Đường dẫn truy cập

Ukraine đề nghị Việt Nam ngừng giao dịch thẻ MIR của Nga


Ngân hàng Quốc gia Ukraine hôm 9/3 đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ngân hàng trung ương của một số nước khác tạm dừng mọi giao dịch bằng thẻ thuộc hệ thống thanh toán thẻ MIR của Nga. Photo NBU.
Ngân hàng Quốc gia Ukraine hôm 9/3 đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ngân hàng trung ương của một số nước khác tạm dừng mọi giao dịch bằng thẻ thuộc hệ thống thanh toán thẻ MIR của Nga. Photo NBU.

Ngân hàng Quốc gia Ukraine vừa đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ngân hàng trung ương của một số nước khác tạm dừng mọi giao dịch bằng thẻ thuộc hệ thống thanh toán thẻ MIR của Nga giữa lúc nước này vận động quốc tế gây áp lực tài chính đối với Nga khi Moscow xâm lược Ukraine.

Ngân hàng Quốc gia Ukraine (NBU) đã gửi kháng nghị thư đến lãnh đạo các ngân hàng trung ương của Armenia, Kazakhstan, Tajikistan, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Kyrgyzstan yêu cầu tạm dừng mọi giao dịch bằng thẻ thanh toán của hệ thống thanh toán MIR tại các quốc gia này, tuyên bố của Ngân hàng NBU hôm 9/3 cho biết.

Cụ thể, Ngân hàng NBU đã đề nghị các ngân hàng trung ương này ngừng cung cấp thẻ MIR trong mạng ATM và POS của họ, đồng thời không cho phép sử dụng các thẻ này trong thương mại điện tử và chuyển khoản P2P, tức giữa các nhân với cá nhân.

Thẻ thanh toán MIR của Nga hiện được dùng tại hơn 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Thẻ thanh toán MIR của Nga hiện được dùng tại hơn 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Đề nghị này được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu cấp thiết phải tăng quy mô áp lực tài chính toàn cầu lên quốc gia xâm lược khi nước này tiến hành cuộc tấn công vào Ukraine.

“NBU đang tìm cách huy động mọi biện pháp trừng phạt có thể đối với lĩnh vực tài chính Nga”, Thống đốc Ngân hàng NBU Kyrylo Shevchenko cho biết.

“Việc hỗ trợ tài chính cho các cuộc xâm lược vũ trang chống lại Ukraine phải chấm dứt. Đây chính là lý do tại sao chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ vào các đối tác quốc tế để hỗ trợ các sáng kiến của chúng tôi trong vấn đề này”, ông Shevchenko cho biết thêm.

VOA đã liên lạc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xin ý phản hồi về tuyên bố của Ngân hàng NBU, nhưng chưa được trả lời.

Hiện tại, dưới áp lực trừng phạt tài chính và ngân hàng từ các quốc gia phương Tây, thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng Visa và Mastercard do các ngân hàng Nga phát hành sẽ không còn hoạt động ở nước ngoài sau ngày 10/3. Vì vậy, Nga phải phụ thuộc nhiều vào hệ thống thanh toán thẻ MIR.

Thẻ MIR, do Trung tâm xử lý giao dịch thanh toán quốc gia của Liên bang Nga (NSPK) quản lý, đang được sử dụng tại 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam và với hoạt động thử nghiệm đã được thực hiện ở 3 quốc gia khác.

Theo NSPK, hiện có khoảng 95 triệu thẻ MIR được cấp bởi cơ quan này. NSPK, trực thuộc Ngân hàng Trung ương Nga, với 307 tổ chức thành viên, cùng với mạng lưới chấp nhận thanh toán hơn 130.000 máy ATM và 2.600.000 máy POS.

Thẻ MIR ra đời từ năm 2015 theo lệnh của chính phủ Nga để bảo vệ nền kinh tế trước các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi Moscow sáp nhập Crimea vào Nga vào năm 2014.

Phó Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Nga Maxim Akimov trải nghiệm thanh toán giao dịch bằng thẻ MIR tại Việt Nam, ngày 29/10/2019. Photo SBV.
Phó Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Nga Maxim Akimov trải nghiệm thanh toán giao dịch bằng thẻ MIR tại Việt Nam, ngày 29/10/2019. Photo SBV.

Tại cuộc gặp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng vào tháng 1/2022, Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko cho biết: “Hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng là một trong những trụ cột hợp tác quan trọng trong quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa Liên bang Nga và Việt Nam”.

Phía Nga đề nghị mở rộng số lượng ngân hàng của Việt Nam chấp nhận lưu hành thẻ thanh toán MIR của Nga.

Trước đó, vào tháng 10/2019, dưới sự chứng kiến của bà Hồng và đại diện sứ quán Nga, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Trung tâm xử lý giao dịch thanh toán quốc gia của Liên bang Nga (NSPK), đã ký thỏa thuận thống nhất triển khai chấp nhận thanh toán thẻ nội địa MIR tại Việt Nam.

Song song đó, các thỏa thuận giữa Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga (VRB) và NAPAS; giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và NAPAS về việc hợp tác triển khai phát hành thẻ MIR đã được ký kết.

Theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hai ngân hàng BIDV và VRB là hai đơn vị đầu tiên trong hệ thống NAPAS tham gia cung cấp dịch vụ cho phép các chủ thẻ chip MIR thực hiện thanh toán tại mạng lưới POS của BIDV và rút tiền mặt tại mạng lưới ATM của VRB tại Việt Nam.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG