Đường dẫn truy cập

Phúc trình của Mỹ nêu bật mối đe dọa về nạn buôn bán ma túy


Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố bản phúc trình thường niên về nạn mua bán ma túy trên toàn cầu, và nói rằng mua bán ma túy đe dọa đến an ninh, sức khỏe và sự an toàn của dân chúng tại Hoa Kỳ cũng như trên toàn thế giới. Thông tín viên VOA Suzanne Presto tại thủ đô Washington ghi nhận chi tiết trong bài tường trình sau đây.

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách các vấn đề Ma túy và Thực thi Công lực, ông David Johnson, nói rằng nạn mua bán ma túy bất hợp pháp đề ra một thách thức toàn cầu tác động đến tất cả các quốc gia, nơi ma túy được sản xuất, lưu hành hay tiêu thụ.

Ông Johnson nói: “Việc tiêu thụ ma túy là một hiện tượng quốc tế. Điều đáng tiếc là quốc gia có mức sử dụng cao nhất là Iran, đang tự mình xúc tiến các nỗ lực nhằm ngăn chặn hiện tượng này. Nhưng trong số các thị trường cocaine phát triển nhanh nhất không có Hoa Kỳ. Các thị trường này nằm ở châu Âu. Vì thế đây là một vấn đề toàn cầu.”

Ông Johnson nói sản lượng cocaine của Colombia tiếp tục giảm bớt, mặc dầu nước này vẫn là quốc gia sản xuất cocaine lớn nhất trong vùng Andes. Tuy nhiên bản phúc trình nêu rõ Colombia là một trường hợp thành công quốc tế chủ yếu, và nói rằng nỗ lực kéo dài suốt 1 thập niên của nước này nhằm tước quyền kiểm soát của các phần tử nổi dậy chuyên lưu hành ma túy rất đáng chú ý.

Nhưng ông Johnson nói rằng lân quốc Colombia là Venezuela, chưa chứng tỏ được một cam kết tương tự trong việc chống lưu hành ma túy.

Ông Johnson nói tiếp: Điều tôi muốn nói là nếu ta nhìn vào bằng chứng thực địa, nơi ma túy xuất phát, được trung chuyển vào vùng Caribe hay châu Phi rồi đưa tiếp vào châu Âu, thì ta sẽ thấy một tuyến đi khác thường của những chuyến xuất khẩu bằng đường hàng không ra khỏi khu vực Venezuela ngay cạnh biên giới Colombia.”

Ông Johnson nói ông chưa nhìn thấy một nỗ lực đáng kể từ phía Venezuela nhằm ngăn chặn sự lưu thông đó.

Phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng Venezuela không hợp tác một cách nhất quán với các nước đang hoạt động để giảm thiểu sự lưu hành của ma túy bất hợp pháp. Bản phúc trình cũng nói rằng các tổ chức có vũ trang ở Colombia có liên hệ với việc đưa ma túy xuyên qua Venezuela.

Hai quốc gia được nêu bật trong phúc trình lần trước là đặc biệt gây lo ngại, Mexico và Afghanistan, lại được bàn đến trong năm nay.

Ông Johnson nói chính sách chống ma túy ở Afghanistan đã chuyển từ việc xóa bỏ cây thẩu qua việc tập trung vào các cách sinh nhai khác, nhất là về nông nghiệp.

Ông Johnson cho rằng nạn buôn lậu ma túy ở khắp Afghanistan tiếp tục đề ra một khó khăn. Nhưng ông nói diện tích trồng cây thẩu đã giảm khoảng 30 phần trăm trong khoảng từ năm 2007 đến 2009. Mặc dầu thế, Afghanistan vẫn sản xuất hơn 90 phần trăm khối lượng thuộc phiện dùng để chế biến bạch phiến trong năm ngoái.

Gần Hoa Kỳ hơn, ông Johnson nhấn mạnh rằng tác động của các hoạt động của các băng đảng ma túy tràn qua biên giới Hoa Kỳ và Mexico và lan sâu trong nước Mỹ.

Ông Johnson nói thêm: “Sự lan tràn này tiến sâu vào Hoa Kỳ. Và một số cộng đồng vùng biên giới có thể gần như không bị tác động nặng như những khu vực sâu trong nội địa.”

Bản phúc trình ca ngợi tổng thống Mexico Felipe Calderon cũng như cảnh sát, các vị thẩm phán và công dân về việc đối đầu với các băng đảng ma túy. Phúc trình nêu ra sự kiện năm ngoái các tay buôn lậu ma túy cấp cao đã bị bắt và Mexico đang tăng cường lực lượng cảnh sát với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.

Ngoài những khu vực thường bị liên kết với nạn buôn bán ma túy, bản phúc trình năm nay nói rằng Tây Phi, vốn bị giới buôn lậu ma túy làm lơ, nay lại là một hành lang chính cho đường dây cocaine tiêu thụ ở châu Âu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG