Đường dẫn truy cập

Kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh ‘vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn’


Cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh
Cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 hôm 11/10 tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng miêu tả việc kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, cựu bí thư thành ủy Đà Nẵng, là ‘vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn.’ Tuy nhiên, các nhà bình luận nghi ngờ về động cơ, mức độ, cũng như ‘tính nhân văn’ của biện pháp kỷ luật này.

Từ Hà Nội, nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy nhận định:

“Tôi không nghĩ rằng có chuyện nhân văn ở đây đâu. Dư luận cũng không bao giờ tin vào các hình thức kỷ luật. Người ta nghi ngờ liệu rằng kho đốt lò thì củi nào cũng cũng cho vào không hay đây là vấn đề phe phái, hay ông chỉ đốt củi của phe kia thôi, còn người của ổng thì chừa ra. Nhiều người và cả tôi cũng nghi ngờ về động cơ tiêu diệt tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng.”

Các lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần nói đến “tính nhân văn” trong kỷ luật đảng, mà theo đó cấp dưới đề nghị lên cấp trên xem xét xử lý kỷ luật theo thẩm quyền, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống,” và lấy “xây” là chính.

Trước đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng thông báo ông Nguyễn Xuân Anh, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đã có một loạt sai phạm và đề nghị Bộ Chính trị xem xét hình thức kỷ luật. Cuối cùng hội nghị hôm 6/10 cách chức bí thư và tước chức ủy viên Trung ương khoá 12 của ông Xuân Anh vì “những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.”

Báo VietnamNet trích lời ông Trọng nói rằng đa số cán bộ, đảng viên đều đồng ý rằng mức kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh “vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn, thấu lý đạt tình, tâm phục khẩu phục, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa chung rất sâu sắc.”

Ông Trọng từng tuyên bố:

“Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người!...”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Trọng còn khuyên răn các cán bộ hãy tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, và “nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác tự gột rửa.”

Có ý kiến hoan nghênh, như ông ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội, nói với VOA rằng việc công bố sai phạm của ông Anh là “dấu hiệu tích cực, đáng ghi nhận” trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Đài Tiếng nói Việt Nam VOV trích lời ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng: “cán bộ là Ủy viên Trung ương mà tham quyền, lộng quyền, vi phạm nguyên tắc, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm cả pháp luật thì rất đáng tiếc.”

Tuy nhiên, cũng có người tỏ thái độ dè dặt và nghi ngờ các hình thức kỷ luật này vì theo họ đó là dấu hiệu của một cuộc “thanh trừng phe phái” trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam.

Chia sẻ ý kiến của nhà báo Tường Thụy, ông Huỳnh Ngọc Chênh, một nhà hoạt động dân chủ ở Đà Nẵng, nói với VOA rằng ông không tin việc công bố sai phạm của ông Anh là đấu tranh chống tham nhũng.

“Điều khiến tôi bất ngờ là sai phạm của một ủy viên trung ương Đảng và là bí thư một thành phố lớn lại được cho báo chí thông báo công khai trong khi trước giờ những việc liên quan đến cán bộ cấp cao đều được giữ kín.”

Trong một bài viết cho VOA, nhà báo Phạm Chí Dũng ở thành phố Hồ Chí Minh nói Hội nghị trung ương 6 “cho ra rìa một ủy viên trung ương là Nguyễn Xuân Anh - người được đồn đoán là “thân” với Trần Đại Quang - Chủ tịch nước,” nhưng đây rốt cuộc cũng chỉ “diệt ruồi.”

Ông Nguyễn Tường Thụy có cùng nhận định trên và chỉ ra rằng ông Trọng chỉ xử lý kỷ luật ở mức cách thức chứ chưa thu hồi được số tiền thiệt hại do cán bộ tham nhũng làm thất thoát:

Ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Phú Trọng
Ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Phú Trọng

“Chỉ đánh được mỗi ông Nguyễn Xuân Anh thôi, còn những ông ‘bự’ như ông Đinh La Thăng thì cũng bị cách chức thôi. Cái chức ổng ban cho thì nay ổng cách chức thôi, chứ chưa thu hồi được đồng nào, trong khi ông Thăng gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.”

Kết thúc bài phát biểu tại hội nghị, ông Trọng nói: “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng.”

Nhà báo Nguyễn Tường Thụy nói rằng ông rất nghi ngờ các nỗ lực chống tham nhũng kiểu “hô hào” của người đứng đầu hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam:

“Bây giờ đặt ra vấn đề là những cái gì mà họ làm hại cho dân cho nước thì có thu hồi được đồng nào hay không? Dân quan tâm đến chuyện ấy. Chứ còn không có ông này làm bí thư thành ủy thì ông khác sẽ làm bí thư thành ủy. Trong chuyện này đầy rẫy nghi ngờ và chẳng hiệu quả.”

Ngay khi hội nghị kết thúc sau 7 ngày làm việc “khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm,” nhà báo Pham Đoan Trang ở Hà Nội bình luận trên Facebook: “quăng cả củi tươi, củi khô lẫn thuốc pháo vào đốt lò”, nhưng “củi Yên Bái, củi Hải Phòng, củi Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Nghệ An... rất khó đốt!”

TBT Trọng bênh vực biện pháp kỷ luật Nguyễn Xuân Anh
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:06 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG