Đường dẫn truy cập

Trở thành giảng viên ở Anh có khó không?


Nguyễn Hùng nói về Crowdtangle với các nhà quản lý mạng xã hội.
Nguyễn Hùng nói về Crowdtangle với các nhà quản lý mạng xã hội.

Đối với tôi, dạy cái gì không quan trọng bằng dạy như thế nào. Dạy thứ thật cao siêu mà học viên chẳng hiểu được 10% thì sao bằng dạy điều gì thực tiễn và học sinh hiểu hết.

Trong tháng Tám này tôi lại vượt qua tất cả các ứng viên thi vào vị trí giảng viên báo chí kỹ thuật số tại University of East London, cũng giống như hồi tôi thi vào vị trí tương tự ở Goldsmiths, University of London cách đây năm năm.

Vị trí ở Goldsmiths là 0.5/1.0, tức làm việc nửa thời gian, còn vị trí ở University of East London là 0.4/1.0. Cộng với việc viết blog cho VOA, dạy thêm cho BBC, RFA và các tổ chức khác, tôi giờ làm việc chưa bằng hai nhưng cũng hơn một nhiều rồi.

Vậy thi vào làm giảng viên tại các đại học ở Anh có khó không?

Bản thân tôi sẽ nói không khó vì tôi thi hai lần trong năm năm qua và cả hai lần đều đỗ, vượt qua mọi ứng viên cả người bản xứ lẫn người ngoại quốc.

Nhưng đối với những người cùng thi với tôi mà không đỗ có lẽ họ sẽ cho rằng thi khó chứ.

Thông thường mỗi vị trí giảng dạy tại các đại học sẽ có cả trăm ứng viên nộp hồ sơ thi. Cơ hội để được chọn vào vòng dạy thử và phỏng vấn chỉ chừng 10% hoặc ít hơn vì trăm người họ chỉ cho vào vòng trong chưa tới 10.

Trong vòng nộp hồ sơ vào University of East London, họ hỏi về kinh nghiệm dạy đại học, đã có chứng chỉ hội viên Hội Đại học chưa cũng như công việc trước đây đã làm liên quan tới truyền thông đa phương tiện ra sao. Đương nhiên hồ sơ của tôi đáp ứng được tất cả các đòi hỏi này.

Sau đó họ mời tôi vào vòng dạy thử và chỉ những ai dạy thử thành công họ mới mời vào vòng phỏng vấn, vòng thi tuyển cuối cùng.

Đề tài của vòng dạy thử là dùng các kỹ năng mới mẻ để tạo ra nội dung báo chí. Mới nghe cũng khá xương xẩu vì kỹ năng thế nào mới là mới mẻ? Cuối cùng tôi vẫn dạy thứ mà cách đây năm năm tôi đã dạy ở Goldsmiths – dùng điện thoại để quay phim. Đối với tôi, dạy cái gì không quan trọng bằng dạy như thế nào. Dạy thứ thật cao siêu mà học viên chẳng hiểu được 10% thì sao bằng dạy điều gì thực tiễn và học sinh hiểu hết. Nói về dùng điện thoại để quay phim thì ‘cũ người mới ta’. Không phải ai cũng thạo việc quay phim bằng điện thoại, nhất là quay bằng app chuyên nghiệp, dùng app để biên tập và lồng phụ đề như tôi hướng dẫn trong phần dạy thử quý vị có thể tham khảo tại đây.

Tôi được mời dạy qua mạng thông qua ứng dụng Microsoft Teams. Không rõ vì lý do gì tôi không thể chia sẻ màn hình để truyền đạt nội dung mà tôi đã tạo sẵn qua Google Slides. Rất may trước buổi dạy thử tôi đã chia sẻ tệp tôi cần dùng để trình bày và tôi chỉ cần gửi đường dẫn cho một trong hai người trong nhóm tuyển người và họ giúp tôi chia sẻ màn hình. Sau khi đã được việc, bà trưởng khoa nói với tôi bà ấn tượng vì tôi rất bình tĩnh bất chấp sự cố kỹ thuật.

Mặc dù thời gian để dạy thử chỉ có 15 phút, tôi cố gắng để những người học có ít nhất ba cơ hội để tham gia trả lời các câu hỏi tôi đưa ra. Học viên nhớ lâu hơn khi họ có cơ hội suy nghĩ và tham gia trao đổi về những gì họ học.

Tôi dạy thử lúc 10:30 sáng thứ Hai tuần trước, tới trưa được báo đã qua vòng dạy thử và chiều 14:30 có phỏng vấn. Tới thứ Tư tôi được thông báo được việc, thứ Năm nói chuyện với trưởng khoa để thống nhất chi tiết và thứ Sáu ký hợp đồng với trường.

Phần phỏng vấn tôi tự đánh giá mình được 8/10 điểm. Hội đồng phỏng vấn có ba người và họ chia nhau hỏi tôi về lý do muốn vào trường dạy, trong vài năm qua gặp thử thách gì và ứng phó ra sao, kinh nghiệm tạo tài liệu giảng dạy thế nào, có thủ thuật gì để khiến sinh viên hào hứng học, làm sao để đảm bảo các sinh viên có màu da khác nhau và xuất xứ khác nhau đều cảm thấy thoải mái khi đến lớp…

Các câu hỏi đó đối với tôi không khó vì tôi đã suy nghĩ nhiều về những vấn đề đó cũng như có kinh nghiệm thực tế. Dĩ nhiên nếu cho thêm thời gian suy nghĩ tôi sẽ có thể trả lời tốt hơn nhưng thế cũng đủ được việc rồi. Nếu quý vị nghe được tiếng Anh mời xem video tôi tóm lược năm câu trả lời cho năm câu hỏi trong vòng phỏng vấn trên TikTok. Cũng phải nói thêm tôi vẫn ngại TikTok lắm vì dù sao họ cũng là công ty Trung Quốc, nước chỉ thích theo dõi và kiểm soát. Nhưng giờ các bạn trẻ lên mạng này tìm kiếm tin tức cũng nhiều mà muốn dạy thì cái gì tôi cũng phải học nên vẫn phải lên trang chuyên video ngắn dài đủ cả này.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG