Đường dẫn truy cập

Úc và Anh theo Mỹ tẩy chay ngoại giao Olympic Mùa đông Bắc Kinh


Một phụ nữ cần biển tham gia tuần hành của các nhà hoạt động phản đối Olympic Mùa Đông 2022 trước cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles, California, hôm 3/11. Anh và Úc sẽ cùng Mỹ tẩy chay ngoại giao thế vận hội sắp diễn ra vào tháng 2 ở Bắc Kinh.
Một phụ nữ cần biển tham gia tuần hành của các nhà hoạt động phản đối Olympic Mùa Đông 2022 trước cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles, California, hôm 3/11. Anh và Úc sẽ cùng Mỹ tẩy chay ngoại giao thế vận hội sắp diễn ra vào tháng 2 ở Bắc Kinh.

Thủ tướng Úc và Anh nói nước họ sẽ cùng Mỹ tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh, trong khi các đồng minh khác đang cân nhắc các động thái tương tự để phản đối hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc.

Mỹ cho biết các quan chức chính phủ của họ sẽ tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh vào tháng Hai vì "hành động tàn bạo" về nhân quyền của Trung Quốc, chỉ vài tuần sau cuộc đàm phán nhằm xoa dịu quan hệ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trung Quốc cho biết Mỹ sẽ "trả giá" cho quyết định của mình và thề sẽ trả đũa, nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể.

Khi được hỏi liệu Anh có làm theo Washington, Thủ tướng Boris Johnson nói: “Sẽ có lệnh tẩy chay ngoại giao đối với Olympic Mùa đông ở Bắc Kinh có hiệu lực ngay lập tức, không một bộ trưởng nào được dự kiến tham dự và không một quan chức nào.”

“Tôi không nghĩ rằng tẩy chay về mặt thể thao là hợp lý và đó vẫn là chính sách của chính phủ,” thủ tướng Anh nói thêm khi cho biết rằng các vận động viên của Anh vẫn sẽ tham dự thế vận hội.

Trước đó, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết Úc đưa ra quyết định hôm 8/12 vì đang gặp khó khăn để mở lại các kênh ngoại giao với Trung Quốc nhằm thảo luận về các hành vi vi phạm nhân quyền bị cáo buộc ở vùng viễn tây Tân Cương và các động thái của Bắc Kinh chống lại hàng hóa nhập khẩu của Australia.

Thông báo về kế hoạch, ông Morrison cho biết Bắc Kinh đã không phản hồi về một số vấn đề mà Canberra đưa ra, bao gồm các cáo buộc lạm dụng quyền con người.

Thủ tướng Morrison nói với các phóng viên tại Sydney rằng: “Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các quan chức chính phủ Úc sẽ không đến Trung Quốc tham dự Thế vận hội đó.” Nhưng các vận động viên Úc sẽ tham dự.

Trung Quốc đã phủ nhận mọi hành vi sai trái ở Tân Cương và cho rằng các cáo buộc là bịa đặt.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân nói tại một cuộc họp báo thường ngày ở Bắc Kinh rằng các chính trị gia Úc đang tham gia vào "đóng kịch chính trị".

"Cho dù họ đến hay không, không ai quan tâm," ông Uông nói thêm.

Ủy ban Olympic Australia cho biết việc tẩy chay sẽ không ảnh hưởng đến việc chuẩn bị của các vận động viên cho Thế vận hội, dự kiến diễn ra từ ngày 4 đến 20 tháng Hai, và nói thêm rằng "các lựa chọn ngoại giao" là vấn đề của chính phủ.

Các đồng minh khác của Mỹ chưa vội tham gia cuộc tẩy chay.

Trong khi đó, nhật báo Sankei Shimbun hôm 8/12 trích dẫn các nguồn tin từ chính phủ cho biết Nhật Bản đang xem xét không cử các thành viên nội các tham dự Thế vận hội sau khi Mỹ tuyên bố tẩy chay ngoại giao.

Một trợ lý của Tổng thống Hàn Quốc nói Seoul hiện không xem xét việc tẩy chay ngoại giao.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã viện dẫn điều mà Hoa Kỳ gọi là tội ác diệt chủng đối với những người Hồi giáo thiểu số ở vùng Tân Cương của Trung Quốc. Trung Quốc phủ nhận mọi hành vi vi phạm nhân quyền tại đây.

Nếu các nước khác không tham gia cuộc tẩy chay, nó sẽ làm suy yếu thông điệp rằng các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc là không thể chấp nhận được, theo bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ German Marshall của Hoa Kỳ.

"Lựa chọn duy nhất thực sự có sẵn cho chúng tôi là cố gắng thu hút nhiều quốc gia nhất có thể để sát cánh cùng chúng tôi trong liên minh này", bà Glaser phát biểu tại phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ hôm 7/12.

Mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của họ, đang ở mức thấp sau khi Canberra cấm Huawei Technologies tham gia mạng băng thông rộng 5G vào năm 2018 và đề nghị một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19.

Bắc Kinh đáp trả bằng thuế quan đối với các mặt hàng của Úc như lúa mạch, thịt bò, than đá và rượu vang.

(Được cập nhật thêm thông tin về quyết định tẩy chay ngoại giao của Anh)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG