Đường dẫn truy cập

Tunisia phản ứng trước các phương tiện truyền thông


"Nhân dân Tunisia đủ khả năng tư duy lấy cho họ, tự có hành động riêng cho họ, đọc những gì mà họ muốn"
"Nhân dân Tunisia đủ khả năng tư duy lấy cho họ, tự có hành động riêng cho họ, đọc những gì mà họ muốn"

Nhân dân Tunisia hoan nghênh các quyền tự do truyền thông mới được chính phủ lâm thời loan báo một tuần lễ trước đây sau khi lật đổ Tổng thống độc tài Zine el-Abidine Ben Ali. Tuy nhiên, đối với nhà sách Al-Kitab ở trung tâm thành phố Tunis, cuộc tranh đấu cho quyền tự do bày tỏ ý kiến chưa kết thúc. Thông tín viên đài VOA, Lisa Bryant, có bài tường thuật sau đây gởi về từ Tunisia.

Những người biểu tình chống chính phủ tiếp tục một ngày phản đối nữa, một đám đông nhỏ hơn tụ tập trước một tủ kính cửa hàng sách trên đại lộ Habib Bourguiba, là đường phố chính của Tunis, nhìn sách trưng bày bên trong với sự ngạc nhiên thích thú – hơn một chục cuốn sách được trưng bày là những cuốn sách bị cấm chưa tới hai tuần lễ trước đây dưới chế độ của nhà độc tài Zine sl-Abidine Ben Ali.

Cô Jabbes nói: "Quý vị thấy cuốn sách mà nhiều người muốn mua nhất – La Regente de Carthage của Nicolas Beau, là ký giả báo Le Monde. Cuốn sách này nói về gia đình của cựu Tổng Thống Ben Ali và vợ ông. Với tất cả những hành vi tàn ác mà họ đã làm, và tất cả những cơ sở làm ăn mà họ làm chủ.”

Cô Selma Jabbes, chủ tiệm sách Al-Kitab, nói những cuốn sách trong tủ kính là những cuốn sách chỉ trích nặng nề chế độ của Tổng Thống Ben Ali. Ngay cả những cuốn sách về kinh tế và du lịch chỉ chỉ trích sơ sơ về chính phủ nước này – tất cả đều trở thành nạn nhân của đạo luật kiểm duyệt khắt khe ở Tunisia.

Tất cả đã thay đổi triệt để từ một tuần lễ trước đây, khi Thủ Tướng lâm thời Mohammed Ghanouchi loan báo sắc lệnh “hoàn toàn” tự do báo chí. Lệnh cho “hoàn toàn tự do” đó có vẻ bị nghi ngờ sau khi chính phủ lâm thời đóng cửa một kênh truyền hình được nhiều người ưa chuộng hôm Chủ Nhật. Tuy nhiên, nhân dân Tunisia như cô Jabbes vẫn coi như chính phủ có chủ trương tự do ngôn luận nói chung.

Cô nói: "Đó là lạ thường đối với chúng tôi – tự do ngôn luận mà chúng tôi thấy ở Tunisia. Chúng tôi hy vọng tự do ngôn luận sẽ tồn tại và sẽ luôn luôn được như thế này. Bởi vì nhân dân Tunisia đủ khả năng tư duy lấy cho họ, tự có hành động riêng cho họ, đọc những gì mà họ muốn, thật là tuyệt diệu."

Cô Jabbes không xa lạ gì với chuyện kiểm duyệt báo chí. Mẹ cô mở cửa hàng sách Al-Kitab từ nửa thế kỷ trước đây, và cô đã thay mẹ điều hành tiệm này năm 1988 – một năm sau khi Tổng Thống Ben Ali lên nắm quyền. Viên cựu Tổng Thống này đã hứa có tự do ngôn luận nhưng thực tế là chính sách kiểm duyệt.

Cô Jabbes bị buộc phải xin phép chính phủ về mỗi cuốn sách đặt mua – mà thường là bị từ chối. Và chính cô cũng hay bị Bộ Nội Vụ điệu lên khiển trách.

Cô cho biết: “Họ muốn chúng tôi phải tự kiểm duyệt, để hạn chế các đơn đặt hàng của chúng tôi. Nhưng tôi không bao giờ đồng ý về chuyện này.”

Những sách về chính trị Hồi Giáo cũng bị chính phủ thế tục cứng rắn cấm lưu hành. Giờ đây anh Ismael Skheir, 27 tuổi lục tìm những sách trong tiệm liên quan tới đảng Ennadaha Islamist có thời đã bị cấm.

Anh Skheir nói rằng, anh đang tìm hiểu sự thật về các tín đồ Hồi Giáo và không biết những suy nghĩ của họ có thích hợp tại Tunisia hay không.

Cô Miriam Khalfala, một nữ sinh viên đại học 21 tuổi là một người nữa thường đi ngắm sách tại các cửa tiệm. Cô nói rằng, thông thường thì cũng có cách để né tránh luật kiểm duyệt, như tải xuống từ internet.

Cô nói: “Vì thế ngay cả khi cơ quan kiểm duyệt không cho phép thì chúng tôi vẫn có thể có những sách đó. Nhưng đây là vấn đề nguyên tắc. Chúng tôi muốn có tự do. Chúng tôi muốn có dân chủ. Chúng tôi muốn có những cuốn sách đó và chính phủ cần phải biết như thế.”

Mặc dầu chính phủ lâm thời Tunisia đã cam kết tôn trọng tự do ngôn luận, nhưng lời hứa đó chưa được trở thành luật. Theo nguyên tắc, Al-Kitab, vẫn còn phải xin phép chính quyền về mỗi cuốn sách đặt mua:

“Vì thế nhân viên các tiệm sách như anh Amel Chehimi ra ngoài đường phố kêu gọi khách qua đường ký một kiến nghị yêu cầu thâu hồi lệnh đòi giấy phép."

Chehimi nói rằng, cho tới nay, Al-Kitab đã có được 600 chữ ký. Tiệm này hy vọng có được 1000 chữ ký trước khi gởi cho chính phủ yêu cầu được tự do đặt hàng, trưng bày và bán bất cứ cuốn sách nào mà họ muốn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG