Đường dẫn truy cập

Trung Quốc áp lực các nước châu Á trục xuất người Uighur


Cảnh sát vũ trang tuần tra 1 khu vực người Uighur ở tỉnh Tân Cương, Trung Quốc, 4/8/2011
Cảnh sát vũ trang tuần tra 1 khu vực người Uighur ở tỉnh Tân Cương, Trung Quốc, 4/8/2011

Các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích các vụ trục xuất người Uighur của Malaysia, Pakistan và Thái Lan, bảo rằng ép buộc họ trở lại Trung Quốc là vi phạm luật nhân quyền và nhân đạo.

Tổ chức Ân xá Quốc tế và Human Rights Watch, HWR, nói 11 người Uighur bị chính quyền Malaysia gửi trả về Trung Quốc có thể bị tra tấn hoặc tù dài ngày, sau khi Malaysia bắt giữ 16 người Uighur hôm 6 tháng 8.

Cũng đầu tháng này, nhà chức trách Thái Lan đã bắt giữ một người Uighur, và một số người Uighur khác cũng bị bắt tại Pakistan.

Ông Robertson, Phó Giám đốc của HRW cho biết:

“Các vụ này dường như là một chiến dịch rộng khắp, nhắm vào người Uighur lưu vong. Nếu ta nối các sự kiện vào với nhau, ta có thể nói đây là một chiến dịch có phối hợp của Trung Quốc. Bắc Kinh đặt một số nước châu Á vào vị trí qua mặt hệ thống pháp lý của chính các nước này để trao những người Uighur cho các giới chức sứ quán Trung Quốc, ép họ lên một chuyến bay sớm nhất để về Trung Quốc.”

Ông Nur Muhammed, một người Uighur đã từ tỉnh Tân Cương của Trung Quốc trốn sang Thái Lan năm 2009 sau khi có những cuộc biểu tình và bạo động ở Tân cương. Trung Quốc nói ông này thuộc một tổ chức khủng bố.

Thái Lan buộc ông về tội nhập cảnh trái phép và sau đó giao ông cho nhân viên đại sứ quán Trung Quốc mà không hề qua một thủ tục xét xử nào.

Tại Malaysia, nhóm 16 người Uighur bị bắt ở hai thành phố, 11 người bị trục xuất về Trung Quốc trước khi Liên Hiệp Quốc có dịp duyệt xét trường hợp của họ. Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc đang yêu cầu chính quyền Malaysia cho tiếp xúc với những người còn lại.

Nhà chức trách Malaysia bảo rằng những người bị trục xuất có liên can đến một đường giây buôn người.

Năm 2009, Kampuchia cũng trục xuất 20 người Uighur, trong đó có một phụ nữ mang thai và hai bé sơ sinh, mặc dù số người này được Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc bảo vệ.

Kitty McKinsey, phát ngôn viên của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc tại châu Á cho biết:

“Tất cả những người xin tỵ nạn, trong đó có người Uighur, cần phải được trải qua đầy đủ thủ tục cứu xét để biết chắn họ có lý do chính đáng là sẽ bị trừng phạt khi trở lại quốc gia gốc hay không. Lẽ dĩ nhiên thủ tục cứu xét có điều khoản loại trừ những người đã can dự vào các hành vi tội ác nghiêm trọng.”

Người Uighur miền viễn tây Trung Quốc, nói tiếng Turkistan, đa số theo Hồi giáo, đang đứng trước tình huống khó khăn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG