Đường dẫn truy cập

Mỹ: Iran phải trả lời các câu hỏi trong phúc trình về hạt nhân của LHQ


Chủ tịch Ủy ban Ngoại vụ Hạ viện Hoa Kỳ Ileana Ros-Lehtinen nói rằng phúc trình của IAEA cho thấy sự cần thiết phải 'hành động quyết liệt' để ngăn chặn Iran thủ đắc vũ khí hạt nhân
Chủ tịch Ủy ban Ngoại vụ Hạ viện Hoa Kỳ Ileana Ros-Lehtinen nói rằng phúc trình của IAEA cho thấy sự cần thiết phải 'hành động quyết liệt' để ngăn chặn Iran thủ đắc vũ khí hạt nhân

Các giới chức cấp cao trong chính quyền của ông Obama hôm qua nói rằng bản phúc trình của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế về Iran nhấn mạnh đến việc Tehran không chịu tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế và không chứng minh được bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân của họ.

Các giới chức đã trình bày với các phóng viên sau khi cơ quan có trụ sở ở Vienna này công bố bản phúc trình, và nói rằng có thông tin “đáng tin cậy” là Iran tiến hành các hoạt động nhằm khai triển vũ khí hạt nhân.

Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế IAEA nói rằng thông tin này cho thấy Iran đã xúc tiến việc thiết kế một vũ khí nguyên tử và thử nghiệm các bộ phận của vũ khí đó trong khuôn khổ điều mà cơ quan này gọi là một chương trình “có sắp đặt” trước năm 2003. Theo bản phúc trình, Iran có thể vẫn đang tiến hành công cuộc nghiên cứu liên hệ.

Iran nói chương trình hạt nhân của họ là nhắm các mục đích hòa bình về y học và năng lượng dân sự. Trước khi bản phúc trình của IAEA được công bố,

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã bác bỏ bản phúc trình và nói rằng cơ quan bị Hoa Kỳ lợi dụng và các giới chức Iran đã cảnh báo Israel và Hoa kỳ chớ nên có hành động quân sự chống lại Iran.

Các giới chức cấp cao trong chính quyền Obama nói rằng mặc dầu không đi đến kết luận rằng Iran đã tái khởi động cùng một chương trình mà họ đã có trước năm 2003, bản phúc trình nêu ra những quan ngại về công cuộc nghiên cứu có thể đang tiếp tục có liên hệ đến việc khai triển vũ khí hạt nhân.

Các giới chức nói rằng bản phúc trình “làm suy yếu thêm” tính khả tín của các tuyên bố mà chính phủ Iran đưa ra để phản đối áp lực quốc tế về chương trình hạt nhân của họ. Theo các giới chức, Iran cần phải đáp lại bằng cách trả lời các câu hỏi mà IAEA đã nêu ra.

Các giới chức cấp cao nói bản phúc trình không đưa ra bất kỳ phán đoán nào về mức độ của nỗ lực mà Iran có thể dành cho việc khai triển một cơ cụ hạt nhân có thể gắn vào một phi đạn, và nói rằng họ không thể thảo luận về các thẩm định tình báo.

Nhưng họ nói rằng chính phủ Iran cần phải đáp lại bản phúc trình. Các giới chức nói Hoa Kỳ sẽ tham khảo ý kiến các đồng minh và đối tác về các biện pháp trong tương lai, cứu xét các phương thức tăng thêm áp lực đối với chính phủ Iran - kể cả việc thêm các biện pháp chế tài - nếu như Iran không giải đáp các câu hỏi nêu ra trong bản phúc trình.

Bản phúc trình của IAEA đang được cứu xét kỹ tại Quốc hội Hoa Kỳ, nơi các nhà lập pháp cho biết là văn kiện này đem lại thêm động lực cho dự luật đang được đưa Hạ viện và Thượng viện và Thượng viện nhằm siết chặt thêm các biện pháp chế tài mà Hoa Kỳ đang áp đặt đối với Iran.

Nữ chủ tịch Ủy ban Ngoại vụ Hạ viện Hoa Kỳ, bà Ileana Ros-Lehtinen của đảng Cộng hòa, nói rằng bản phúc trình của IAEA cho thấy sự cần thiết Hoa Kỳ và các quốc gia khác cần phải có “hành động quyết liệt” để ngăn chặn Iran thủ đắc vũ khí hạt nhân.

Thượng nghị sĩ John Kerry của đảng Dân chủ là người đứng đầu Ủy ban Ngoại vụ Thượng viện. Ông nói:

“Đang diễn ra rất nhiều cuộc đối thoại ngay lúc này để tính toán xem các cách đáp ứng nào sẽ là hay nhất. Nhưng rõ ràng điều đó có nghĩa là chúng ta phải tăng thêm áp lực đối với Iran - có lẽ áp đặt các biện pháp chế tài gắt gao hơn.”

Nghị sĩ Mark Kirk của đảng Cộng hòa là người đồng bảo trợ dự luật với Nghị sĩ Charles Schumer của đảng Dân chủ nhắm vào ngân hàng trung ương của Iran. Ông Kirk nói có thể phải cần đến các biện pháp chế tài mạnh hơn đối với Iran.

“Cuối cùng, chúng ta có thể phải suy nghĩ việc cô lập Iran về dầu hỏa, để Iran không thể bán dầu hỏa. Sự kiện đó sẽ làm nền kinh tế mau chóng sụp đổ. Nếu không làm như thế, thì cơ bản là sẽ đẩy Israel đến chỗ cứu xét một phương án quân sự. Và lý do là vì Iran đã chuyển nhượng tất cả vũ khí tối tân mà họ có cho Hezbollah, kể các các phi đạn cruise. Tôi nghĩ có cơ may gần như 100% là một khi ông Ahmadinejad khai triển xong vũ khí hạt nhân, thì ông ta sẽ giao cho Hezbollah. Và tôi không nghĩ rằng thế giới có thể chấp nhận điều đó.”

Hội đồng IAEA sẽ quyết định liệu có đưa Iran ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hay không.

Các giới chức Hoa Kỳ chưa bình luận về các tin tức ồ ạt của các cơ quan truyền thông, kể cả Israel, suy đoán về việc có thể có hành động quân sự đối với Iran. Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố không loại trừ bất cứ phương án nào có liên quan đến Iran.

Các giới chức cấp cao trong chính quyền của ông Obama đã lập lại tuyên bố đó hồi hôm qua và nói rằng Hoa Kỳ cam kết “làm những gì có thể được” để ngăn chặn Iran thủ đắc một vũ khí hạt nhân. Nhưng họ nói có “thêm không gian” để tiếp tục gia tăng những tổn thất mà Iran phải chịu đựng vì thái độ hành sử của mình.

Các nghị quyết LHQ lên án, chế tài Iran về chương trình hạt nhân:

Năm 2003: IAEA tố cáo Iran che giấu những hoạt động hạt nhân của họ không tiết lộ cho các thanh sát viên của IAEA trong 18 năm, và hạn cho Iran cho đến cuối tháng 10 để chứng minh là họ không theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân. Vào tháng 12, Iran nói với IAEA họ sẽ hoãn chương trình tinh chế uranium và chịu để cho Liên Hiệp Quốc thanh tra nghiêm ngặt hơn những cơ sở hạt nhân của họ.

Năm 2005: Iran bắt đầu lại việc tinh chế uranium tại nhà máy hạt nhân Isfahan vào tháng 8, nói đó là công việc có mục đích hòa bình. Vào tháng 9, IAEA chấp thuận 1 quyết nghị lên án Iran không tuân thủ các thỏa ước bảo vệ an toàn hạt nhân quốc tế.

Năm 2006: Iran bắt đầu lại việc tinh chế uranium vào tháng 2. IAEA tố giác các hoạt động của Iran lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào tháng Tư. Hội Đồng Bảo An đòi Iran chấm dứt tinh chế vào ngày 31 tháng 8, bằng không sẽ bị chế tài. Iran phớt lờ kỳ hạn cảnh báo. Tháng 12, Hội Đồng Bảo An áp đặt vòng chế tài đầu tiên cấm buôn bán với Iran các chất liệu hạt nhân có tính nhạy cảm, và các phi đạn đạn đạo.

Năm 2007: Iran phớt lờ thêm 1 kỳ hạn chót của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, đòi nước này ngưng tinh chế uranium vào tháng 2. Hội Đồng chấp thuận 1 vòng chế tài lần thứ 2 vào tháng 3. Vào tháng 5, ông Mohamed Elbaradei, giám đốc IAEA, cho biết chỉ còn từ 3 tới 8 năm nữa Iran sẽ có khả năng sản xuất một vũ khí hạt nhân.

Năm 2008: Vào tháng 3, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua một vòng chế tài thứ 3 nhắm vào Iran. Hoa Kỳ vận động Liên Hiệp Quốc chế tài Iran thêm nữa, nhưng Nga kêu gọi thương thuyết thêm.

Năm 2009: Tháng 9, Iran báo cho IAEA là họ đang xây 1 nhà máy tinh chế uranium gần Qom. IAEA lên án Iran vào tháng 11. IAEA đề xuất 1 thỏa thuận trao đổi năng lượng, theo đó Iran sẽ gửi uranium sơ chế ra nước ngoài, để biến đổi thành năng lượng cho lò phản ứng hạt nhân của Teheran hầu thực hiện những nghiên cứu y học.

Năm 2010: Iran trả lời về đề nghị trao đổi năng lượng của IAEA vào tháng 2, họ nói bất kỳ việc trao đổi uranium sơ chế nào cũng phải được thực hiện trên lãnh thổ Iran. Vào tháng 5, Iran đồng ý gửi uranium sơ chế sang Thổ Nhĩ Kỳ. Các nước tây phương chỉ trích kế hoạch này. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chấp thuận vòng chế tài thứ tư nhắm vào Iran trong tháng 6. Iran mở các cuộc thảo luận với 6 cường quốc thế giới tại Genève vào tháng 12, đồng ý mở thêm các cuộc thảo luận tại Istanbul vào tháng Giêng.

Năm 2011: Các cuộc thảo luận giữa Iran và 6 cường quốc thế giới thất bại. Ông Yukio Amano, giám đốc IAEA tuyên bố hồi tháng 6 rằng Iran có thể đã thực hiện các hoạt động hạt nhân với tiềm năng quân sự . Ông cũng tố cáo Iran không chịu hợp tác. Tổng thống Iran, ông Mahmoud Ahmadinejad, bác bỏ những cáo buộc này. Trong 1 bản phúc trình tháng 11, IAEA cho biết họ có “những quan ngại nghiêm trọng” về các hoạt động hạt nhân của Iran.

VOA Express

XS
SM
MD
LG