Đường dẫn truy cập

UNICEF: Trẻ em Việt Nam có nguy cơ chịu tác động của khủng hoảng khí hậu


Một văn phòng của UNICEF.
Một văn phòng của UNICEF.

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) mới lần đầu tiên công bố bảng xếp hạng các quốc gia dựa trên nguy cơ rủi ro và mức độ dễ bị tổn thương của trẻ em trước các cú sốc về khí hậu và môi trường, trong đó có đề cập tới trẻ em Việt Nam.

UNICEF cho biết rằng “thanh thiếu niên Việt Nam là một trong những nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu”.
Cơ quan của Liên Hợp Quốc cũng cho biết thêm trong một thông cáo ra cuối tháng trước rằng điều đó “đe dọa đến sức khỏe, giáo dục và sự an toàn của các em”.

UNICEF cho biết rằng phúc trình có tên gọi “Khủng hoảng khí hậu là cuộc khủng hoảng về quyền trẻ em: Giới thiệu chỉ số rủi ro khí hậu liên quan tới trẻ em” là “phân tích toàn diện đầu tiên được thực hiện về rủi ro khí hậu từ góc độ của trẻ em”.

Trong phân tích này, tin cho hay, các quốc gia được xếp hạng dựa trên nguy cơ rủi ro của trẻ em trước các cú sốc về khí hậu và môi trường, chẳng hạn như lốc xoáy và các đợt nắng nóng, cũng như mức độ dễ bị tổn thương của trẻ em trước các cú sốc, dựa trên khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu của trẻ em.

Theo UNICEF, báo cáo cho thấy trẻ em Việt Nam “tiếp xúc nhiều với ô nhiễm không khí và lũ lụt”, và rằng phúc trình “kêu gọi đầu tư vào hành động bảo vệ khí hậu và bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo lợi ích phát triển và đảm bảo tương lai bền vững cho trẻ em”.

Ngoài ra, cơ quan của Liên Hợp Quốc cho rằng “các biện pháp như phục hồi xanh sau COVID-19, cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch và giáo dục về khí hậu có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể trong việc bảo vệ tương lai của trẻ em khỏi tác động của biến đổi khí hậu”.

Bà Lesley Miller, Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam, được dẫn lời nói trong thông cáo rằng “môi trường sống ở Việt Nam ngày càng có nhiều rủi ro hơn đối với trẻ em; nhưng nếu chúng ta hành động ngay từ bây giờ, chúng ta có thể ngăn ngừa tình trạng trở nên tồi tệ hơn”.

Bà Miller được trích lời nói tiếp: “Đảm bảo tiếp cận mạng lưới an sinh phù hợp và các dịch vụ tăng cường khả năng chống chịu – như nước sạch, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, sẽ giúp bảo vệ tương lai của trẻ em”.

Hồi tháng Ba năm nay, UNICEF công bố phân tích về tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đối với trẻ em Việt Nam với sự phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để “phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và các chính sách liên quan tới biến đối khí hậu khác với một phương thức tiếp cận thân thiện với trẻ em hơn”.

Tháng trước, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu về tình trạng biến đổi khí hậu năm 2021, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói rằng “biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu, gây tác động tiêu cực trên toàn thế giới” và rằng “Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế cần khẩn trương tăng cường hợp tác để chung tay ứng phó với thách thức này”.

“Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam quyết tâm và cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có chủ động thích ứng và giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam”, bà Hằng nói, theo trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Cũng liên quan tới vấn đề biến đổi khí hậu ở Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam mới đây đã đạt đồng thuận về việc hợp tác chống biến đổi khí hậu và hướng tới năng lượng sạch.

Theo Nhà Trắng, trong chuyến thăm Việt Nam hồi cuối tháng Tám, Phó Tổng thống Harris và các nhà lãnh đạo của chính phủ và xã hội dân sự Việt Nam “đã nhất trí về tầm quan trọng của việc chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường khả năng phục hồi và hợp tác hướng tới một tương lai năng lượng sạch”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG