Đường dẫn truy cập

Trưởng ban Biên giới Campuchia bị truy vấn về hiệp ước ký kết với Việt Nam


Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sự kiện liên quan đến vấn đề phân định biên giới giữa hai nước ở Hà Nội vào ngày 4/9/2019.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sự kiện liên quan đến vấn đề phân định biên giới giữa hai nước ở Hà Nội vào ngày 4/9/2019.

Người đứng đầu Ủy ban Biên giới Campuchia, ông Var Kimhong, vừa được triệu tập đến trước Hội đồng Tư vấn Tối cao nước này vào ngày 10/10 để trả lời những câu hỏi liên quan đến việc ký kết các văn kiện biên giới với Việt Nam vào cuối tuần qua.

Theo tường thuật của Khmer Times, ông Kimhong, người có mặt trong khi lễ ký kết, được yêu cầu tóm tắt kết quả của những thỏa thuận biên giới đã ký kết với Việt Nam cũng như công tác phân định biên giới nói chung.

Trước đó tại Hà Nội, Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2006-2019. Tại đây, hai bên đã ký kết hai văn kiện pháp lý mang tính cột mộc trong việc phân định biên giới giữa hai nước, trong đó phê chuẩn đến 84% đường biên giới. Với 16% còn lại, hai bên sẽ yêu cầu Pháp hỗ trợ trong quá trình phân định.

Hội đồng Tư vấn Tối cao (SCC) do Quốc vương Norodom Sihamoni chuẩn thuận thành lập vào tháng 9 năm ngoái, với việc bổ nhiệm 30 đại diện của 16 đảng chính trị Campuchia vào hội đồng để cố vấn cho chính phủ Campuchia, theo yêu cầu của Thủ tướng Hun Sen. Các vị trí cố vấn trong Hội đồng tương đương với cấp vị bộ trưởng.

Nhiệm vụ của Hội đồng Tư vấn Tối cao là đưa kiến nghị lên Thượng viện về các dự thảo luật do Quốc hội Campuchia thông qua và đưa ý kiến cho Thủ tướng về bất kỳ dấu hiệu bất công hay lạm dụng nào của các quan chức.

Khmer Times dẫn thông cáo báo chí của SCC nói rằng cuộc họp với Trưởng ban Biên giới Kimhong là “rất quan trọng” để hội đồng “có những hiểu biết cơ bản về quá trình này nhằm giải thích cho người dân”.

Bản thân ông Kimhong cho biết đã nhận được lệnh của Thủ tướng Hun Sen để điều trần trước SCC và ông “không có gì để giấu diếm cả”, vẫn theo Khmer Times.

Vấn đề tranh chấp biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia từng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ xô xát giữa người dân hai nước trong những năm gần đây, dẫn đến những hệ quả tiêu cực trong cộng đồng người Việt sinh sống tại đất nước Chùa Vàng.

Sự kiện ký kết các văn kiện phân định biên giới giữa hai nước được xem là vấn đề mà công chúng Campuchia rất quan tâm, theo lời Chủ tịch Đảng Thanh niên, ông Pich Sros, nói với Khmer Times.

Theo ông, người dân Campuchia lo ngại về vấn đề minh bạch trong công tác phân định biên giới với Việt Nam.

Ông Sros là người đã đề nghị triệu tập ông Var Kimhong cùng với phái đoàn của ông này đến SCC để giải thích về những điểm tích cực lẫn tiêu cực liên quan đến hai hiệp định biên giới đã ký với Việt Nam.

Trong bài viết trên trang web chính thức của chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói rằng việc ký kết 2 văn kiện về biên giới với Campuchia là một sự kiện trọng đại trong quan hệ hai nước, “là dấu mốc lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình giải quyết biên giới đất liền giữa hai nước sau hơn 36 năm đàm phán”.

Ông cho biết sau khi hai văn kiện pháp lý trên được các cấp có thẩm quyền của hai nước phê chuẩn và có hiệu lực, hai bên sẽ phải sớm xây dựng và ký kết hiệp định mới thay thế cho Hiệp định về Quy chế biên giới đã ký năm 1983.

VOA Express

XS
SM
MD
LG