũng không rõ có bao nhiêu người bị lây nhiễm nhưng không được thử nghiệm.

Ông Frieden thuộc tổ chức Resolve to Save Lives nói “Chúng tôi biết có một số người bị bỏ qua, chắc chắn là như vậy.”

Ông nêu câu hỏi “Cao hơn gấp 5 hay 10 lần? Chúng ta không biết được.”

Bỏ sót đáng nghi ngờ

Các nhân viên y tế có rất nhiều nguy cơ bị lây nhiễm trong bất cứ vụ bùng phát nào. WHO thường liệt kê lây nhiễm trong nhóm quan trọng này trong những báo cáo tình hình. Tuy nhiên, Bắc Kinh báo cáo rất ít về tình trạng của các nhân viên y tế.

Các nhà nghiên cứu tại Vũ Hán đã công bố một cuộc nghiên cứu nói rằng 40 trong số 138 bệnh nhân nhập viện là nhân viên y tế bị lây nhiễm tại bệnh viện.

“Việc này thực sự là công bố đầu tiên cho thấy các nhân viên y tế bị lây nhiễm,” bà Nuzzo thuộc trường đại học Johns Hopkins, nói.

Ông Frieden đổ lỗi một phần do việc thiếu báo cáo về dữ liệu vì “không nhận thức được tình hình trong một vụ bùng phát quá mức.” Lượng bệnh nhân vượt xa khả năng của hệ thống chăm sóc sức khoẻ.

Tuy nhiên câu hỏi không được trả lời “là liệu họ có che giấu một số thông tin hay không,” ông nói thêm.

Đỡ hơn SARS

Lúc đầu khi vụ bùng phát xảy ra, nhà cầm quyền Trung Quốc làm áp lực lên các bác sĩ đã công khai lên tiếng về chứng bệnh mới.

Bắc Kinh đã khiến cho toàn thế giới lên án về việc che giấu thông tin trong vụ bùng phát dịch bệnh SARS trong 2 năm 2002-2003.

Lần này, các giới chức đã ca ngợi Bắc Kinh vì đã báo cáo vụ bùng phát COVID-19 nhanh chóng hơn và cũng nhanh chóng công bố mã số gene của virus.

Các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố một loạt các cuộc nghiên cứu “đẹp đẽ” trong các tạp chí y học hàng đầu, phác họa một số chi tiết quan trọng của căn bệnh, bà Nuzzo nói.

Tuy nhiên thông tin quan trọng vẫn còn thiếu, và trong vụ bùng phát nghiêm trọng chứng bệnh mới, bà nói thêm, dữ liệu phải được chia sẻ càng rộng càng tốt.

“Quan niệm căn bản là nói cho mọi người biết khi bạn biết,” ông Frieden nói thêm. “Và nếu bạn không biết chuyện gì đó, hãy nói rõ là bạn sẽ tìm ra thông tin đó như thế nào.”

XS
SM
MD
LG